Đột quỵ ở người trẻ: Vì sao và làm gì để phòng ngừa ?

Duy Tính
Duy Tính
25/11/2022 14:25 GMT+7

Hậu Covid-19 , số người nhiễm bị đột quỵ tăng 50% so với thời kỳ đại dịch Covid-19 và tăng 20% so với trước đại dịch, số người trẻ mắc đột quỵ cũng tăng cao.

Tuần qua, một nam bệnh nhân 24 tuổi (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) bị đột quỵ, được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy nam bệnh nhân bị xuất huyết não lượng nhiều, tiên lượng nặng. Bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu cứu sống bệnh nhân nhưng những di chứng về sau là khó tránh khỏi.

Đột quỵ gia tăng sau đại dịch Covid-19

Ngày 25.11, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên năm 2022. Chủ đề đột quỵ được đề cập trong 2 bài báo cáo.

Bên lề hội nghị, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ CK2 Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận 2.000 ca đột quỵ mới. Trong đó, có 10 - 15% bệnh nhân được tái thông mạch máu trong giờ vàng. Sau đột quỵ, bệnh nhân có tỷ lệ khoảng 20% trở lại cuộc sống bình thường, 30% tử vong (xuất huyết não chiếm 50%) và 50% còn lại lệ thuộc vào người chăm sóc, tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Hình ảnh xuất huyết não nặng ở bệnh nhân trẻ 24 tuổi

BÁC SĨ CUNG CẤP

Bác sĩ Tân nhận định, sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do đột quỵ ngày càng tăng, tăng 50% so với giai đoạn trong đại dịch và tăng 20% so với trước đại dịch. Trong đó có sự gia tăng ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, dưới 50 tuổi với tỷ lệ chiếm từ 15 - 20%.

Người trẻ đột quỵ: Do chủ quan, stress...

Đột quỵ ở người trẻ thường gặp nhất là xuất huyết não do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não, vỡ túi phình. Đặc biệt là tăng huyết áp ở người trẻ gây đột quỵ do không được phát hiện tăng huyết áp trước đó, và người trẻ thì ít tuân thủ điều trị tăng huyết áp”, bác sĩ Tân lý giải và cho biết thêm, bên cạnh xuất huyết não thì đột quỵ nhồi máu não, thường gặp và chiếm khoảng 80% lượng bệnh nhân đột quỵ.

Cùng với sự phát triển của hình ảnh học, những ca đột quỵ ở người trẻ đến bệnh viện đã được tìm nguyên nhân, bệnh lý về mạch máu như bệnh Moyamoya (rối loạn mạch máu tiến triển hiếm gặp). 2 tháng gần đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện đến 3 ca do bệnh lý Moyamoya, điều mà trước đây rất ít gặp.

Moyamoya là bệnh lý gây ra bởi tình trạng viêm vô căn gây tắc dần hệ động mạch cảnh trong (động mạch chính cấp máu nuôi não). Theo thời gian, não bệnh nhân sẽ bị tổn hại do quá trình thiếu máu, cuối cùng dẫn đến tử vong. May mắn, bệnh có thể được điều trị bằng vi phẫu.

“Trước đây, yếu tố gây đột quỵ chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, tiền căn gia đình. Còn hiện nay xuất hiện các yếu tố mới gây đột quỵ là stress, rối loạn giấc ngủ, hội chứng ngưng thở lúc ngủ”, bác sĩ Tân thông tin thêm.

Tầm soát và ngăn ngừa đột quỵ

Để ngăn ngừa đột quỵ, bác sĩ Tân cho rằng đầu tiên cần thay đổi lối sống, chế độ ăn cần nhiều chất béo bão hòa, chuyển từ đạm động vật sang đạm thực vật, hạn chế ăn thịt đỏ, tăng cường ăn thịt cá. Nên tăng cường đi bộ mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày khoảng 3.000 m. Thư giãn, tránh stress vì stress sẽ gây tăng tiết Catecholamine ảnh hưởng đến nhịp tim, tăng huyết áp, cordticopid tăng nguy cơ béo phì.

Phải khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện các bệnh mới gặp, đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường.

Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sáng 25.11

DUY TÍNH

Bác sĩ Tân cho biết thêm, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã làm hầu hết các kỹ thuật đột quỵ hiện nay trên thế giới. Bệnh nhân đến trong giờ vàng (4,5 giờ kể từ khi khởi phát đột quỵ trở lại), nếu nhồi máu não thì được xài thuốc; tái thông mạch máu bằng dụng cụ; nhập vào đơn vị đột quỵ để theo dõi huyết áp, tình trạng và điều trị các yếu tố nguy cơ.

Sau khi bệnh nhân xuất viện thì tái khám, điều trị dự phòng. Những bệnh nhân có khiếm khuyết vận động thì phải phục hồi chức năng, vật lý trị liệu…

Những dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Bác sĩ Tân chỉ cách để bệnh nhân và thân nhân nhận biết các dấu hiệu nhận biết đột quỵ: mặt không cân đối, liệt mặt; sức cơ tay chân yếu hoặc liệt nửa bên; thay đổi giọng nói (nói không lưu loát, nói lắp bắp).

Quan trọng hơn là khi nhận biết các dấu hiệu đột quỵ trên thì phải đưa đi bệnh viện sớm. Nếu thiếu máu não thì tái thông mạch máu, giúp khả năng hồi phục và giảm tỷ lệ tử vong, tăng cường chất lượng cuộc sống.

"Bệnh nhân khi đột quỵ thì đến cơ sở y tế gần nhất, tránh các biện pháp chích máu đầu ngón tay hay uống thuốc dân gian… làm trễ thời gian cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Tân khuyến cáo.

Ước tính, năm 2030, thế giới có khoảng 70 triệu người sống sót sau đột quỵ

Trong 2 ngày 24 và 25.,11, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên năm 2022, thu hút hơn 700 đại biểu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia y tế, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong và ngoài bệnh viện đến tham dự.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, TS - BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhấn mạnh: “Hội nghị khoa học năm nay diễn ra sau một năm dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát với số lượng bài báo cáo tăng hơn so với khoảng thời gian dịch bùng phát. Các bài báo cáo trong hội nghị khoa học hằng năm chính là thành quả sống động nhất, thể hiện sự kiên trì, tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế”.

Liên quan đến chủ đề đột quỵ, một báo cáo tại hội nghị cho biết vào năm 2010 có 33 triệu người sống sót sau đột quỵ trên toàn thế giới, ước tính lên 70 triệu người vào năm 2030. Các nước đang phát triển có tỷ lệ cao hơn tới 23% so với các nước phát triển, và khoảng cách này ngày càng lớn. Đột quỵ là nguyên nhân gây khuyết tật ở người trưởng thành, do đó, mục tiêu quan trọng sau điều trị đột quỵ là tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.