Du học Pháp: Nhiều lựa chọn cho sinh viên Việt Nam

Lan Chi
Lan Chi
03/03/2021 10:16 GMT+7

Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Vincent Floreani khẳng định Pháp luôn hoan nghênh học sinh, sinh viên Việt Nam đến với nước này học tập.

Ngày 2.3, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã khai mạc triển lãm ảnh “Lựa chọn Pháp 2021 - Choose France 2021” về các cựu du học sinh Việt Nam tại nước này.

Tôn vinh du học sinh thành đạt

14 ảnh chân dung các cựu du học sinh sẽ được trưng bày trang trọng ở trước Tổng Lãnh sự quán Pháp đến hết ngày 24.4. Buổi khai mạc cũng là dịp để các nhân vật trong ảnh gặp gỡ nhau và thảo luận về giáo dục bậc cao (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…) của Pháp.
Khác với năm trước, triển lãm lần này không giới thiệu hình ảnh của  sinh viên mà tôn vinh những cựu du học sinh đã kết thúc quá trình học tập, nghiên cứu ở Pháp và về nước làm việc. Tháng 3 là thời điểm  học sinh, sinh viên Việt Nam có ý định sang Pháp học bắt đầu tìm hiểu, chọn trường, chuẩn bị hồ sơ để có thể du học vào tháng 9.2021. Tổng Lãnh sự quán Pháp mong muốn hình ảnh của những cựu du học sinh thành đạt ở nhiều lãnh vực sẽ là nguồn cảm hứng và gợi ý cho các bạn trẻ.

PGS Đỗ Thị Hồng Tươi và Tổng Lãnh sự Pháp Vincent Floreani

Lan Chi

14 gương mặt được lựa chọn hiện là chủ doanh nghiệp, giảng viên đại học, nhạc sĩ, bếp trưởng, giám đốc khu nghỉ dưỡng… Ngoài những ngành học “quen thuộc” về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, thương mại, kỹ sư…, Pháp còn có những ngôi trường rất nổi tiếng về nghệ thuật hay ẩm thực, chẳng hạn như Viện Le Cordon Bleu, nơi đã đào tạo ra nhiều đầu bếp danh tiếng.
Trao đổi với các cựu du học sinh trong buổi khai mạc triển lãm, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Vincent Floreani nhận định: “Đối với chúng tôi, các bạn có vai trò rất lớn vì du học sinh khi về nước sẽ là những đại diện cho tương lai của tình hữu nghị Việt - Pháp. Là người Việt Nam và am hiểu nước Pháp, các bạn hiểu được nhu cầu của cả Việt Nam lẫn Pháp và sẽ giúp củng cố mối quan hệ vốn có, đồng thời gợi mở những lãnh vực mới về hợp tác song phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực để ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đến Pháp và sinh viên Pháp đến Việt Nam”.
Là một trong số những cựu du học sinh được tôn vinh trong cuộc triển lãm, PGS TS Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên cao cấp và Trưởng Văn phòng Khoa Dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ: “Tôi học tại Đại học Rennes 1 từ năm 2006-2010. Trở về sau thời gian du học, ngoài kiến thức, tôi còn có một hành trang quý giá đó là những tình cảm tốt đẹp với thầy cô và bạn học. Tôi vẫn giữ liên lạc cho đến bây giờ và luôn mong muốn rằng các đồng nghiệp và sinh viên của mình cũng có may mắn được học ở Pháp. Chính vì thế, tại  Trường ĐH Y Dược TPHCM, tôi đã xúc tiến rất nhiều chương trình để đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu, đào tạo giữa Pháp với Việt Nam”.

