Sáng nay, 2.7, tại Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một doanh nghiệp chuyên về công nghệ y tế trong nước (Vmed Group) đã tổ chức lễ công bố máy ô xy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.
Máy ô xy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường các trang thiết bị y tế từ các bộ, ngành, Chính phủ. Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60 l/phút) với nồng độ ô xy điều chỉnh được (từ ô xy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37o C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.
Để có sản phẩm máy ô xy dòng cao BKVM-HF1, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tập hợp các chuyên gia khoa học công nghệ của mình và đội ngũ chuyên gia từ Vmed Group phối hợp nghiên cứu sản xuất.
Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của Vmed Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Máy được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào ngày 17.6.
“Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy ô xy dòng cao này, 60 - 70% bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở. Máy ô xy dòng cao là thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp giai đoạn đầu do Covid-19”, PGS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá.
Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, máy ô xy dòng cao BKVM-HF1 đích thực là một sản phẩm "thời chiến", vì được nghiên cứu và sản xuất chỉ trong 40 ngày.
30 máy BKVM-HF1 đầu tiên để chuyển tới các tâm dịch của Việt Nam, trong đó có TP.HCM. Chi phí để sản xuất 30 máy này là 1,5 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí sản xuất 30 máy được Tổng công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Dầu khí Petrosetco thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ.
“Bài học thành công của BKVM-HF1 là nhờ xây dựng được mô hình chuẩn trong hợp tác nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm make in Vietnam; có sự đồng bộ trong “hiệp đồng tác chiến” như sự chỉ đạo của các bộ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm nghiên cứu; thần tốc và quyết liệt trong nghiên cứu triển khai”, PGS Thắng chia sẻ.
Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Vmed Group cũng đã xây dựng phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn hơn để phục vụ công tác chống dịch.
Vận hành máy ô xy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và ô xy y tế. Vì thế, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GD-ĐT) đã hỗ trợ một nhóm nghiên cứu khác (cũng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009, có thể dùng cho 10 máy ô xy dòng cao cùng lúc.
Nhóm đã chế tạo thành công máy ô xy y tế lưu lượng 60 l/phút có độ tinh khiết đến 93% ô xy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của 2 bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu ô xy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Vmed Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu ô xy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể SARS-CoV-2.
|
Bình luận (0)