Hơn 40 năm cải cách và đổi mới, Việt Nam xuất hiện 4 đợt suy giảm, khủng hoảng kinh tế, với chu kỳ 10 năm 1 lần. Cuộc khủng hoảng lớn nhất là giai đoạn 1976 - 1985, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kinh tế bị cô lập, đời sống người dân thiếu thốn, lúc đó gần như không lối thoát. Nhưng trong khó khăn tột cùng lại xuất hiện những tư tưởng mới, giải pháp đột phá sáng tạo dưới sự dẫn dắt và vai trò then chốt của người đứng đầu. Vì vậy, đầu năm 2000, chúng ta có một cuộc cải cách triệt để chuyển sang kinh tế thị trường toàn diện.
Sau 10 năm phát triển, từ 1997 - 1999, Việt Nam lại đối mặt với khủng hoảng tài chính khu vực. Tiếp đó, năm 2008 - 2012 là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, buộc khuôn khổ điều hành chính sách thay đổi toàn diện và Nghị quyết 11 ra đời. Nghị quyết là một bước ngoặt, chúng ta không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá mà ưu tiên hàng đầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng hợp lý đi kèm với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Cùng với đó là chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục đầu tư. Phải nói rằng những thay đổi xuất phát từ thực tiễn và rất quyết đoán.
ngọc thắng |
Hiện nay, chúng ta ở thế khó khăn tứ bề. Tuy nhiên, so với 10 hay 20 năm trước, thời điểm này thực ra thuận lợi hơn nhiều. Năm 1997 - 1999, kinh tế Việt Nam đang bị cô lập. Chúng ta mới mở cửa được ASEAN, mới bỏ cấm vận, chưa bình thường hóa quan hệ đối ngoại, đặc biệt là Mỹ. Năm 2008 - 2012 lạm phát cao, vĩ mô bất ổn.
Giờ quy mô kinh tế của chúng ta lớn hơn, nguồn lực đa dạng, cơ hội nhiều hơn. Năm 1999 mới có được 30.000 doanh nghiệp nhỏ tồn tại. Hiện nay có hơn 900.000, gấp hơn 30 lần so với trước và rất nhiều doanh nghiệp đã thành tập đoàn kinh tế tư nhân. Giai đoạn trước, đầu tư nước ngoài gần như chưa có nhưng giờ thu hút được hàng trăm tỉ USD. Kinh tế có lung lay, có bất ổn nhưng kiềm chế được lạm phát. Đây là nền tảng để thắp lên nhiều hy vọng cho năm 2023 và giai đoạn sau.
Để khơi thông nguồn lực, vực dậy niềm tin, chúng ta phải nhìn thấu khó khăn, đối mặt và đánh giá đúng thực tiễn, từ đó mới thay đổi chính sách và con đường phát triển đúng đắn… Chúng ta kiểm soát được lạm phát thấp hơn thế giới nên còn dư địa có thể nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Hai là, doanh nghiệp gặp khó khăn, đầu tư công ách tắc, chính sách tài khóa phải làm trụ cột để khơi thông. Tiếp tục quá trình phục hồi nhưng quy mô của nó phải lớn và thực chất hơn, các loại thuế nhiều hơn nữa; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp; khơi thông dòng tiền, không để nằm kẹt trong kho bạc nhà nước.
Ba là, cải cách hành chính phải thực chất, đặc biệt thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Từ các loại quy hoạch đến thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục phòng cháy chữa cháy, rồi giấy phép xây dựng… tạo ra một ma trận về thủ tục. Cái này cực kỳ quan trọng và phải làm. Phải nuôi dưỡng, xây dựng một đội ngũ doanh nhân thật năng động, sáng tạo để vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp khỏe, dân có mạnh thì đất nước mới có thể tự chủ, hùng cường.
Thứ tư, sự phối hợp của Chính phủ nhịp nhàng, thông điệp nhất quán, hành động quyết liệt. Các bộ trưởng trách nhiệm hơn, dám làm dám chịu. Và điều quan trọng nhất, khi điều tiết thị trường nên tuân theo nguyên tắc không làm thay thị trường, không can ngăn thị trường, không can thiệp hành chính quá mức vào thị trường.
Có rất nhiều việc cần làm trong bối cảnh khó khăn này, nếu chúng ta thực sự vì dân, đánh giá đúng thực tiễn, dám làm, dám đột phá sáng tạo thì không có lý gì lại không vượt qua được.
Đồ họa: Nguyễn Thúy Ngọc |
Bình luận (0)