Đừng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp

Ngân Nga
Ngân Nga
04/05/2023 06:27 GMT+7

Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh, phiếu lý lịch tư pháp đang bị các tổ chức, cá nhân lạm dụng tràn lan, gây tốn kém, khổ cho người lao động.

Khổ sở xin cấp phiếu lý lịch tư pháp

Ghi nhận thực tế một buổi chiều cuối tháng 4, Sở Tư pháp TP.HCM không còn một chỗ trống khi lượng người dân đến đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngồi chật kín.

Chị Lâm Thị Ngọc Thơ (37 tuổi, TP.HCM) cùng chồng đang cẩn thận ghi vào tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Cả hai vợ chồng chị đều là nhân viên giao hàng cho một doanh nghiệp chuyên về thực phẩm. Công ty yêu cầu chị phải có phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung vào hồ sơ. Theo chị Thơ, nếu đang làm cho doanh nghiệp này mà nghỉ, chuyển sang doanh nghiệp khác thì chị vẫn phải tiếp tục đi xin phiếu lý lịch tư pháp mới. Mỗi lần như thế, chị lại tốn lệ phí 200.000 đồng/phiếu và mất một buổi đến Sở Tư pháp TP.HCM ngồi chờ nộp hồ sơ.

"Công ty nói phiếu lý lịch tư pháp chỉ sử dụng được 6 tháng thôi. Vì mưu sinh chúng tôi phải chấp nhận. Giờ rất nhiều công ty đều yêu cầu như vậy", chị Thơ thở dài.

Đừng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp - Ảnh 1.

Người dân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM

NHẬT THỊNH

Tương tự, anh Lê Văn Hưng (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng đang ngồi chờ cán bộ gọi tên. Anh là tài xế taxi cho hãng taxi công nghệ, trước đó anh từng về quê xin phiếu này một lần. Tuy nhiên, sau khi anh chuyển hộ khẩu vào TP.HCM thì công ty lại yêu cầu anh phải đi xin phiếu mới.

"Do không rành về luật, công ty nói sao thì tôi làm vậy. Nhưng tôi thấy yêu cầu này vô lý quá và rất phiền hà. Để được làm tài xế, tôi đã phải tốn các phí như duy trì định vị 1 năm, phù hiệu xe, thuế… nay lại tốn thêm tiền để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tôi chỉ mong sao cái gì không cần thiết thì giảm bớt để cho người lao động như chúng tôi bớt khổ", anh Hưng bức xúc.

Còn chị Lưu Thị Hồng Liên (40 tuổi, ngụ TP.HCM, làm nghề cho khách du lịch thuê lều trại) vì thuộc diện hộ kinh doanh cá thể, để được cơ quan chức năng cấp cho giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì trong hồ sơ chị phải có phiếu lý lịch tư pháp. Do đó, chị lên mạng tìm hiểu, tải mẫu phiếu lý lịch tư pháp xuống, điền thông tin, để xin cấp phiếu, rồi chị gửi qua bưu điện, tốn 250.000 đồng (gồm phí bưu điện 50.000 đồng)...

"Tôi thấy mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc do phải đi lại nhiều lần. Rất mong cơ quan chức năng nghiên cứu cách làm bằng hình thức trực tuyến để chúng tôi đỡ vất vả", chị Liên ngậm ngùi.

Xót cho người lao động

Trả lời Thanh Niên, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh cho biết phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh cá nhân có hoặc không có án tích. Trong đó, phiếu lý lịch tư pháp số 1 xác nhận cho cá nhân về tình trạng án tích. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 xác nhận về tình trạng án tích và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hiện, TP.HCM chiếm 1/3 cả nước về số lượng tiếp nhận hồ sơ liên quan phiếu lý lịch tư pháp. Trung bình một ngày, Sở này tiếp nhận từ 550 - 650 hồ sơ của người dân đến yêu cầu, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm hơn 90% trong số tổng các loại hồ sơ khác (như khai sinh, khai tử...) mà Sở tiếp nhận. Để giải quyết được nhu cầu của người dân, Sở Tư pháp đã bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện cho công việc từ nhiều năm nay.

Đừng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp - Ảnh 2.

Người dân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM

NHẬT THỊNH

Cũng theo ông Hạnh, thông thường, phiếu lý lịch tư pháp chỉ được dùng cho cơ quan tiến hành tố tụng, hồ sơ công chức, chứng chỉ hành nghề, người đi nước ngoài, du học…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Sở nhận được rất nhiều hồ sơ liên quan đến việc người dân dùng để đi xin việc làm tại các doanh nghiệp như: tài xế của những hãng taxi công nghệ (chiếm khoảng 50%), người làm công việc bảo vệ, ban quản trị nhà chung cư, một số ngành như cầm đồ, kinh doanh khách sạn, các cá nhân thuộc các tổ chức liên quan đến các hội…

"Phiếu lý lịch tư pháp đang bị các tổ chức, cá nhân lạm dụng quá. Đừng lợi dụng quyền được yêu cầu của công dân mà gây tốn kém, khổ cho người lao động. Luật không quy định thời hạn sử dụng, nhưng có nơi lại yêu cầu người lao động cứ 6 tháng phải xin phiếu mới. Xót xa vô cùng!", vị Giám đốc Sở Tư pháp thốt lên.

Theo quy định, người dân có thể nộp hồ sơ (tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, CCCD, hộ chiếu photo) trực tiếp tại Sở Tư pháp hoặc qua bưu điện và đóng lệ phí 200.000 đồng/phiếu.

Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

(Trích điều 2 luật Lý lịch tư pháp)

Nếu cư trú tại một nơi duy nhất ở TP.HCM thì trong 10 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ) là có kết quả. Còn nếu cư trú nhiều nơi hoặc dùng để du học là 15 ngày (điều 48 luật Lý lịch tư pháp).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ của người dân, Sở Tư pháp sẽ gửi đến 3 cơ quan gồm Công an TP.HCM, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an để xác minh. Sau đó, những cơ quan này sẽ gửi kết quả về cho Sở Tư pháp. Khi đó, Sở mới căn cứ vào đây để cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân.

"Hầu hết người dân không có án tích. Vì thế theo tôi, khi xin việc làm, người dân chỉ cần cam kết khai báo trung thực về phần án tích tại "sơ yếu lý lịch", có UBND xã/phường xác nhận chữ ký là đủ", ông Hạnh nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.