Sáng 16.1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 ngày 31.12.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM.
Trao đổi tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhắc đến đánh giá 10 năm qua, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của TP.HCM có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên |
NGUYÊN VŨ |
Theo ông Thưởng, nếu nghiêm khắc ghi nhận thì đánh giá này rất đau bởi TP.HCM được coi là đầu tàu năng động, sáng tạo nhưng nay lại có chiều hướng suy giảm. “Mấy năm vừa qua, TP.HCM có chiều hướng sụt giảm rất rõ, năng động, sáng tạo không bằng các địa phương khác, tốc độ phát triển chậm. Mình vẫn là đầu tàu kinh tế nhưng quy mô của đầu tàu đang giảm xuống”, ông nói thêm.
Hạ tầng chưa tương xứng
Đánh giá Nghị quyết 31 có ý nghĩa quan trọng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 31 phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM. Mục tiêu cao nhất là phải tạo chuyển biến thực sự, kết quả cụ thể.
Bên cạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, ông Thưởng lưu ý cần tập trung phát triển mạnh mẽ văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ông Võ Văn Thưởng trao đổi, gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị |
NGUYÊN VŨ |
Đồng thời, TP.HCM cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với thành phố có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất nước.
“TP.HCM bao giờ cũng được xác định là đầu tàu nhưng hạ tầng chưa đáp ứng, chưa tương xứng. Hiện Hà Nội đang làm Vành đai 4, mình đang khởi động Vành đai 3, còn Vành đai 2 thì 6-7 năm rồi chưa làm xong mấy cây số còn lại”, Thường trực Ban Bí thư so sánh, đồng thời nhìn nhận hạn chế này ngoài trách nhiệm của TP.HCM còn có trách nhiệm của các cơ quan Trung ương.
Về công tác quy hoạch, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho thành phố.
Các công việc trọng tâm là lập Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; thực hiện đồng bộ các quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian sông nước, không gian văn hoá…
Ngoài ra, cần chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của TP.HCM trong liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.
TP.HCM thí điểm những chính sách đột phá mới
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị lần này nhấn mạnh việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho phát triển của TP.HCM.
Hai nội dung cần quan tâm là sớm ban hành văn bản của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM và xây dựng cơ chế để cụ thể hoá thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TP.HCM làm thí điểm chủ trương này.
“Trong quản trị hiện đại hay nói về thử nghiệm có kiểm soát chính sách vượt trội để phát triển, TP.HCM là đầu tàu mà còn đi xin chính sách đặc thù nữa thì nghe không hay bằng thí điểm cơ chế chính sách vượt trội”, ông Thưởng đánh giá và cho biết Bộ chính trị đã đồng ý chủ trương này.
TP.HCM đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chính sách đột phá tạo động lực phát triển |
ĐỘC LẬP |
Vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, nếu làm nhanh thì có thể thông qua trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5.2023. “Mong muốn của chúng ta là kỳ này thông qua nghị quyết của Quốc hội thì nó phải là văn bản thực chất, có nội dung hàm lượng thực chất để thực hiện chứ không phải là văn bản mang tính tư tưởng chính trị, động viên mà không có giá trị”, ông Thưởng kỳ vọng.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị TP.HCM mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho các đơn vị. Đơn cử như muốn giao thẩm quyền cho TP.Thủ Đức, Quốc hội sẽ không đi vào cụ thể mà chỉ xác định một số nguyên tắc. Trên cơ sở đó, muốn trao quyền cho TP.Thủ Đức thì HĐND TP.HCM xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trước khi giao.
Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng lưu ý TP.HCM quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xác định đây là nội dung then chốt.
Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức cơ sở đảng phù hợp với mô hình đô thị; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển thành phố…
Bình luận (0)