Đồng phục học sinh, thu chi đầu năm học: Đến hẹn lại “nóng”

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/09/2022 09:05 GMT+7

Việc quy định về mua sắm đồng phục học sinh , học phí, thu chi đầu năm học năm nào cũng có chỉ đạo “thực hiện nghiêm” nhưng năm nào cũng khiến phụ huynh băn khoăn vì mỗi nơi quy định một kiểu.

Đồng phục học sinh: Mỗi nơi quản lý mỗi kiểu

Chị Q.H có con học lớp 10 một trường THPT ở Hà Nội cho biết khi nhập học cho con, chị không đăng ký mua đồng phục tại trường vì kinh nghiệm cho thấy chất liệu đồng phục rất xấu, không thấm hút mồ hôi, giá cả lại không phù hợp… Tuy nhiên, khi nhà trường cung cấp mẫu mã, logo thì chị đi khắp các cửa hàng bán đồng phục học sinh (HS) đều không có, lý do là không chỉ có áo trắng, quần - váy sẫm màu mà trường còn có thêm một số họa tiết như viền cổ áo, chân váy… khiến phụ huynh buộc phải đặt mua ở trường mới đúng loại.

Nhiều địa phương có chỉ đạo nghiêm về đồng phục và các khoản thu khi học sinh bước vào năm học mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD-ĐT về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của HS, sinh viên. Theo đó, không bắt buộc HS phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện cho HS có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, Sở cũng lưu ý nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo…) để phụ huynh chủ động mua sắm cho HS. “Các trường không để một HS nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học”, ông Cương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ đạo của Sở GD-ĐT lẽ ra phải ban hành vào trước thời điểm các trường tuyển sinh đầu cấp (từ cuối tháng 6, đầu tháng 7), việc đến gần khai giảng mới đưa ra chỉ đạo là khá muộn vì việc mua sắm đồng phục đã xong xuôi từ khi HS nhập trường. Thời điểm đó, phụ huynh muốn hay không cũng phải chấp nhận mua đồng phục cho con theo quy định của mỗi trường.

Đối với học phí phổ thông thì cố gắng không tăng, và có thể thúc đẩy việc giảm để tiến tới miễn nhanh hơn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Một số địa phương thì có chỉ đạo “rắn” hơn về chuyện đồng phục, ví dụ Sở GD - ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra văn bản yêu cầu từ năm học này, đồng phục HS, sinh viên trong toàn tỉnh là áo sơ mi trắng, quần tây, váy xanh hoặc đen, đi dép quai hậu hoặc giày. Sở lưu ý các trường tuyệt đối không in phù hiệu trên áo, không may thêm các họa tiết như cà vạt, nơ, viền... trên đồng phục; không bắt buộc HS may, mua đồng phục mới vào đầu năm học.

Học phí nơi “tạm chưa thu”, nơi miễn

Các địa phương đến thời điểm này đã công bố miễn học phí cho HS gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Trong khi đó, một số tỉnh, thành dự kiến tăng học phí nhưng bị phản ứng của dư luận nên đã thông báo “tạm thời chưa thu”. Mới đây nhất, ngày 30.8, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở giáo dục công lập trực thuộc, hướng dẫn tạm thời chưa thu học phí năm học 2022-2023.

Trước đó, dự thảo tờ trình học phí tại Hà Nội năm học 2022-2023 đã gây nhiều tranh cãi khi mức học phí đề xuất có thể sẽ tăng gấp đôi. Sau đó, dự thảo về học phí không trình kỳ họp HĐND TP vào tháng 7.2022 như kế hoạch, vì lãnh đạo thành phố đã có chủ trương, yêu cầu tiếp tục rà soát, xem xét xây dựng dự thảo nghị quyết về mức thu học phí theo lộ trình và có mức hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho đời sống xã hội.

UBND tỉnh Cà Mau cũng quyết định tạm thời chưa thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023. Còn với các khoản thu khác đầu năm học (nếu có), tỉnh yêu cầu thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không được thu bất cứ khoản thu nào ngoài quy định.

Trong thời gian chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chung về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng có ý kiến chỉ đạo thống nhất chủ trương tạm thời chưa thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023 cho đến khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, ngày 29.6.2022, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã có Nghị quyết thông qua mức học phí mới đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023. Theo đó, mức thu học phí này cao hơn so với năm học trước, nhất là khu vực thành thị. Cụ thể, năm học 2021-2022, học phí khu vực thành thị 70.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn 40.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, Sở GD-ĐT Nam Định thì cho biết vẫn tạm thời thu ở mức tăng và “Sở sẽ có tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức thu học phí đối với các cấp học khi có quy định mới của Chính phủ”. Trong văn bản đầu năm học, Sở GD-ĐT tỉnh này yêu cầu: “Toàn ngành tăng cường công tác tuyên truyền để cha mẹ HS, nhân dân hiểu về quy định mức học phí năm học 2022-2023 đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Dù có mức chênh lệch lớn so với mức học phí các năm trước, tuy nhiên tỉnh đã thực hiện mức sàn so với quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ”…

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra vào trung tuần tháng 8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đối với học phí phổ thông thì cố gắng không tăng, và có thể thúc đẩy việc giảm để tiến tới miễn nhanh hơn”, đồng thời khẳng định ngân sách chi cho giáo dục đương nhiên phải tính đúng, tính đủ, tương thích với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc tăng hay không tăng học phí cần sớm được các cơ sở giáo dục công bố trước năm học bởi nhiều gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp cần biết trước các khoản thu chi cho việc học tập của con để cân đối chi tiêu trong gia đình. Việc các địa phương thông báo “tạm thời chưa thu” cũng không vì thế khiến phụ huynh yên tâm.

Nhiều địa phương tìm cách chặn lạm thu

Một số địa phương rốt ráo ban hành các văn bản riêng nhằm chặn tình trạng lạm thu xảy ra đầu năm học. Ngày 27.8, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học 2022 - 2023. Theo đó, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và HS toàn trường...

Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng “lạm thu” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023 nhằm đảm bảo minh bạch trong quản lý tài chính và bảo đảm việc thu đủ bù chi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương; cũng là để chia sẻ gánh nặng với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, tránh tình trạng hiệu trưởng các trường học “tự ý” thu thêm các khoản thu bất hợp lý, gây bức xúc dư luận. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý làm căn cứ xem xét, đề nghị xử lý kỷ luật hiệu trưởng các trường học khi xảy ra sai phạm. Văn bản cũng hướng dẫn chi tiết cho từng khoản thu, kể cả thu hộ; quy định mức chi và khấu trừ đối với các khoản. Nếu thủ trưởng các đơn vị tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trong văn bản gửi Giám đốc các sở GD-ĐT mới đây, về vấn đề thu chi trong trường học, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra giám sát quá trình thực hiện ở các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.