Dân mạng tranh cãi gay gắt
Bài đăng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang thu hút nhiều bình luận trái chiều từ cộng đồng mạng |
FBNV |
Trên trang cá nhân hôm 26.9, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ bức xúc khi các bài nhạc chế với nội dung nhảm nhí xuất hiện trên sóng truyền hình, sân khấu biểu diễn. Anh chia sẻ: “Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng mấy học sinh hoặc hội chợ nhưng bây giờ nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí gameshow về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với mình, đó là sự phỉ báng âm nhạc”. Quan điểm của tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng và thu hút nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Nhiều người đồng ý với chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, cho rằng việc các bài nhạc được hát ở ngoài thì không sao nhưng cho lên sóng truyền hình lại là chuyện khác. Một tài khoản bình luận: “Tôi đang không hiểu sao mọi người thấy hay ho khi lên sóng truyền hình như vậy. Hát ở ngoài thì hầu như ai cũng hát nhưng lên truyền hình thì thực sự nhảm nhí”. Nam nhạc sĩ nhanh chóng phản hồi: “Đúng vậy! Hát ở ngoài vui vẻ không vấn đề gì nhưng lên truyền hình với một bài hát như vậy là một sự sỉ nhục với những bài hát khác!”.
Nhiều khán giả khác cùng quan điểm với tác giả ca khúc Chiếc khăn gió ấm: “Thật sự mình rất sợ những loại nhạc như vậy, trẻ con nó bắt nhịp rất nhanh, hư cả một thế hệ”, “Chế mà hay ho văn minh còn đỡ! Giờ toàn chế tào lao mà còn tục tĩu, không hiểu sao nó cứ xuất hiện nhan nhản vậy nữa”, “Cùng quan điểm với nhạc sĩ, giờ sao mình thấy một bài nhạc chế nội dung không giống ai, thậm chí sai bét với cốt truyện gốc mà vẫn hot, không lẽ giờ người nghe nhạc đơn giản đến vậy sao?”…
Bên dưới bài viết của Nguyễn Văn Chung, nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi các bài nhạc chế nhảm nhí xuất hiện tràn lan trong khi số khác cho rằng những "tác phẩm" này không đáng bị lên án nặng nề vì chúng chỉ mang tính giải trí, đem lại tiếng cười cho khán giả |
FBNV |
Khác với những bình luận trên, không ít ý kiến khác cho rằng các bài nhạc chế đang được lan truyền trên mạng chủ yếu được tạo ra để đem lại tiếng cười cho khán giả nên không đáng bị phê phán. Nhiều tài khoản bình luận bên dưới bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Sao anh nghĩ sâu xa quá vậy? Các bài nhạc chế chỉ tạo tiếng cười, niềm vui cho mọi người thôi… ai không thích thì miễn coi”, “Người hát nhạc chế đâu nhận mình là ca sĩ đâu trời, nhiều khi họ là diễn viên hài mang lại tiếng cười cho mọi người thôi mà”, “Anh không thích thì né, rõ ràng người ta đâu nhận mình là ca sĩ hơn nữa đó là các chương trình thiên về giải trí, hát cho vui vì nhiều khán giả cũng thích thú”, “Chế ra một bài hát hài mang lại tiếng cười cho khán giả là chuyện quá bình thường, không có gì phải bàn”…
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng nhạc chế đã xuất hiện từ lâu và việc Nguyễn Văn Chung lên án vấn đề này đồng nghĩa với việc anh đang đụng chạm đến nhiều nghệ sĩ kỳ cựu. “Nhiều nghệ sĩ thuộc hàng cha chú từ xưa đã chế lời đi tấu hài trên sóng truyền hình toàn quốc, thậm chí chương trình Táo Quân hằng năm cũng chế lời để gây cười cho khán giả”, một khán giả đặt vấn đề.
Ngoài ra, một số khán giả cho rằng những bài hát như vậy trở nên phổ biến do được đám đông ưa chuộng: “Theo tôi nghĩ thì mấy gameshow hay các show diễn bây giờ họ muốn mang tới mục đích tạo tiếng cười là chính nên mấy điều nhảm nhí đó lại rất được ưa chuộng, đặc biệt là rating cao nên họ càng muốn thực hiện. Do nhu cầu và mục đích giải trí thôi mà”.
Đối mặt với những ý kiến trái chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mong mọi người bình luận dưới góc độ tranh luận, không hạ nhục người khác |
FBNV |
“Tôi chỉ nói về nghề, không nói về người. Đối với một nhạc sĩ, viết nhạc là công việc, là đam mê, nhưng lên tiếng để bảo vệ những giá trị chuẩn mực trong âm nhạc là trách nhiệm, điều đó thể hiện rõ lập trường làm nghề và cái tâm của mình với nghề”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Nguyễn Văn Chung nói gì về phát ngôn gây tranh cãi?
