Đứa con của đất - Truyện ngắn dự thi của Diệp Trần (Hà Tĩnh)

16/11/2022 19:00 GMT+7

1. Thu về mang theo những sương giăng, cái ngõ con nơi xóm núi bỗng trở nên ẩm ướt. Quỳnh dậy sớm nhìn ra khu vườn trắng đục, chờ một tiếng kêu từ màn sương mỏng mảnh: “Quỳnh ơi, đi học”.

Quỳnh lắng tai nghe trong sương tiếng xe bò lộc cộc trên nền đá, tiếng quang gánh kẽo kẹt phía cánh đồng, đợi đến khi xe đạp ai nẩy tưng tưng tưng trước ngõ vì sỏi chợt phanh két: “Quỳnh, nhanh không chậm”.

Thăng khi nào cũng đúng hẹn, mẹ bảo Thăng: “Cháu đúng giờ như trong quân đội, giá cái Quỳnh...”. Thăng cười hiền, sau tốt nghiệp con tính đi bộ đội đó bác. Quỳnh nhảy vội lên xe, Thăng kêu, ơ kìa, ướt. Quỳnh cáu: Kệ, đi. Thăng chở Quỳnh trong sương, mẹ nói với theo, sương sớm càng dày trưa trời nắng dữ, hai đứa bây coi mũ nón chi chưa. Quỳnh lặng như hòn đá, chẳng hiểu dỗi mẹ hay dỗi điều gì. Con đường tới trường sương giăng ngợp lối, hai đứa đi mà mi mắt đẫm sương.

2. Hồi nhỏ Quỳnh dát lắm, đi đâu cũng im im, cha Quỳnh kêu, cái Quỳnh nhà mình cầm tinh con thỏ mới đúng. Quỳnh không nói gì, lặng lẽ khi cha than thở nhà này toàn con gái, lặng lẽ khi cha bỏ đi biệt tăm còn mẹ lấy dao băm nát album ảnh cưới đã ố vàng, lặng lẽ lúc thấy mấy đứa cùng lớp nhét máy tính vào cặp cái Mây rồi tố mất đồ lên cô chủ nhiệm, lặng im trước nụ cười đắc thắng của ai đó đi qua nhắc khẽ, mày nói thì liệu hồn. Quỳnh cuộn mảnh giấy nhỏ bỏ trong cuốn giáo án khép hờ lúc ra chơi. Một vài đứa vây Quỳnh lại giữa cánh đồng vào một ngày trời không có sương, Quỳnh vẫn lặng im mang khuôn mặt bầm tím về nhà, bảo mẹ con ngã lộn vào hàng rào.

Ảnh minh họa

shutterstock

Quỳnh ngã nhiều lần trong những năm học ngày xưa ấy, lúc vì mày chẳng có cha, lúc vì không vừa mắt. Lắm bạn thấy nhưng họ cũng lặng im. Cho đến buổi chiều tan học khi Quỳnh bị đẩy xuống mương thì Thăng từ đâu xuất hiện, dữ dằn và kiên quyết lôi Quỳnh đang ướt nhũn lên bờ. “Chúng bay trêu bạn hay lắm à? Mai tao báo thầy Lợi. Còn cái Lan cái Hương xóm dưới hả, để tối tao qua nhà méc mấy bác nha”.

Cái uy của cậu bạn liên đội phó trường khiến đám đông tản đi nhanh như gió. Thăng cáu kỉnh:

“Sao người ta đánh không kêu, không kêu ai biết mà cứu”.

Quỳnh run run ngồi lên vệ cỏ. Thăng nhặt mấy quyển vở trôi lập lờ dưới con mương bỏ vào giỏ xe mình.

“Đừng im lặng mãi” - Thăng nói trên đường chở Quỳnh về.

Ngày hôm sau Quỳnh lên phòng thầy hiệu trưởng báo chuyện mình bị bắt nạt, Thăng đi cùng. Cũng kể từ đó mẹ không thấy Quỳnh ngã nữa.

3. Sau lần giải cứu thành công bên bờ mương hôm nọ, hai đứa thành chơi thân. Lên cấp ba chung lớp, thỉnh thoảng tiện đường Thăng qua chở Quỳnh đi học.

“Tốt nghiệp xong cậu định làm gì?” - Thăng hỏi trong buổi sáng xe lao băng băng khi chạy xuống con dốc nhỏ đến trường. Gió thổi ù ù hai bên tai làm tóc Quỳnh xõa bung.

“Tớ muốn đi đâu đó thật xa, lên thành phố học đại học rồi lập nghiệp. Quê mình buồn quá” - Quỳnh trả lời hồn nhiên.

“Thế còn Thăng?”

