Du lịch qua đường '12 cửu phẩm'

11/04/2022 07:08 GMT+7

Không rõ cái tên đèo Le xuất phát từ đâu, nhưng cả con đường qua đèo này còn có cái tên độc đáo hơn: “Đường 12 cửu phẩm” mà người dân đã gọi khi nó mới hình thành, nối từ huyện lỵ Quế Sơn đến chợ Trung Phước (nay thuộc H.Nông Sơn, Quảng Nam). Qua thời gian, nó còn gắn liền với bao câu chuyện thú vị khác…

Từ “quán bên đường” đến “quán nghèo”

Con đường “12 cửu phẩm” băng qua đèo Le gắn liền với nhiều kỷ niệm của các văn nghệ sĩ Khu 5 và đất Quảng từ những năm tản cư, kháng chiến chống Pháp.

Hòn Kẽm Đá Dừng

Trương Điện Thắng

Như đã nói, tuyến giao thông này vốn là đường đất đá do chính phủ Nam triều bán 12 chức cửu phẩm để có tiền xây dựng nối TT.Đông Phú đến chợ Trung Phước trước năm 1945. Những kẻ giàu có nhưng háo danh thời nào cũng có. Sau ngày quan sứ Tây từ Hội An lên khánh thành thì tuy hư hỏng nhiều nơi do mưa bão, nhưng sau đó nó đã trở thành mạch giao thông quan trọng trong cuộc kháng chiến lẫn giao lưu kinh tế - văn hóa trong một thời gian dài của vùng tây Quế Sơn với đồng bằng, bên cạnh giao thông đường thủy theo sông Thu Bồn. Sau này, dân gian vẫn gọi con đường ấy là “đường 12 cửu phẩm!”.

Những năm làm việc tại Sài Gòn, tôi may mắn gặp Giáo sư Huỳnh Lý nhiều lần và được ông kể về vùng đất mà sau này ông đã viết nên cuốn truyện đường rừng Đi tìm nhà vô địch. Nhưng liên quan đến đèo Le giai đoạn tản cư và kháng chiến, ông thích thú kể về nhà thơ Khương Hữu Dụng và nhà văn Nguyễn Văn Xuân…

Đèo Le - Trung Phước, H.Nông Sơn

Nhà thơ Khương Hữu Dụng đưa gia đình từ Quảng Huế tản cư lên Trung Phước và chọn “cuộc đất” bên con suối trên đỉnh đèo Le để làm sinh kế độ nhật, ngay vị trí mà sau này chị Châu đã mở quán gà nổi tiếng. Cụ Dụng đặt biển hiệu: Quán Bên Đường để bán nước chè, chuối, chè ngọt, bánh kẹo cho khách bộ hành.

Nhưng cụ Dụng ít say sưa với việc kinh doanh mà lại say sưa với thơ, nên nhiều trí thức cán bộ kháng chiến hồi đó lỡ ghé vào quán thì y như bị thơ… ám, đến nỗi không dứt ra được. Cụ Huỳnh Lý kể có lần tướng Đàm Quang Trung đi ngựa qua đèo Le cũng được nhà thơ này… đãi cho bữa thơ và bình thơ đến nỗi trễ cả việc binh!

Trên đỉnh đèo Le - Trung Phước, H.Nông Sơn, Quảng Nam

Sau khi nhà thơ Khương Hữu Dụng vào nhận công tác ở Bình Định, thì bàn giao mặt bằng ấy cho nhà thơ Nguyễn Đình. Cụ Nguyễn Đình đặt lại tên là Quán Nghèo, vẫn bán những món “truyền thống” cho khách như cụ Dụng lúc trước. Nhà thơ Nguyễn Đình không say sưa chuyện bình thơ như người “tiền nhiệm”, nhưng lại có nét đặc sắc riêng. Bên cạnh làm ca dao tuyên truyền như Tế Hanh, ông nghiên cứu ngôn ngữ và đặc biệt… làm thơ về luật “hỏi ngã” trong tiếng Việt. Chẳng hạn, ở Quán Nghèo, ông đã viết:

Chị Huyền mang nặng ngã đau

Anh không sắc thuốc hỏi đâu xức vào

Sau này nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký kể thêm rằng những câu như vậy thuộc loại “thần chú” cho người học quốc ngữ.

Dưới chân đèo Le

Dưới chân đèo Le thuở đó là kể từ đèo đến chợ Trung Phước. Bên cạnh những người dân các tầng lớp tản cư, cán bộ kháng chiến và các nhà trí thức từ Hội An, Điện Bàn lên, còn có mặt những văn nghệ sĩ khác, họ đưa gia đình đi tản cư và tham gia công tác…

Ở đó, nhà văn Nguyễn Văn Xuân có mở một quán hớt tóc. Ông vừa hớt tóc vừa kể chuyện tuồng cổ hoặc sử Tàu như Xuân Thu chiến quốc, Tam quốc diễn nghĩa… rất hấp dẫn. Thành ra, theo lời ông, có hôm ông chỉ hớt được một hai “cái đầu”, nhưng người chờ đến lượt hớt tóc cũng không phiền chi, vì được nghe chuyện hấp dẫn! Ông Xuân vừa kể chuyện vừa cầm dao kéo làm điệu bộ, đến nỗi có người nói vui: Ông bỏ giùm dao kéo xuống trước khi múa, kẻo… đâm vào mắt vào cổ tôi…!

Nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký lúc ấy là Bí thư Quế Sơn, Tiên Phước nhưng lại có đầu óc văn nghệ và giao du với nhiều nhà thơ, nhà văn kháng chiến. Những lúc rảnh rỗi ông cũng hay gặp mặt những người từng là bạn văn, từng làm việc ở tòa soạn Hừng Đông ở Hội An như: Nhà thơ quần chúng Nguyễn Hữu Phương quê Điện Bàn lên mở quán Bốn Phương (bốn bề không phên liếp) ở chợ Trung Phước, bán bánh tráng nướng, chuối, đường bát và nước chè xanh. Nhà thơ Khôi Anh - Phạm Văn Kỳ (người mà cái tên sau này trở thành đề bài thơ nổi tiếng của Hồ Thấu viết năm 1949 - Gởi Khôi Anh - Phạm Văn Kỳ với một câu như tiên tri “Chiến trường nhớ lúc chia phôi/Khải hoàn ai nhớ đến ngày hôm qua…”. Ông Khôi Anh thích bàn chuyện thơ kháng chiến và nghiêm túc trong cuộc sống, trong ăn mặc, dù là làm công tác văn nghệ kháng chiến đầy khó khăn và làm thơ với ngôn ngữ khá cầu kỳ. Nhà thơ Vũ Hân tuy tật nguyền và tản cư vào vùng đông Thăng Bình nhưng vẫn lặn lội lên Trung Phước, qua đèo Le thăm bạn bè văn chương và được sống cùng không khí kháng chiến.

Cũng trên tuyến đường đèo Le - Trung Phước còn có mặt của nhạc sĩ Lan Đài với chiếc đàn guitar trong những ngày kháng chiến gian khổ, phải bán hết áo quần, tư trang chỉ giữ lại cây đàn. Cụ nghệ sĩ tuồng Đội Tảo - Nguyễn Nho Túy, tuy lớn tuổi, vẫn đưa các học trò lên Dùi Chiêng và dạy bình dân học vụ. Có nơi nào mời, cụ và học trò liền “xung trận” diễn tuồng, cho dù không có sân khấu nên chỉ diễn trên nền đất và khán giả bu quanh như coi… đá gà!

Tour du lịch qua đường “12 cửu phẩm”, tại sao không!

Chuyện Đèo Le - Trung Phước sau 1945 tôi từng được nghe hai nhà nghiên cứu Huỳnh Lý, Nguyễn Văn Xuân và Hoàng Châu Ký kể nhiều lần. Nhưng tôi tâm đắc nhất vẫn là chuyện cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đến Quế Lộc vào thời kỳ đó.

Cụ Hoàng Châu Ký kể, năm 1946, trước khi vào Quảng Ngãi để lập cơ quan đại diện chính phủ Liên khu 5, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã về quê ở làng Thạnh Bình nghỉ ngơi. Ở đây, cụ tranh thủ đi thăm nhiều đơn vị, trong đó có đến xã Quế Lộc để thăm bạn học cũ là cụ Nguyễn Đình Hiến, người đậu thứ nhì khoa thi hương năm 1900 và thăm Ủy ban Việt Minh các địa phương Quế Sơn, Tiên Phước.

Sau chiến tranh, người viết đã nhiều dịp qua lại đèo Le, giới thiệu nét đẹp, phong cảnh, sản vật của Đại Bường, Trung Phước, Hòn Kẽm Đá Dừng và cùng các nhà văn đồng thời của xứ Quảng tổ chức cả một tuyến du lịch ngược sông Thu Bồn, đưa bạn bè trong nước và nước ngoài lên Trà Linh, Thạch Bích ngay những năm cuối của thập niên 1980. Lòng cứ nao nao với hai câu thơ thần tình Lúc lắc đò đưa Tí, Sé, Kẽm/Gập ghềnh chân bước Râm, Ri, Liêu của cụ Trần Quý Cáp từng được cụ Phan Bội Châu khen hay…

Và hôm nay, ngồi lại cái quán cũ ở lưng đèo, tôi đã miên man nhớ lại con đường “12 cửu phẩm” năm xưa.

Người xưa không còn, cảnh cũ bây giờ đã xanh đẹp hơn xưa nhờ đường sá mở rộng qua đèo, rừng cây xanh tốt. Đèo Le lại là tuyến giao thông nối liền các di tích văn hóa - lịch sử kéo dài từ TT.Đông Phú đến TT.Trung Phước của hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn, như di tích Cấm Dơi, di tích Tân tỉnh của Nguyễn Duy Hiệu, suối nước nóng Trung Lộc, vùng chợ Trung Phước gắn liền với các nhà thơ Bùi Giáng, Tường Linh, làng trái cây Nam bộ Đại Bường, mỏ than Nông Sơn… Từ đây còn có thể theo đường sông đến thăm chơi Hòn Kẽm Đá Dừng, các địa danh Thạch Bích, Đá Ngang, Tí, Sé, Dùi Chiêng nổi tiếng đã đi vào văn học xứ Quảng…

Từ con đường đèo “12 cửu phẩm” xưa và món gà tre đèo Le nổi tiếng thời nay, nếu xây dựng một tour du lịch “văn hóa - lịch sử - sinh thái” qua đây, tôi nghĩ sẽ trong tầm tay. Tôi từng đi ô tô từ Đà Nẵng đến Trung Phước - Đại Bường, chỉ mất hai giờ. Một tour như vậy lên ngủ đêm bằng cắm trại dưới chân Hòn Kẽm và thăm thú các địa danh như đã kể trong vòng 2 ngày từ Đà Nẵng hoặc Hội An, chắc rằng sẽ hấp dẫn nhiều người!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.