Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại. Nước nào cũng thấy những rủi ro của việc phụ thuộc vào một nguồn cung, một thị trường. Trung Quốc cũng đã thay đổi rất nhiều, cũng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm với hàng hóa nhập vào nước này. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ngày càng bấp bênh.
Thực tế từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 tấn công thế giới, Trung Quốc cũng có giai đoạn đóng cửa biên giới khiến nông sản Việt Nam khốn đốn. Cứ tưởng đây sẽ là bước ngoặt để chúng ta mạnh mẽ chuyển sang xuất chính ngạch - nhưng không. Cứ tạm giải quyết được vướng mắc thì sau đó chúng ta lại “bổn cũ soạn lại”, lại lũ lượt chở hàng lên các cửa khẩu để xuất tiểu ngạch sang bên kia biên giới. Tại sao các doanh nghiệp lại “ngoan cố” như vậy?
Xin được dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã từng nhận định về các điểm nghẽn trong nông nghiệp trước đây đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó là vì người nông dân còn tư duy “mùa vụ”, doanh nghiệp còn tư duy “thương vụ” còn các cấp chính quyền là tư duy “nhiệm kỳ”. Đơn giản thôi, muốn chuyển sang xuất chính ngạch thì phải xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho các loại nông sản. Mà làm những việc này thì đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực… nên thôi kệ. Còn đổ tống đổ tháo được ở mậu biên thì cứ chở lên, tới đâu hay tới đó. Cùng lắm thì cũng “ùn ứ nghiêm trọng nhất từ trước tới nay” như bây giờ. Rõ ràng, thế giới đã thay đổi, nhưng chúng ta thì vẫn còn khá đủng đỉnh.
Trong quá khứ, chúng ta không ít lần tự nhận là cường quốc nông nghiệp của thế giới. Với lợi thế về tài nguyên, khí hậu, thổ nhưỡng... Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành này cũng là điểm tựa cho nền kinh tế trong nhiều giai đoạn khủng hoảng. Đại dịch lần này cũng không ngoại lệ. Khi Covid-19 tấn công, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm là nỗi lo của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chúng ta không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Thế nhưng, nhìn lại ngành nông nghiệp trong nước sau hàng thập niên tái cơ cấu, những vấn đề mấu chốt vẫn còn nguyên. Nông sản từ lúa, gạo, tiêu, điều, cà phê, rau, quả... xuất thô sau bao năm vẫn hoàn xuất thô. Tỷ lệ chế biến thấp nên giá trị mang lại khiêm tốn. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp trong khu vực do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào nông nghiệp còn hạn chế. Vậy chúng ta đã thực sự coi nông nghiệp là lợi thế để đầu tư, phát triển?
Nông nghiệp từ lâu đã được coi là ngành kinh tế, không đơn thuần chỉ là sản xuất. Nông nghiệp giờ đây chính là công nghiệp, chính là khoa học, là công nghệ nếu được thẩm thấu, ứng dụng. Thế giới đã thay đổi, chúng ta nếu vẫn đủng đỉnh, sẽ tiếp tục lỡ chuyến tàu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên chính lợi thế của mình.
Bình luận (0)