Trước những ý kiến trái chiều liên quan đến bài viết kể trên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ với Thanh Niên: “Quan điểm của tôi là những bài nhạc chế nói chung không có vấn đề gì nếu hát vui ở ngoài nhưng nếu mà đã được duyệt lên trên truyền hình thì phải có một sự hạn chế nhất định. Cần phải có một tiêu chuẩn nhất định về vấn đề này, nhất là ở các gameshow, đặc biệt gameshow về âm nhạc. Bởi thứ nhất, những bài nhạc chế đó có nội dung nhảm nhí. Tôi không nói chính xác về bài hát chế nào, mà nói về sự dễ dãi trong công tác kiểm duyệt trước khi lên sóng. Bởi một khi đã lên sóng, lượng người xem rất nhiều, có vô vàn các bạn trẻ và cả trẻ con nữa. Những bài hát chế đó đang được đối xử một cách công bằng với những bài hát khác, như vậy có phải là chúng đang được đánh giá ngang hàng với những bài nhạc khác hay không? Vui thì có rất nhiều cái vui nhưng cái vui này rất nhảm nhí và không phù hợp để đưa lên truyền hình”.
Trả lời câu hỏi rằng nhạc chế đã xuất hiện từ lâu, được nhiều nghệ sĩ kỳ cựu sử dụng trong các buổi biểu diễn thậm chí xuất hiện trên các chương trình trên sóng VTV, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết điều anh muốn nhắc đến là những bài nhạc chế có nội dung nhảm nhí chứ không quy chụp tất cả. “Trong những chương trình về âm nhạc hay những sân khấu biểu diễn, có nhiều cách chế nhạc nhưng làm thế nào để nó ra một nội dung vừa có tính giải trí vừa hài hước lại khác với nội dung nhảm nhí… Mọi người phải nhận định rõ giữa hài hước và nhảm nhí, nhiều người đang lẫn lộn, lệch lạc về ranh giới của hai thứ đó”.
Nguyễn Văn Chung mong khán giả phân định rạch ròi giữa sự hài hước và nhảm nhí |
FBNV |
Chủ nhân ca khúc Vầng trăng khóc chia sẻ anh vẫn tôn trọng những bài nhạc chế có nội dung mang tính giáo dục, sáng tạo, truyền tải thông điệp tích cực, thiết thực… Nhạc sĩ nêu ví dụ đó là những bài nhạc chế của thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương nhằm cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh, giúp các em dễ ghi nhớ. Anh cũng hoan nghênh những bài mang tính hài hước, châm biếm nhẹ nhàng và trân trọng những sáng tạo hữu ích. “Cũng giống như nhạc rap. Năm ngoái, tôi cũng có những nhận định về thể loại này, tôi vẫn rất tôn trọng các góc nhìn của những bạn sáng tạo nhạc rap, họ có ngôn từ gai góc, thẳng thắn, mạnh mẽ nhưng tôi vẫn lên án những bài hát có ca từ thô tục, phản cảm, gợi dục. Có nghĩa là mình phải có được lằn ranh, quy chuẩn rõ ràng”, nam nhạc sĩ nói thêm.
Về ý kiến cho rằng vì người sáng tạo, hát nhạc chế không phải là ca sĩ nên không đáng bị phê phán, Nguyễn Văn Chung thẳng thắn: “Đã là nghệ sĩ thì bạn đừng có nói là bạn là ca sĩ hay không. Bạn đã là nghệ sĩ rồi và nhất là một nghệ sĩ nổi tiếng nữa thì phải có ý thức về xã hội hơn. Chứ đừng nói tôi không phải là ca sĩ nên tôi muốn làm gì thì làm, muốn hát gì thì hát. Như vậy không được, như vậy là không có ý thức xã hội”. Anh cho biết việc kiểm duyệt những bài nhạc chế không phù hợp thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, lãnh đạo văn hóa còn anh chỉ là người lên tiếng bảo vệ những quy chuẩn trong âm nhạc. “Tôi chỉ là nhạc sĩ, bên cạnh việc viết nhạc là đam mê, là công việc của bản thân thì tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lên tiếng bảo vệ những quy chuẩn trong âm nhạc bởi vì chúng nói lên được tiêu chuẩn, lập trường của mình trong âm nhạc và việc mình giữ các quy chuẩn đó là một phần trách nhiệm của một nghệ sĩ”, nam nhạc sĩ bộc bạch.
Nhạc sĩ của Mùa đông không lạnh cảm thấy việc bản thân lên tiếng là điều cần thiết |
FBNV |
Trước những ý kiến tranh cãi về bài viết trên trang cá nhân, Nguyễn Văn Chung chia sẻ anh vẫn không thay đổi quan điểm của mình. “Cách đây một năm tôi cũng nói về hiện trạng những bài rap phản cảm và nêu quan điểm rõ ràng. Khi tôi lên tiếng cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều nhưng rồi vừa qua chính các cơ quan quản lý về văn hóa đã quyết định xử phạt những bài rap như vậy. Việc cơ quan chức năng có hành động thiết thực, mạnh tay như vậy chứng tỏ quan điểm của tôi là đúng đắn và cần thiết. Vậy nên tôi tin rằng quan điểm của tôi về nhạc chế cũng góp phần tạo nên một sự răn đe nghiêm khắc, nếu không ai lên tiếng thì dần dần nó sẽ biến tướng thành những gì đó tệ hơn cho âm nhạc”, tác giả bản hit Bay giữa ngân hà nói thêm.
Bình luận (0)