Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, trong ngày hôm nay, tỉnh sẽ nhận gạo và ngày mai giao Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị xe, vận chuyển xuống các địa phương để cấp phát ngay lập tức cho người dân.
Phát cho dân một cách nhanh nhất có thể
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 18.8 tỉnh đã có đề nghị T.Ư hỗ trợ cho Đồng Nai 3.128 tấn gạo để phát cho 208.567 người dân gặp khó khăn (bình quân mỗi người khoảng 15 kg gạo), nay T.Ư đã cấp 50% so với đề xuất, nghĩa là mỗi người dân nghèo nhận được nhận 7,5 kg gạo.
“Hiện gạo đã về kho, các đầu mới tiếp nhận, phân phối tập trung nhân lực để cấp phát cho dân một cách nhanh nhất có thể”, ông Dũng nói.
|
Theo ông Dũng việc cấp phát chia nhỏ cho mỗi người 7,5 kg gạo xem ra tưởng đơn giản nhưng triển khai thực tế cũng rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, do đó phải làm bài bản, đầy đủ.
Các địa phương ngoài việc chuẩn bị kho để tiếp nhận còn phải tính chuyện phân ra ở đâu, đưa về xã hay huyện, lực lượng nào phân phát…
Ông Dũng cũng đề nghị Sở KHCN Đồng Nai nghiên cứu thiết kế thêm các cây ATM gạo để mỗi người dân trong tiêu chuẩn đến cây ATM thì tự động chảy gạo ra, chứ cân tay mỗi người 7,5 kg thì biết chừng nào xong.
“Hiện tại chỉ còn 1 cây ATM gạo ưu tiên cho TP.Biên Hòa, còn lại các địa phương khác chưa có nên đề nghị Sở KHCN tính toán. Về nguyên tắc là không được thiếu”, ông Dũng nói.
Thêm 11.000 người nghèo tiếp tục nhận gạo đợt 2
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết việc phân phối gạo cứu đói cho dân đợt 1 cần triển khai nhanh, dứt điểm để tỉnh tiếp tục phân phối đợt 2 cho khoảng 11.000 người dân nghèo.
Ông Lĩnh cũng chỉ đạo ngành LĐ-TB-XH phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tiếp tục vận động các nguồn lực, bổ sung, cập nhật danh sách những người dân còn thiếu, đặc biệt là công nhân ở trong các khu nhà trọ. (Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó công nhân trong các KCN là hơn 600.000 người).
|
Ông Lĩnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường chuẩn bị kho lương thực cho dân, đảm bảo an toàn mùa mưa không để gạo ẩm ướt.
“Đừng quên khu nhà trọ công nhân, phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, cập nhật bổ sung danh sách nếu còn thiếu. Các xã, phường hình thành ngay tổ công tác xã hội giúp dân do bí thư, chủ tịch điều phối. Khi có thông tin thì xác minh, không đề chậm trễ. Đặc biệt, dứt khoát không để xảy ra tiêu cực trong chuyện này. HĐND, MTTQ các cấp phối hợp để giám sát, không để phát sinh tiêu cực trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội”, ông Lĩnh nói.
“Thà đưa dư còn hơn bỏ sót”Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc ở một số nơi người dân vẫn phản ánh không nhận được hỗ trợ của chính quyền, có nơi đã 2 tháng người dân khai báo nhưng đến nay không nhận được hỗ trợ, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại phía Nam cho biết bản thân ông cũng nhận được rất nhiều điện thoại và nhận được nhiều phản ánh của người dân các địa phương phía nam trong đó có Đồng Nai. Sở dĩ có việc trên một phần do khi làm kế hoạch các địa phương đã không tính toán hết các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, thứ hai là một số nơi cán bộ cấp cơ sở còn lúng túng, hiểu chưa hết các quy định chính sách, chưa thực sự làm hết trách nhiệm của mình, thậm chí sợ sai, sợ nhầm đối tượng …
Để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, không bị đứt bữa, theo ông Thắng, các địa phương cần khẩn trương hơn nữa trong công tác hỗ trợ người dân thông qua túi an sinh và chính sách hỗ trợ gạo, tiền mặt. "Lúc này người dân đang rất cần sự giúp đỡ, nên chính quyền phải tiếp cận trực tiếp với người dân để hỗ trợ họ và phải làm với trách nhiệm cao nhất, phương châm là 'thà đưa dư còn hơn bỏ sót người nghèo”, ông Thắng nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)