Mê “phượt” đến những vùng đất xa xôi, nhất là ở Tây nguyên, tôi từng mong ước một lần đặt chân đến hang động núi lửa Chư Bluk, xã Buôn Choáh, H.Krông Nô (Đắk Nông), nơi đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu vào tháng 7.2020.
Tôi còn nhớ vào khoảng 2016, thông qua một nguồn tin, tôi được biết từ 2014 Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các nhà khoa học thực hiện đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” và “Điều tra khảo sát bổ sung làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện hồ sơ CVĐC Đắk Nông để đăng ký gia nhập mạng lưới CVĐC UNESCO (GNN)”.
Để được gia nhập GNN, đòi hỏi phải đạt được rất nhiều tiêu chí… Ròng rã 6 năm trời, đến tháng 7.2020, CVĐC Đắk Nông chính thức được công nhận là thành viên của GNN.
Tháng 7.2021, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 12 về phát triển du lịch gắn với CVĐC UNESCO Đắk Nông được Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành với mục tiêu phát triển du lịch nơi đây một cách bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên…
Thế nhưng mới đây, một đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên phản ánh trong một bài viết rằng, gần hang động núi lửa Chư Bluk có một số người dân tự ý cải tạo đất, xây nhà kiên cố.
Có một điều đáng lo ngại được đoàn công tác xử lý vi phạm CVĐC chỉ ra là thời gian qua công tác phối hợp chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Buôn Choáh giữa các đơn vị liên quan không thường xuyên, từ đó để xảy ra tình trạng một số người dân có hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Hệ quả của nạn lấn chiếm đất, xây dựng trái phép nếu để càng lâu, hệ quả gây ra càng lớn, mà ở nhiều địa phương khác đã có những bài học nhãn tiền. Cũng vậy, để CVĐC Đắk Nông được công nhận là thành viên của GNN, nhiều chuyên gia, thậm chí cả hệ thống chính trị của Đắk Nông đã không ngừng đeo đuổi hơn 6 năm dài. Thế nên, khi đã có được thành quả, phải biết giữ gìn, không thể “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bình luận (0)