Thăng lặng im. Nhà Thăng nghèo lắm, cha bệnh tim mà mẹ thì đau yếu, anh chị đi làm xa. Trên xứ đất khắc nghiệt mùa hè nắng thiêu đốt, mùa mưa lũ lụt liên miên khiến con người cũng héo queo như cỏ úa này chỉ còn lại người già và một vài đám thanh niên lẻ tẻ.

“Ai cũng đi hết, rồi quê mình làm sao?”

Thăng khẽ thở dài. Quỳnh lắng nghe hơi thở nhẹ của cậu bạn luôn suy nghĩ già trước tuổi, vén lại mái tóc rồi chợt bấm vào lưng Thăng:

“Này Thăng, chiều hai đứa mình qua giúp bà cụ Hiên trồng bưởi nhé, hôm qua thấy bà đào hố một mình nhìn thương lắm”.

Chiều đó Thăng và Quỳnh ghé nhà bà Hiên. Khu vườn rộng ngổn ngang cỏ trai cỏ gấu như muốn vùi lấp những tháng năm xưa cũ của người phụ nữ mất cả chồng lẫn con trong một trận lụt. Giữa màu xanh của cỏ chỏng chơ vài hố đang đào dở, mùi đất mới ngái nồng lẫn trong vị cỏ thanh thanh.

“Để vườn hoang mãi cũng tiếc, thấy dạo này người ta làm vườn bưởi cam nhiều bà mới xin vài cây về trồng thử” - Bà Hiên nói với hai đứa.

Thăng trộn những đụn phân góp với vôi, rắc vào lòng hố. Quỳnh cuốc đất lấp nhẹ lên trên rồi lấy cây giống đặt xuống.

“Hình như phải ủ đã” - Thăng nói.

“Tớ không biết đâu, chỉ làm theo bà bảo” - Quỳnh bắt đầu phủ đất kín gốc cây.

“Cây này hai đứa mình trồng, đợi mùa bói trái đầu tiên Thăng sẽ sang xin cụ cho Quỳnh một quả”.

“Nhớ nhé!” - Quỳnh cười khẽ.

Thăng chống cuốc sang một bên, ngồi xuống cạnh Quỳnh.

“Quỳnh này, sau tốt nghiệp đợi sức khỏe bố mẹ ổn định tớ định đi nghĩa vụ quân sự. Rồi tớ sẽ về đây, tớ muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nếu ai cũng đi xa làm ăn thì quê mình cũng già mất thôi. Cậu có trở về quê lập nghiệp với tớ không?”.

Quỳnh bối rối cúi xuống nhổ vài cọng cỏ.

“Tớ chả biết nữa. Tớ còn phải nghĩ thêm”...

4. Tháng chín bắt đầu mưa. Mùa mưa về mang theo những mênh mông trên cánh đồng cuối vụ. Sáng trưa chiều tối đều mưa. Có hôm đang học được nửa buổi thì trống trường gióng tan học liên hồi. Loa và kẻng báo mực nước lên nhanh lẫn trong điệu mưa rầu rĩ. Chiếc cầu gỗ vắt qua dòng suối nhỏ vốn chòng chành nay nửa nổi nửa chìm dưới làn nước đục ngầu.

“Cẩn thận nha Quỳnh” - Thăng đẩy xe đạp, Quỳnh đi phía sau giữ bánh kẻo trượt khỏi ván cầu ngập nước. Người và xe qua an toàn thì Thăng bảo:

“Cậu ở lại đây, tớ quay lại giúp hai mẹ con bên bờ kia đã nhé”. Quỳnh gật đầu, nước mưa chảy xuống cằm tong tong không kịp gạt, lo lắng nhìn con nước lên mỗi lúc một mau, dòng xoáy cuộn tròn hung dữ.

Bất chợt có tiếng thét. Người mẹ đứng trên bờ thất thanh: “Cứu, cứu con tôi với”. Trong khoảnh khắc Quỳnh chưa kịp định thần thì Thăng lao mình xuống dòng nước xiết, ở dưới suối một cánh tay nhỏ chấp chới đang chìm dần. Hai bóng người biến mất trong mưa. “Thăng ơi, Thăng... Lạy ông trời...”. Quỳnh vứt cặp chạy dọc theo bờ suối, mưa vẫn không ngừng rơi. Vài ba người nghe kêu cứu từ đâu chạy tới. Quỳnh vấp vào hòn đá ngã nhào nhưng chẳng thấy đau, mọi giác quan dường như tê liệt. “Thăng ơi...". Giọng Quỳnh tan trong mưa và tiếng nước lũ chảy ồ ồ đập vào bờ đá.

Thăng cứu được đứa bé hôm ấy. Sau này nghĩ lại chuyện đó Quỳnh vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Cậu liều quá, nếu lỡ có chuyện gì...”.

