giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được các chuyên gia tâm lý về trẻ em giải đáp sáng nay 13.8 tại hội trường UBND Q.Bình Tân, TP.HCM. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em” do Cục trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam tổ chức, thu hút 500 giáo viên và công nhân trên địa bàn TP.HCM tham dự.
Những nội dung bổ ích về Từ 2 tuổi, nên để con tự vệ sinh thân thể
Có mặt tại chương trình, một giáo viên mầm non đặt câu hỏi: “Chúng tôi là giáo viên mầm non nên công việc đặc thù là phải vệ sinh cho trẻ, và không thể tránh khỏi việc có lúc phải chạm vào cơ thể, thậm chí vùng kín của các con. Đặc biệt có lớp giáo viên là nam… Như vậy thì có ảnh hưởng gì tới các trẻ không?”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng đây là một câu hỏi rất thiết thực. Ông Nam nhìn nhận: “Khi trẻ còn rất nhỏ, dưới 3 tuổi, ngay cả các ông bố cũng nên hạn chế tắm hoặc thay đồ cho con, nhất là con gái. Khi trẻ 3 tuổi trở nên thì chỉ nên để mẹ của bé giúp bé vệ sinh thân thể. Nhiều quốc gia không cho phép người không phải là cha mẹ đụng chạm vào vùng kín của con trẻ, kể cả giáo viên. Chính vì thế, tôi cho rằng việc giúp trẻ vệ sinh nên để giáo viên nữ làm và cố gắng hướng dẫn để bé tự làm thì sẽ tốt hơn”.
Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM, cũng cho rằng việc vệ sinh thân thể nên để cho trẻ tự làm. “Người Việt chúng ta ít dạy trẻ tự vệ sinh bản thân từ khi còn nhỏ. Đa số cha mẹ làm thay con. Có trẻ lớn rồi nhưng vẫn không thể tự tắm… Đó là một sai lầm. Cha mẹ nên dạy con từ nhỏ để 2 tuổi trở lên là bé phải thành thạo việc vệ sinh cơ thể mình. Lúc đầu có thể chưa sạch nhưng làm nhiều sẽ thành kỹ năng và sẽ làm tốt. Khi hướng dẫn con làm, cha mẹ cũng chỉ nên đứng từ phía sau, không nên đứng trước để tránh nhìn vào vùng kín của con. Phải để cho con biết cơ thể của con là của con, nó rất quý giá nên không được cho ai nhìn hay chạm vào”, tiến sĩ Thúy chia sẻ.
Chị Thúy còn khuyên cha tuyệt đối không được tắm cùng con gái và mẹ cũng không nên tắm cùng con trai dù con còn nhỏ.
Trả lời qua loa càng khiến trẻ tò mò
Tiếp tục nêu vấn đề mà từ bao lâu nay các bậc phụ huynh vẫn vô cùng bối rối, một giáo viên thắc mắc: “Khi con tôi hỏi, con được sinh ra như thế nào? Tôi đã trả lời “ba đặt tình yêu vào mẹ, tình yêu đó lớn dần lên và mẹ đã sinh ra con”. Con lại hỏi tiếp: Nhưng ba đã đặt tình yêu vào mẹ bằng cách nào? Lúc này thì tôi không biết mình phải nói sao cho phù hợp”. Tương tự, một phụ huynh kể con mình học cấp 2 bị một bạn trai hôn trộm và về hỏi mẹ là như thế liệu con có bị mang bầu hay không? Vị phụ huynh này nói không sao, con hỏi tiếp vậy như thế nào mới có bầu, thì vị phụ huynh đành lảng sang chuyện khác.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhận định câu trả lời của phụ huynh hết sức dễ thương, nhưng với một trẻ đã có nhận thức, trẻ không dễ dàng thỏa mãn lời giải thích “mơ hồ” đó, nên tiếp tục hỏi khiến phụ huynh bối rối. Tiến sĩ Thúy thẳng thắn: “Tùy vào lứa tuổi của con để chúng ta có câu trả lời phù hợp. Vì dụ khi trẻ 3-4 tuổi thì chúng ta có thể trả lời đơn giản. Trẻ lớn hơn, chúng ta đừng ngại ngần và cũng không nên trốn tránh, vì cành trốn tránh càng khiến trẻ tò mò. Chúng ta có thể dùng các hình ảnh, clip minh họa rất khoa học để giải thích cho trẻ. Đừng ngại nói những câu như “quan hệ tình dục, tinh trùng, trứng”. Nhưng phải thật nhẹ nhàng, khéo léo, chẳng hạn “ba và mẹ yêu nhau nên sẽ có những gần gũi về cơ thể. Khi tình yêu đủ lớn ba mẹ sẽ có quan hệ tình dục, lúc đó, tinh trùng của ba sẽ gặp trứng của mẹ và sẽ tạo ra con”…
Trẻ bị xâm hại vì cha mẹ chủ quan và thiếu hiểu biết
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng cha mẹ không nên ngăn cấm con tìm hiểu về giới tính, về cơ thể, ngược lại phải chủ động giúp con có kiến thức để tự bảo vệ mình. Theo ông Nam, cha mẹ không có hiểu biết để chia sẻ với con, thì con cũng sẽ thiếu kiến thức. Từ đó, con sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành động lệch chuẩn và không đủ hiểu biết để bảo vệ mình.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhìn nhận: “Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại là vì sự chủ quan của cha mẹ. Ví dụ như nhờ hàng xóm, họ hàng trông con, thiếu quan tâm tới sự phát triển của con, thiếu sự yêu thương gần gũi chia sẻ… Qua khảo sát có đến 93% trường hợp xâm hại là từ người quen biết. Vì thế, khi con dưới 6 tuổi chúng ta không được để con một mình hoặc với người không đủ tin cậy”.
Khi phát hiện con có những tò mò về giới tính, tiến sĩ Thúy khuyên cha mẹ không được la mắng trẻ. Đặc biệt khi con kể con bị ai đó “xâm hại” thì phải thật bình tĩnh, không làm trẻ hoảng loạn và phải dũng cảm tố cáo kẻ xâm hại đó với cơ quan chức năng. “Nếu chúng ta ngại ngần, sợ bị ảnh hưởng… thì kẻ xâm hại sẽ tiếp tục làm điều đó với những trẻ khác trong khi lẽ ra chúng phải bị tống vào tù để không còn ai trở thành nạn nhân của chúng nữa”, tiến sĩ Thúy nêu quan điểm.
Ông Đặng Hoa Nam lưu ý, nếu phụ huynh hay giáo viên phát hiện con em mình, học trò mình hoặc một đứa trẻ hàng xóm có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, thì cần thông báo cho UBND phường, xã, cơ quan công an hoặc các phòng LĐ-TB-XH hoặc Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 bất cứ lúc nào.
Bình luận (0)