Dự báo thưởng tết tại Hà Nội giảm sâu ở nhiều ngành

Thu Hằng
Thu Hằng
15/12/2022 15:14 GMT+7

Tại Hà Nội, tiền thưởng tết 2023 của người lao động được dự báo sẽ giảm so với năm 2022, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề: dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…

Sở LĐ-TB-XH Hà Nội vừa thông tin về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng của người lao động trên địa bàn.

Dự báo thưởng tết 2023 nhiều ngành nghề tại Hà Nội sẽ giảm sâu

Thu Hằng

Về tiền lương, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội dự báo tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng so với năm 2021 từ 6 - 7%.

Điều này có được do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc, cùng với việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%.

Mặc dù, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nhưng thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, do giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội tăng cao. Đối với thưởng tết, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội dự báo, tiền thưởng của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2022, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ... Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.

Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm. Với các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh nhưng cũng đang phải gồng lỗ để duy trì lao động, còn các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng.

Có thể thiếu đơn hàng đến năm 2023

Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, đến ngày 15.11, trên địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong số 31 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm có 1 doanh nghiệp nhà nước, 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 18 doanh nghiệp dân doanh.

Trong doanh nghiệp dân doanh có 259 lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp nhà nước 86 lao động, doanh nghiệp FDI hơn 2.000 lao động.

Xét theo ngành nghề, ngành dệt may có 635 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 790 lao động giảm giờ làm; ngành điện tử có 439 lao động bị chấm dứt hợp đồng, hơn 1.500 lao động bị giảm giờ làm; ngành cơ khí chưa có lao động bị chấm dứt hợp đồng song có 75 lao động bị giảm giờ làm, các ngành nghề khác có trên 1.500 lao động bị chấm dứt hợp đồng.

Theo Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, hiện có tình trạng công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích ứng ngày nghỉ phép của năm 2023. Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cho người lao động nghỉ dài ngày, cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng, tập trung ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông.

“Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài sang năm 2023, nhất là ở các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ”, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội dự báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.