“Nếu lỡ có chuyện gì thì Quỳnh nhớ chăm cây bưởi tụi mình trồng bên nhà bà Hiên cho tốt nha”. Thăng cười, mặc kệ Quỳnh đấm vào lưng mình thùm thụp. “Lại còn đùa được”.

5. Ngày Thăng lên đường nhập ngũ Quỳnh không có mặt. Hôm đó trời mưa. Dòng tin nhắn “Cậu đi bình an mạnh khỏe, tớ chờ cậu về!” cũng đủ ấm trái tim người lính trẻ.

Thăng xung phong lên vùng biên cùng đoàn Kinh tế quốc phòng giúp nhân dân phát triển đời sống nơi xứ đất biên cương. Quỳnh học đại học sư phạm ở thành phố.

“Nhưng tớ không yêu phố như hồi trước. Rồi tớ ra trường cũng xin về quê dạy. Hai đứa mình sẽ không bỏ quê hương”. Mỗi lần Quỳnh nhắn thế Thăng lại chọc: “Cây bưởi nó nhớ Quỳnh kìa”.

Chẳng biết còn ai nhớ Quỳnh nữa không nhưng Quỳnh thì nhớ nhiều thứ lắm, Quỳnh nhớ mỗi lần về đều ghé qua vườn bà Hiên giúp bà tưới cây cuốc cỏ, nhớ sang thăm bố mẹ Thăng, nghe bác kể: Thằng Thăng nó thương cha mẹ già nên được bao nhiêu phụ cấp gửi về cho bác, trong đó dạo giờ liệu có vất vả lắm không. Nhớ từng câu chuyện hằng đêm Thăng nhắn tin trước giờ đi ngủ, bọn tớ vừa giúp dân xây dựng tuyến đường tránh lũ, hôm nay đi vào bản mệt nhưng mà vui.

Duờng như đã thành thói quen, cứ trò chuyện xong với Thăng thì Quỳnh mới ngủ ngon được.

Tháng mười, bão ập về. Trời mưa như trút nước.

Cả ngày Thăng không liên lạc.

“Cậu ổn chứ?”.

“Hôm nay đi khắc phục hậu quả mưa lũ, giờ mới trả lời cậu ”. Tin nhắn đến máy vào mười một giờ đêm. Quỳnh hỏi han thêm vài câu rồi giục Thăng đi ngủ, mai cậu còn bao nhiêu việc.

Ngoài trời mưa vẫn rơi. Quỳnh chẳng thể nào chợp mắt. Tiếng mưa như chảy dột vào lòng. Không biết nước có ngập vườn mẹ, tràn qua nhà Thăng? Rồi mấy bụi bưởi chúng ta trồng có bị úng không Thăng nhỉ. Sao đêm nay lạ thế, Quỳnh cứ thấy bồn chồn, trằn trọc.

6. “Quỳnh ơi! Thăng mất rồi!”.

Tiếng mẹ khóc qua điện thoại làm tai Quỳnh ù đi, đầu óc quay cuồng.

“Mẹ, mẹ nói gì cơ?”.

“Đêm qua lở đất chỗ trung đoàn đóng quân, cả đơn vị Thăng bị vùi trong lòng núi”.

Chiếc điện thoại rơi xuống nền gạch lạnh ngắt. Sao thế Thăng ơi? Sao đột ngột ra đi không lời từ biệt. Quỳnh lao ra bến xe, có tiếng ai gọi phía sau, Quỳnh ơi, Quỳnh ơi!

7. Chiều nay Thăng về với quê hương, dưới màu cờ Tổ quốc. Đoàn người lặng lẽ đứng bên đường, cúi đầu đón đứa con về đất mẹ. Những giọt nước mắt rơi thấm giữa nước mắt trời cũng đang tuôn. Quỳnh khóc nghẹn, lần này Thăng mãi mãi lặng im. Thăng ơi, bao lời hẹn còn chưa thực hiện, giờ Quỳnh biết đợi ai?

Dưới khói nhang, tấm ảnh người chiến sĩ với khuôn mặt còn rất trẻ cười hiền hậu nhìn Quỳnh như nhắc nhở: Hãy thực hiện tiếp những gì chúng ta đã hứa. Quỳnh gạt nước mắt, ngẩng đầu nhìn ra xa. Phía bên kia dòng sông vẫn chảy, và xa xa những ngọn bưởi vươn mình sau mưa đang nhú lên cành lá biếc xanh.

-----------------

(*) Câu chuyện lấy cảm hứng từ cuộc đời liệt sĩ Cao Văn Thắng, chiến sĩ đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hướng Hóa, Quảng Trị tháng 10.2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.