Đưa nhân vật, sự kiện vào đề thi sao cho hay?

29/12/2017 07:00 GMT+7

Thời gian gần đây, việc ra đề thi theo hướng mở đã trở nên phổ biến trong ngành giáo dục. Các đề thi mở cho thấy tính sáng tạo, bám sát thực tiễn của người ra đề, đồng thời đã tạo sự hứng thú của học sinh khi làm bài.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, một số đề thi mở cũng gây nhiều tranh luận trái chiều. Trong đó, vấn đề đưa các nhân vật, sự kiện vào đề thi như thế nào cho hay, được nhiều người quan tâm bình luận.
Vừa qua, đề kiểm tra học kỳ môn văn của một trường THPT ở Phú Thọ đề cập đến sự kiện Chi Pu tung MV đánh dấu trở thành ca sĩ và bị dư luận cũng như người trong giới “ném đá”. Năm 2016, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) có yêu cầu học sinh vận dụng một chi tiết trong bộ phim Hàn Quốc đang làm mưa làm gió với giới trẻ lúc bấy giờ là Hậu duệ mặt trời. Hay trước đó, trong đề thi học kỳ tại Trường THPT Cẩm Giàng (Hải Dương) có sự xuất hiện của hai nhân vật Sơn Tùng M-TP và Lệ Rơi.

tin liên quan

Đề thi ngày càng thực tế hơn: Đưa Chi Pu vào đề thi, có sao?
Trong xu thế vận dụng thực tiễn cuộc sống vào việc dạy và học, vài năm gần đây, giáo viên luôn cố gắng đưa những sự kiện nhiều người quan tâm vào đề thi ở nhiều góc cạnh tùy từng môn. Sự đồng tình của dư luận về cách làm này cũng nhiều nhưng phản ứng cũng không kém.
Trước các đề thi này, phần lớn học sinh tỏ ra thích thú và cho rằng đề thi gần gũi với cuộc sống của các em, vì các em đều dùng mạng xã hội và biết đến các nhân vật, sự kiện trên. Nhiều học sinh còn cho rằng đề thi còn giúp các em thoát khỏi sách vở, thỏa sức sáng tạo…
Trong khi đó, nhiều phụ huynh và giáo viên lại cho rằng các đề thi trên mang tính giáo dục chưa cao khi đề cập đến câu chuyện các nghệ sĩ ‘ném đá’ nhau. Và họ cũng khẳng định không nên đưa phim nước ngoài vào đề thi...
Có quan điểm cho rằng việc đưa nhân vật, sự kiện vào đề thi không phải là điều quan trọng. Học sinh không cần phải biết nhân vật là ai, sự kiện đó như thế nào vẫn có thể làm bài được nếu đề thi bao quát được câu chuyện, sự kiện đề cập với đầy đủ thông tin và đưa ra yêu cầu cụ thể.
Theo tôi, việc ra đề thi mở như trên cho thấy sự sáng tạo, bắt kịp hơi thở thời đại của người ra đề. Nhiều đề thi cũng đã kích thích sự sáng tạo và tạo sự hứng khởi của học sinh. Việc ra đề thi theo hướng mở là điều đáng hoan nghênh và cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, khi đưa các nhân vật, sự kiện vào đề thi, chúng ta cũng cần chọn lọc, cân nhắc. Để làm sao các nhân vật, sự kiện đó vừa gần gũi với học sinh, vừa mang tính giáo dục cao.
Quanh cuộc sống chúng ta có rất nhiều nhân vật, sự kiện ý nghĩa, gần gũi với học sinh, giới trẻ. Như gần đây là hình ảnh học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ mỗi khi đến trường ở TP.HCM; hình ảnh giáo viên phải trèo đèo, lội suối vào tận làng vận động học sinh đến trường ở Gia Lai; hình ảnh thầy hiệu trưởng đứng chào học sinh mỗi ngày ở Hà Nội, và còn biết bao câu chuyện đẹp về ước mơ, nghị lực vượt khó từ cuộc sống…, tại sao chúng ta không đưa những hình ảnh, câu chuyện đó vào đề thi?
Theo tôi, cách chọn lọc nhân vật, sự kiện… để đưa vào đề thi sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra một đề thi hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.