Đồng mã hóa còn được dùng nhiều hơn cả bitcoin

Thu Thảo
Thu Thảo
05/10/2019 21:20 GMT+7

Đồng nào được dùng nhiều nhất trong thế tiền mã hóa hiện nay? Chắc chắn không ít người sẽ ngạc nhiên khi bitcoin , đồng chiếm khoảng 70% tổng giá trị thị trường tiền mã hóa, lại không phải là câu trả lời đúng.

Bloomberg cho biết dù số liệu giao dịch cụ thể khó lòng được tổng hợp ở thị trường tiền mã hóa hay tiền điện tử, số liệu từ trang Coinmarketcap vẫn cho thấy đồng có khối lượng giao dịch hằng ngày và hằng tháng cao nhất là tether. Giá trị thị trường của tether nhỏ hơn 30 lần so với khối lượng giao dịch của nó.
Coinmarketcap cho biết khối lượng giao dịch của tether đạt tầm 21 tỉ USD mỗi ngày, vượt bitcoin lần đầu tiên vào tháng 4 và liên tục vượt qua bitcoin từ đầu tháng 8 đến nay. Khối lượng giao dịch hằng tháng của tether thì cao hơn 18% so với khối lượng giao dịch của bitcoin. Bloomberg nhận định tether ít nhiều là đồng quan trọng nhất trong hệ sinh thái tiền mã hóa. Đây cũng là một trong những lý do chính vì sao các nhà quản lý xem xét cẩn trọng tiền mã hóa và hành vi thao túng trên thị trường tiền mã hóa.

Danh sách các đồng mã hóa có khối lượng giao dịch hằng ngày lớn nhất, đứng đầu là tether

Ảnh: Bloomberg

"Nếu không có tether, chúng ta sẽ mất một khối lượng giao dịch hằng ngày lớn vào tầm 1 tỉ USD hoặc hơn, tùy thuộc vào nguồn dữ liệu", Lex Sokolin, đồng giám đốc công nghệ tài chính toàn cầu tại ConsenSys, nơi cung ứng công nghệ blockchain, cho hay. Tether là đồng có giá trị ổn định (stablecoin) được dùng nhiều nhất thế giới. Stablecoin là loại đồng mã hóa thường có giá trị được neo vào tiền tệ thật hoặc một nguồn dự trữ.
Stablecoin cũng là con đường cho nhiều nhà giao dịch muốn bước vào thị trường. Ở các nước như Trung Quốc, nơi giao dịch tiền mã hóa bị cấm, người ta có thể trả tiền tệ thật để mua tether ngoài quầy mà không bị hỏi nhiều. Sau đó, họ có thể dùng tether để mua các đồng khác như bitcoin, ethereum.
"Với nhiều người châu Á, họ thích ý tưởng rằng loại đồng này ngoài tầm với của chính phủ Mỹ. Với họ thì đó là tính năng, không phải là vấn đề", Jeremy Allaire, giám đốc điều hành Circle, hãng hậu thuẫn một stablecoin có tên USD Coin, cho hay. Theo Allaire, các nhà giao dịch châu Á chiếm khoảng 70% tổng khối lượng giao dịch tiền mã hóa và tether được dùng trong khoảng 40% đến 80% toàn bộ giao dịch thực hiện trên hai sàn hàng top thế giới là Binance và Huobi, theo Coin Metrics.

Giá trị thị trường của tether tăng mạnh trong thời gian gần đây

Ảnh: Bloomberg

Dù được sử dụng nhiều trong giao dịch, tether có không ít vấn đề đáng ngại. "Tôi không cho rằng người ta thực sự tin tưởng tether. Tôi cho rằng nhiều người dùng tether mà không nhận ra rằng họ đang dùng nó. Họ cứ nghĩ mình đang có đồng đô la thật sự trong tài khoản ở đâu đó", Thaddeus Dryja, nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định. Thực tế, hầu hết các sàn giao dịch tiền mã hóa vẫn không có tài khoản ngân hàng và không thể trữ USD thay mặt khách hàng. Vì vậy, họ dùng tether.
Cách tether được quản lý cũng rất mập mờ. Trong khi bitcoin không do bất cứ ai kiểm soát, tether được phát hành bởi một hãng tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông. Doanh nghiệp này cũng sở hữu sàn tiền mã hóa Bitfinex. Số lượng tiền tệ thật mà doanh nghiệp dự trữ để hậu thuẫn tether cũng không rõ ràng vì nó không được kiểm toán một cách độc lập.
John Griffin, giáo sư tài chính thuộc Đại học Texas ở Austin, cho biết đợt tăng giá khủng của bitcoin cuối năm 2017 là kết quả của sự thao túng thị trường thông qua tether. Bộ Tư pháp Mỹ cũng điều tra vai trò của tether trong việc thao túng thị trường tiền mã hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.