Đưa nợ lên sàn giao dịch

24/12/2020 06:28 GMT+7

Sàn giao dịch nợ tại VN đã được nhắc lại khi Ngân hàng Nhà nước vừa giao cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xây dựng và đưa vào vận hành sàn kể từ năm 2026..

Nợ xấu tồn tại và gia tăng

Việc thành lập sàn giao dịch nợ đã được đề cập từ năm 2017, khi Nghị quyết 42 của Chính phủ ban hành về thí điểm xử lý nợ xấu của các ngân hàng (NH) được ban hành. Do chưa đủ điều kiện thành lập, từ đó đến nay, việc mua bán nợ thực hiện giao dịch qua  VAMC. Tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến hết quý 3/2020, VAMC đã xử lý được khoảng 313.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng hơn 167.900 tỉ đồng, chiếm 53,8%; xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán 74.900 tỉ đồng; riêng các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, đã xử lý được hơn 69.500 tỉ đồng.
Nhưng con số nợ xấu đang có xu hướng tăng, nhất là khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt, thống kê từ 17 NH thương mại niêm yết cho thấy đến hết tháng 9.2020, nợ xấu đạt hơn 97.280 tỉ đồng, tăng 30,7% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. Con số này phù hợp với tỷ lệ nợ xấu mà NH Nhà nước công bố dưới 2% một phần nhờ các biện pháp tạm thời do NHNN ban hành nhằm nới lỏng các quy định về ghi nhận nợ xấu đối với các  doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công ty Rồng Việt dự báo, với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9% so với cùng kỳ vào năm 2020, ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ đạt khoảng 2,4% vào cuối năm 2020. Nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sẽ vượt ngưỡng 3% vào năm 2021.
Thời gian gần đây, các NH liên tục thúc đẩy việc xử lý các khoản nợ xấu. BIDV, Sacombank, Vietcombank, Vietinbank... liên tục rao bán những khoản nợ xấu có tài sản thế chấp từ chiếc xe vài chục triệu đồng đến nhà xưởng, máy móc, xe cộ, thiết bị, bất động sản lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng hầu như đa số các khoản nợ đều bị ế hàng và có khi rao bán đến 20 - 30 lần vẫn không có người đăng ký tham gia dù giá được điều chỉnh giảm nhiều so với mức khởi điểm. Chính vì vậy, một số ý kiến kỳ vọng nếu có sàn giao dịch nợ sẽ giúp cho thanh khoản các khoản nợ được gia tăng, bản thân NH sẽ nhanh chóng xử lý được “cục máu đông”.

Tòa nhà Saigon One Tower tại TP.HCM liên quan khoản nợ xấu, rao bán nhiều lần vẫn chưa có người mua

ẢNH: Đào Ngọc Thạch

Khó hiệu quả

Theo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do NH Nhà nước ban hành, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ. Đồng thời, đơn vị này cần tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và các NH nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ.

Giải pháp cơ bản nhất để hạn chế nợ xấu là các NH phải xây dựng và tuân thủ mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Việc thành lập sàn giao dịch nợ nếu không hội tụ đủ yếu tố cung - cầu thì sẽ không mang lại kết quả như mong muốn hoặc cũng như nhiều chợ khác xây dựng xong lại “vắng như chùa Bà Đanh” vì thiếu người mua.

TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Trên thực tế, hoạt động mua bán, giao dịch nợ hiện nay ngoài VAMC còn có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức khác như Công ty TNHH mua bán nợ VN (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính; các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các NH (AMC) và những công ty tổ chức đấu giá, thẩm định giá... Nhưng mỗi đơn vị trên đều tự tổ chức tìm kiếm nhà đầu tư và bản thân người mua nếu cần cũng phải rất khó để tìm hiểu về khoản nợ. Điều đó khiến cho lượng nhà đầu tư tham gia rất ít và các khoản nợ vẫn mãi tồn đọng trong các nhà băng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, nói thẳng không nên đặt nhiều kỳ vọng việc xử lý nợ xấu sẽ tiến triển tốt hơn. Bởi không như những sàn giao dịch hàng hóa khác, sàn giao dịch nợ ở đây là các khoản nợ xấu, một loại hàng hóa khá đặc biệt. Chính vì vậy nó cũng đòi hỏi người tham gia hiểu rõ hơn về những điều kiện tham gia, bản chất của việc mua bán nợ. Với những quy định, điều kiện tham gia vào việc mua bán nợ hiện nay như vốn điều lệ có thể sẽ hạn chế đối tượng tham gia. Hơn nữa, bản chất của việc mua bán các khoản nợ đó là mua bán tài sản, quyền đòi nợ gắn với tài sản phải rõ ràng chứ không ai mua một khoản nợ mà không có quyền xử lý tài sản liên quan, hoặc một khoản nợ không có tài sản thì cũng chưa chắc thu hút được người mua. Theo ông Đức, cần sửa đổi những điều kiện tham gia sàn giao dịch nợ xấu, thông tin khoản nợ được rõ ràng minh bạch, giá cả tốt... mới có thể thu hút được nhiều thành phần tham gia, tạo ra tính thanh khoản cho thị trường.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng bản chất của các khoản nợ hầu hết là nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi vốn, vì vậy sẽ có rất hiếm khách hàng muốn mua. Thậm chí ngay cả những khoản nợ thông thường cũng không có người mua vì rủi ro quá cao. Chính vì vậy hoạt động mua bán nợ hầu như không có thị trường vì chỉ toàn người bán mà người mua không có. Theo nguyên tắc, đây là một dạng khiếm khuyết thị trường thì Chính phủ phải đứng ra giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.