Đồng minh cam kết viện trợ Ukraine khi ngân sách Mỹ chưa thông

Đồng minh cam kết viện trợ Ukraine khi ngân sách Mỹ chưa thông

22/02/2024 14:04 GMT+7

Nhiều đồng minh phương Tây tiếp tục tuyên bố cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, mặc cho Nga nhiều lần tuyên bố rằng viện trợ quân sự nước ngoài sẽ dẫn đến leo thang nhưng không làm thay đổi kết quả xung đột.

Sau khi mất thị trấn Avdiivka thuộc tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) vào tay Nga, Kyiv đang kêu gọi phương Tây viện trợ thêm trong hoàn cảnh đạn dược, pháo binh và các loại vũ khí khác đang dần cạn kiệt.

Bộ Quốc phòng Thụy Điển hôm 20.2 cho biết sẽ viện trợ quân sự trị giá khoảng 682 triệu USD, bao gồm chuyển giao thiết bị mới và tiền mặt để Ukraine mua sắm vũ khí.

Gói viện trợ mới bao gồm đạn pháo, cũng như pháo phòng không và súng không giật. Thụy Điển cũng sẽ cung cấp một số loại tàu chiến đấu, cũng như vũ khí dưới nước như mìn và xuồng không người lái.

Ngoài ra, Stockholm cũng dành tiền mặt để mua vật liệu chiến tranh thông qua các quỹ quốc tế của Ukraine, và dành gần 100 triệu USD để mua khoảng 10 xe chiến đấu bọc thép mới, sẵn sàng giao cho Ukraine vào năm 2026.

Đây sẽ là đợt viện trợ thứ 15 của Thụy Điển dành cho Ukraine và là gói viện trợ lớn nhất của quốc gia Bắc Âu này cho đến nay, nâng tổng số viện trợ kể từ khi xung đột bùng phát vào 2.2022 lên khoảng gần 2,9 tỉ USD.

Trước đó, Canada tuyên bố sẽ tặng hơn 800 máy bay không người lái SkyRanger R70 cho Ukraine.

Đồng minh cam kết viện trợ Ukraine khi ngân sách Mỹ chưa thông- Ảnh 1.

SkyRanger R70, máy bay không người lái bốn cánh được thiết kế để giám sát, quan sát và vận chuyển gói hàng, có thể vận chuyển vũ khí có trọng lượng lên tới 2kg.

FLIR

Các UAV này là một phần trong gói viện trợ trị giá 370 triệu USD mà chính phủ Canada cam kết dành cho Kyiv vào tháng 6.2023. Tổng cộng, Ottawa đã cung cấp cho Ukraine viện trợ trị giá 1,78 tỉ USD kể từ tháng 2.2022, bao gồm xe tăng, xe bọc thép và pháo binh.

Một quốc gia khác ở châu Âu cũng thể hiện sự ủng hộ với Ukraine là Đan Mạch khi mới đây, Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết Đan Mạch sẽ gửi “toàn bộ pháo binh” tới Ukraine.

Tại Hội nghị An ninh Munich hôm 17.2, bà Frederiksen kêu gọi các quốc gia châu Âu khác hãy hành động nhiều hơn nữa. Bà nói: “Giờ đây Ukraine đang yêu cầu chúng ta cung cấp đạn dược, pháo binh, ngay lúc này. Từ phía Đan Mạch, chúng tôi quyết định tặng toàn bộ pháo binh của mình”.

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã dẫn đầu phái đoàn 100 người tham dự hội nghị tái thiết Nhật Bản-Ukraine ở Tokyo. Tại đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết hỗ trợ để giúp xây dựng lại nền kinh tế Ukraine sau khi xung đột với Moscow kết thúc.

Theo ông Shmyhal, hơn 50 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết tại sự kiện này, bao gồm “một công ước liên chính phủ về tránh đánh thuế hai lần, điều này cực kỳ quan trọng đối với các công ty Nhật Bản đang lên kế hoạch cho các dự án mới ở Ukraine”.

Thay đổi lịch sử cho phép Nhật Bản bán tên lửa Patriot cho đồng minh

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ 12,1 tỉ USD, bao gồm cả số tiền đã công bố và đã thực hiện, thủ tướng Ukraine cho biết.

Theo phía Nhật Bản, trong hội nghị, Tokyo đã cam kết viện trợ thêm 105 triệu USD cho Ukraine để tài trợ cho công việc rà phá bom mìn và sửa chữa khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng và giao thông.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết mở văn phòng thương mại chính phủ mới ở thủ đô Kyiv. Ông Kishida nhấn mạnh Tokyo coi việc tái thiết Ukraine là một “khoản đầu tư” có lợi cho cả hai bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.