Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, sự thăng tiến của giáo viên (GV) chưa rõ ràng nên chưa tạo động lực để họ phấn đấu.
Đa số giáo viên không có điều kiện thăng hạng
Thời gian qua, nhà nước cũng có nhiều giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục như ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng, từ đó để nhà giáo có căn cứ phấn đấu theo chuẩn. Đồng thời, đối với GV cũng được xếp, bổ nhiệm theo hạng (hạng 3, 2, 1). Mỗi hạng có những tiêu chuẩn tương ứng để nhà giáo học tập, phấn đấu.
Tuy nhiên, việc phát triển đội ngũ GV ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế.
Trước hết là sự thăng tiến của GV chưa rõ ràng, mặc dù sự phát triển của nhà giáo cũng được phát triển theo 3 kênh: con đường chuyên môn, quản lý và con đường trở thành chuyên gia giáo dục. Về chuyên môn, GV phấn đấu để từ hạng 3 lên hạng 2 và cao nhất là hạng 1. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng và xét nâng hạng không phải dành cho tất cả GV, mà được nhà trường lựa chọn dựa trên nhu cầu số lượng GV mỗi hạng của trường và yêu cầu khắt khe về trình độ tin học, ngoại ngữ nên đa số GV không có điều kiện thăng hạng. Con đường làm quản lý cũng không phải dễ dàng, vì không chỉ giỏi chuyên môn mà còn nhiều điều kiện khác. Vì vậy, một số GV phát triển con đường quản lý không phải từ chuyên môn mà từ con đường tham gia công tác Đoàn. Còn con đường trở thành chuyên gia giáo dục thì rất ít.
Người giỏi không muốn “lên chức”
Ngoài ra, việc đánh giá, xếp loại GV hằng năm khá phức tạp (mỗi năm 3 loại đánh giá: đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, theo luật viên chức và nếu là đảng viên phải đánh giá đảng viên). Việc đánh giá này cũng chưa gắn với thu nhập.
Việc chuyên đổi giữa GV và chuyên viên phòng/sở gây thiệt thòi cho GV. Những người được chuyển từ GV lên làm chuyên viên của phòng/sở GD-ĐT thì thu nhập, lương giảm hẳn. Một tổ trưởng chuyên môn trường chuyên lên làm chuyên viên, giảm lương đến 4 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến nhiều người giỏi ở trường không muốn làm chuyên viên phòng/sở.
Chưa kể sinh viên học ngành sư phạm ra trường khó xin việc, lương thấp, nên không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục.
Vì vậy, muốn xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ mạnh, có trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy vững vàng, tâm huyết với nghề giáo, ngành GD-ĐT cần có giải pháp đồng bộ, quy định các kênh thăng tiến của nhà giáo một cách rõ ràng. Sự thăng tiến này cần gắn với thu nhập để nhà giáo không ngừng phấn đấu.
Kinh nghiệm từ SingaporeSingapore không chỉ công nhận, khen thưởng những việc làm tốt và nỗ lực của GV mà còn tạo cơ hội học tập, phát triển cho GV. Điều quan trọng nhất là chất lượng thực hiện công việc sẽ gắn với thu nhập. Đây là điều mà hệ thống giáo dục Việt Nam chưa làm được. Lương GV của Việt Nam hiện nay chủ yếu theo hệ số lương, cứ 3 năm tăng một bậc.
Ngoài ra, ở Singapore có hình thức biệt phái GV, nhằm tạo điều kiện cho GV hoạt động ở một số tổ chức ngoài nhà trường một thời gian để mở rộng tầm nhìn và kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp cho cán bộ giáo dục cũng như GV có thêm kinh nghiệm thực tiễn, được thực tập trong nhiều trường khác nhau, từ đó nâng cao tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thử thách sau khi GV này trở lại giảng dạy ở trường mình. Thời gian biệt phái trong nước cũng như ngoài nước có thể là một tuần, một tháng, hay có khi là một năm, sẽ giúp cho cán bộ giáo dục và GV có được những nhận thức và kinh nghiệm mới. Đặc biệt là biệt phái GV ra công tác ở một số trường nước ngoài một thời gian ngắn sẽ giúp nâng cao hiểu biết, tầm nhìn và phương pháp giảng dạy mới. Điều quan trọng trong phát triển đội ngũ GV và chuyên gia giáo dục của Singapore là phát triển một cách thực chất, chất lượng, không chạy theo phong trào, thành tích. |
Bình luận (0)