Các du học sinh khi về nước sẽ là những đại diện cho tương lai của tình hữu nghị Việt – Pháp

Lan Chi

Theo ông Floreani, Pháp luôn hoan nghênh học sinh, sinh viên Việt Nam đến với nước này. Những năm gần đây, Campus France - cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Bậc cao của Pháp, chuyên hỗ trợ sinh viên nước ngoài - đã hoạt động rất tích cực để cung cấp thông tin về giáo dục đại học tại Pháp với học sinh và sinh viên Việt Nam và đã mang đến những kết quả tích cực.
Trước giai đoạn Covid-19, trong vòng 2 năm, số lượng visa (thị thực) du học do Tổng Lãnh sự quán Pháp cấp (khu vực từ Đà Nẵng trở vào phía Nam) đã tăng 50% (gần 600 vào năm 2019, so với khoảng 400 vào năm 2017). Năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành, việc đi lại giữa các nước bị hạn chế, nhưng Pháp vẫn ưu tiên cho các sinh viên nước ngoài. Vì vậy vẫn có gần 400 visa du học được Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM cấp trong năm ngoái.

Không phân biệt học phí sinh viên nước ngoài và bản xứ

Giáo dục là một trong những lãnh vực trọng yếu trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tiêu biểu cho sự hợp tác này chính là chương trình song ngữ Pháp - Việt, triển khai từ năm học 1994-1995, hiện được giảng dạy ở 88 trường học các cấp thuộc 13 tỉnh - thành, với hơn 12.000 học sinh và 300 giáo viên. Học sinh tốt nghiệp chương trình này với bằng tú tài cộng đồng Pháp ngữ sẽ được các ĐH Pháp nhận mà không cần có thêm bằng cấp về ngôn ngữ nên nhiều bạn đã lựa chọn du học.

Gặp gỡ với các cựu du học sinh tại buổi khai mạc triển lãm

Lan Chi

Học phí tại ĐH công lập ở Pháp được nhà nước hỗ trợ một phần đáng kể nên sinh viên nước ngoài chỉ đóng một khoản phí khá thấp cho chi phí thật sự từ 10.000 - 14.000 euro/năm: 2.770 euro (gần 77 triệu đồng)/năm cho bậc cử nhân; 3.770 euro (hơn 104 triệu đồng)/năm cho bậc thạc sĩ. Một số đại học ở Pháp (gồm nhiều trường danh tiếng tại các thành phố lớn) vẫn áp dụng học phí cho sinh viên nước ngoài bằng với sinh viên bản xứ, nên chỉ còn 170 euro (hơn 4,7 triệu đồng)/năm ở bậc cử nhân và 243 euro (hơn 6,7 triệu đồng)/năm ở bậc thạc sĩ. Riêng bậc tiến sĩ thì không có sự khác biệt giữa sinh viên Pháp hay sinh viên nước ngoài, học phí cùng là 380 euro (hơn 10,5 triệu đồng)/năm.

Bữa ăn 1 euro

Trong lúc dịch Covid-19 hoành hành tại Pháp, sinh viên là một trong những thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ về mặt học tập, sinh hoạt, mà còn về kinh tế vì rất nhiều người bị mất việc làm thêm. Trước tình hình đó, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ. Ngày 21.1 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo các nhà ăn dành cho sinh viên sẽ phục vụ ăn trưa và ăn tối với giá chỉ 1 euro (gần 28.000 đồng)/bữa. Từ tháng 8.2020 - 1.2021, các công ty ưu tiên tuyển dụng nhân viên trẻ, dưới 26 tuổi, có thể được Nhà nước cắt giảm 4.000 euro tiền thuế - phí.
Hồi cuối tháng 11.2020, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo đã tạo được 20.000 việc làm trong chương trình liên đới giữa các sinh viên. Theo đó, các sinh viên cuối cấp sẽ đến dạy kèm cho những sinh viên năm 1, năm 2 có nhu cầu và chi phí sẽ do Nhà Nước chi trả. Cách làm này giúp cho sinh viên cuối cấp có một khoản thu nhập, còn những “tân binh” của đại học sẽ giảm bớt khó khăn khi phải học trực tuyến một thời gian dài.
 

 

    
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.