Trung Quốc mở cửa, dòng khách vẫn phải chờ

13/12/2022 06:35 GMT+7

Sau động thái nới lỏng chính sách Zero Covid của Trung Quốc , các đường bay thẳng từ Việt Nam - Trung Quốc đã lập tức được nối lại. Song, doanh nghiệp nhìn nhận vẫn rất khó để kích hoạt thị trường du lịch “khổng lồ” này.

Hàng không mở đường, địa phương sẵn sàng

Ngay khi Trung Quốc có động thái thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách phòng/chống dịch Covid-19, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines chính thức mở lại một số đường bay giữa VN và Trung Quốc để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Chuyến bay VN502 khởi hành từ TP.HCM đi Quảng Châu lúc 9 giờ 55 hôm 9.12 đánh dấu chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa VN và quốc gia này sau gần 3 năm dừng bay vì đại dịch bùng phát.

Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào VN qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thời điểm trước dịch

Lã Nghĩa Hiếu

Đại diện Vietnam Airlines cho biết Trung Quốc là một trong các thị trường quốc tế quan trọng nhất của hãng. Việc chính thức khai thác trở lại các đường bay thường lệ ngay trong tháng 12 là tín hiệu tích cực đầu tiên hướng tới mục tiêu khôi phục hoàn toàn hoạt động khai thác tại thị trường Trung Quốc trong năm 2023. “Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước sở tại, nhưng với tín hiệu về chính sách của Trung Quốc trong thời gian qua, chúng tôi kỳ vọng ngay từ đầu năm 2023, các đường bay sẽ được mở lại liên tục với tần suất tăng nhanh”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Trước đó, Bamboo Airways cũng mở đường bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội tới Thiên Tân, 1 trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Các chuyến khứ hồi giữa 2 thành phố này được thực hiện vào thứ ba hằng tuần. Hãng Vietjet cũng đã nối lại một số chuyến bay với Trung Quốc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, thông tin trước dịch, mỗi tuần các hãng hàng không của VN khai thác khoảng hơn 200 chuyến bay tới nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc. Do chính sách phòng dịch của chính phủ nước này, thời gian qua, số lượng chuyến bay giữa 2 nước rất hạn chế, giảm chỉ còn khoảng 6 chuyến/tuần. Ngày 1.11 vừa qua, sau nhiều nỗ lực đàm phán, Cục Hàng không VN đã đề nghị nhà chức trách hàng không Trung Quốc tăng số lượng chuyến bay lên 16 chuyến/tuần. Mặc dù vậy, các TP trọng yếu của nước này vẫn chưa được phép bay vì chính sách chống dịch vẫn còn duy trì nghiêm ngặt.

“Vì thế nên bước đầu vẫn chưa thể kỳ vọng nhiều phục hồi du lịch nhưng đây cũng là những tín hiệu khả quan. Theo kế hoạch, đầu năm 2023, Cục sẽ tiếp tục đàm phán để tăng thêm chuyến bay đến Trung Quốc”, ông Đinh Việt Sơn nói.

Chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến VN giai đoạn trước dịch, thiếu vắng khách Trung Quốc đang để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch VN. Vì thế, ngay khi các đường bay thương mại thường lệ được nối lại, nhiều địa phương vốn là “hub” du lịch của người dân Trung Quốc đã nhanh chóng lên kế hoạch đón “khách ruột”. Đơn cử, một ngày sau khi các chuyến bay cất cánh, chính quyền TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã có văn bản gửi các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch về việc chuẩn bị đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán và khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái mở lại hoạt động xuất nhập cảnh cho du khách. Theo đó, các nhà hàng, khách sạn được yêu cầu quan tâm sửa chữa, nâng cấp, thay thế cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng, rà soát, bổ sung kịp thời nguồn lao động còn thiếu và đào tạo nguồn lao động, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Tất cả đều đã sẵn sàng, chỉ chờ phía Trung Quốc mở cửa biên giới.

Du lịch vẫn phải chờ

Là doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cho biết sau khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, Liên Bang đã liên hệ với nhiều đối tác quen bên nước sở tại. Thời gian thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc cũng kiệt quệ. “Rụng rời có, sốt ruột có, buồn chán có, chuyển đổi ngành khác cũng không ít… Vì thế, họ trông chờ mở lại du lịch lắm”, ông Thành nói.

Thế nhưng, theo vị này, hiện nay các quy định kiểm soát vẫn rất nghiêm ngặt nên các đối tác thông báo phải chờ tới quý 1 năm sau thì thị trường du lịch quốc tế của Trung Quốc mới có thể khởi động lại. Tần suất các chuyến bay hiện mở lại còn ít, cũng chưa hướng tới các thành phố trọng yếu nên chưa đủ sức tác động tới ngành du lịch. Nếu may mắn thì ít nhất cũng phải tới hè năm sau, VN mới đón được dòng khách này quay lại.

Đại diện các hãng hàng không cũng dự báo dù các đường bay thường lệ đã được mở lại nhưng lượng khách cũng không quá khả quan vì các điều kiện nhập cảnh rất khắt khe. Hành khách nhập cảnh vào Trung Quốc phải thực hiện xét nghiệm PCR 48 tiếng trước giờ bay, khai báo lấy mã sức khỏe và tuân thủ nghiêm quy định đeo khẩu trang N95. Đặc biệt, Chính phủ nước này vẫn yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly 5 ngày.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist, đánh giá Trung Quốc là thị trường rất lớn, không chỉ với VN mà đa số các quốc gia tập trung phát triển du lịch đều trông chờ vào nguồn khách từ thị trường này. Thời điểm trước dịch năm 2019, trong số 18 triệu khách quốc tế đến VN thì có tới khoảng 6 triệu khách Trung Quốc, hầu hết đi theo các chuyến charter tới Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long. Mỗi ngày, các tỉnh miền Trung có thể đón khoảng 50 - 70 chuyến charter đưa khách Trung Quốc tới. Gần 3 năm vắng khách Trung, cộng thêm giảm khách Nga, hệ thống lưu trú, dịch vụ ở các điểm đến này rơi vào cảnh tiêu điều.

“Vì thế, những tín hiệu tích cực từ thị trường khách Trung Quốc mang tới rất nhiều kỳ vọng cho các địa phương. Tuy nhiên, cũng bởi đặc thù thường đi theo các chuyến charter nên số lượng chuyến bay thương mại ít ỏi vừa mở sẽ chủ yếu nhắm tới đối tượng khách công tác hoặc thăm thân nhân giữa 2 nước. Các đường bay này mới chỉ mang ý nghĩa thử nghiệm, thăm dò thị trường và có thể sẽ phải mất 6 tháng nữa để Trung Quốc chính thức mở cửa du lịch”, ông Yên nhận định.

Dù lượng khách áp đảo nhưng thực tế phần đóng góp vào kinh tế ngành du lịch của khách Trung Quốc chưa tương xứng. Trước dịch, các chuyến charter đưa khách tới VN chủ yếu thông qua các đơn vị của Trung Quốc tổ chức theo mô hình kinh doanh khép kín, giá rẻ. Khách tới đông chắc chắn giúp kích thích nền kinh tế địa phương, làm sống lại hệ thống khách sạn, lưu trú, nhà hàng… nhưng những phần đóng góp chi tiêu cho mua sắm hay đóng thuế cho nhà nước còn nhiều hạn chế. Đây cũng là điều cần lưu ý để kiểm soát tốt hơn dòng khách này sau khi họ quay trở lại hậu Covid.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.