Ngày 19.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về việc điều chỉnh mức cho vay đối với đối tượng là học sinh, sinh viên.
Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Cụ thể, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Trước thông tin này, Trần Thanh Thảo, sinh viên khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Việc tăng mức cho vay hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong học tập. Vì bây giờ học phí của các trường cũng tăng lên mỗi năm, điện nước phục vụ sinh hoạt cũng tăng giá. Việc tăng mức vay vốn 2,5 triệu đồng/tháng giúp sinh viên có thể an tâm học tập hơn".
Nguyễn Quỳnh Thu, sinh viên năm 3, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết theo tìm hiểu của Thu thì cơ hội học lên cao của người nghèo chưa cao, nên việc tăng mức vay cho sinh viên nghèo là hợp lý vì sẽ khuyến khích họ tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Vấn đề là học phí các trường ĐH năm nào cũng tăng thì mức vay vốn cũng luôn phải xem xét cho hợp lý.
Tương tự, Lê Minh Khánh, sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Số tiền vay vốn tăng 25 triệu đồng/năm không những giúp sinh viên trang trải học phí, mà nó còn giúp các bạn đỡ áp lực tài chính trong điều kiện vật giá leo thang hiện nay"
Tuy nhiên, Đỗ Thị Mỹ Ngọc, sinh viên năm 2, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng sinh viên phải có trách nhiệm khi vay: "Theo mình, khi được vay vốn 25 triệu đồng/năm, sinh viên sẽ được hỗ trợ nhiều về chi phí từ học tập đến sinh hoạt. Nhưng sinh viên cũng phải có trách nhiệm, phải kiểm soát khả năng chi tiêu, không sử dụng tiền sai mục đích".
Được biết, quyết định điều chỉnh mức cho vay trên có hiệu lực từ ngày 1.12.2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, theo quy định mới này, học sinh, sinh viên sẽ được vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng hoặc 25 triệu đồng/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước đó, theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007, mức vốn cho vay tối đa cho học sinh, sinh viên là 800.000 đồng/tháng. Sau đó, theo Quyết định 751/QĐ-TTg ngày 30.5.2017, mức vốn cho vay được tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Đến nay, mức cho vay được tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng.
Đối tượng được vay vốn là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN và các trường dạy nghề. Cụ thể là các học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo hoặc thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người có hộ gia đình nghèo; Sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
Học sinh, sinh viên được vay vốn thuộc các đối tượng nêu trên phải đáp ứng các điều kiện: Đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay; Học sinh, sinh viên năm nhất vừa trúng tuyển ĐH phải có Giấy báo trúng tuyển của trường; Học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.
|
Bình luận (0)