Nói tự làm khó là bởi Truyện Kiều là tác phẩm văn học kinh điển, đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Việt. Mỗi người Việt đều thuộc ít nhất một vài câu Kiều, hoặc tên của những nhân vật trong tác phẩm văn học này: Thúy Kiều, Thúc Sinh, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư, Sở Khanh, Kim Trọng…
Trên thực tế, nhiều sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ Truyện Kiều rất dễ gây tranh cãi, chẳng hạn như việc tranh minh họa của nhiều họa sĩ đã tốn không ít giấy mực. Ngay như việc phiên âm, chú giải của mỗi học giả với Truyện Kiều cũng đã tạo nên không biết bao cuộc tranh luận.
|
NSƯT Phi Tiến Sơn, người chấp bút cho kịch bản phim điện ảnh Kiều, chủ động không đưa cả cuộc đời của nàng Kiều (trong tác phẩm của Nguyễn Du) lên màn ảnh mà chỉ tập trung vào giai đoạn Kiều bị đẩy vào lầu xanh và cuộc tình tay ba trái ngang với Thúc Sinh - chồng của Hoạn Thư.
Bên cạnh đó, Mai Thu Huyền cũng luôn nhắc đi nhắc lại rằng cô không làm phim để “minh họa cho Truyện Kiều” mà chỉ là “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều” mà thôi.
Trong khi đó, tâm lý của nhiều khán giả đi xem Kiều chỉ bởi họ tò mò muốn biết Truyện Kiều sẽ được “điện ảnh hóa” thế nào, những nhân vật trong tác phẩm này bước lên màn ảnh sẽ như thế nào. Và rồi họ sẽ dễ hụt hẫng khi chuyện phim cũng chả “giống” với Truyện Kiều, rồi thì cũng không thấy bóng dáng của nhiều nhân vật của tác phẩm như Từ Hải, Kim Trọng…
|
Cách đây 2 năm, dự án sân khấu thử nghiệm có tên Nàng K do Viện Goethe tại Việt Nam thực hiện để tôn vinh Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du, cùng bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức. Trong đó, 4 đạo diễn Việt Nam và Đức là Amélie Niermeyer, Hồng Vân, Trần Lực và Bùi Như Lai cùng mở ra những cách tiếp cận mới với Truyện Kiều.
Họ cùng đưa nàng Kiều lên sân khấu với hình tượng cùng ngôn ngữ, thủ pháp sân khấu mới. Có khán giả thích, có khán giả không thích những cách tiếp cận của họ. Đó là việc đương nhiên. Phim điện ảnh Kiều với câu chuyện mới cũng như vậy.
Tuy nhiên, khi nhiều khán giả ủng hộ việc tiếp cận mới đòi hỏi những cái nhìn sâu sắc thì Kiều - phiên bản điện ảnh của Mai Thu Huyền lại làm chưa tới. Thông điệp muốn truyền tải về nhân sinh quan, khát vọng tình yêu, tự do của con người cũng chưa bật ra nổi.
Có vẻ như đạo diễn đang loay hoay giữa tham vọng làm một một bộ phim hoa mỹ mang nhiều tính văn chương nhưng lại vẫn muốn hướng đến giải trí tiệm cận với số đông khán giả, và chính điều đó lại biến bộ phim thành kiểu “nửa nạc nửa mỡ”.
|
NSND Lê Khanh trở thành điểm nhấn về diễn xuất với vai Hoạn Bà mặc dù chị chưa có nhiều đất diễn. Ca sĩ Phương Thanh trở thành gương mặt được nhiều đạo diễn lựa chọn cũng khiến khán giả thấy thú vị. Hay diễn viên Long “đẹp trai” (nghệ danh của diễn viên Vũ Văn Long) vào vai Mã Giám Sinh cũng khá hợp… Nhưng hai nhân vật chính và dẫn dắt toàn bộ mạch phim là nàng Kiều và Thúc Sinh lại cho thấy là những vai diễn có phần quá sức với Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy.
Mai Thu Huyền nói chị bắt gặp Trình Mỹ Duyên trong một sự kiện và nhận ra ngay đây là nàng Kiều của mình khi khuôn mặt của cô đúng như những gì chị hình dung ra về nhân vật của mình. Còn Lê Anh Huy đúng là gây ấn tượng với vẻ ngoài bắt mắt của một nam vương với chiều cao 1,91 m. Nhưng rõ ràng là vẻ ngoài thôi là chưa đủ, và ở trường hợp này, lại còn gây phản ứng ngược.
Để trả lời câu hỏi có nên xem Kiều không? Với chúng tôi, vẫn là "có".
Ở góc độ nào đấy, khán giả cũng nên "thử" để xem góc nhìn của người thời nay nhìn về nàng Kiều như thế nào. Ngoài ra, nhân vật Đạm Tiên được tạo nên trở thành nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện chả khác nào một nhân vật mới.
Những pha hành động với sự chỉ đạo của một nữ đạo diễn như Mai Thu Huyền cũng không tệ. Một kịch bản đề cao tính nữ quyền trong tình yêu của một tác giả nam ở góc độ nào đó là yếu tố thú vị. Có những khung cảnh thiên nhiên được quay khiến người ta thấy chả khác nào như thiên đường nơi hạ giới. Ca khúc trong phim cũng được đầu tư, hút tai người nghe.
Khi một dự án nghệ thuật sáng tạo từ tác phẩm gốc gây tranh cãi thì người ta thường có xu hướng quay lại tìm đọc tác phẩm gốc. Và như vậy, đó cũng là cách để một lần nữa chúng ta hiểu hơn về Truyện Kiều.
Còn với nhà làm phim, sự cạnh tranh trong thị trường rạp chiếu ngày càng trở nên khốc liệt cho họ thấy rõ việc làm phim “không đùa với khách thơ”! Khi càng lúc càng có nhiều "món" được đưa ra, khán giả chả dại gì chọn "món" dở mà dùng!
Bình luận (0)