Đường phục dựng điện Kính Thiên gần hơn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/04/2021 06:14 GMT+7

Mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng thời Lê sơ mới tìm thấy cung cấp những chi tiết quan trọng của kiến trúc cung đình thời Lê sơ.

Nhiều dấu tích, hiện vật quý

Các hố khai quật ở khu vực điện Kính Thiên năm 2020, với kết quả sơ bộ công bố ngày 22.4, có nhiều điều thú vị. PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, cho biết cách di tích Hậu Lâu khoảng 10 m chếch về phía đông nam, đoàn khảo cổ tìm thấy một chiếc giếng sâu gần 7 m. “Tôi cùng TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, từng đào thấy một giếng sâu 5,9 m. Đến nay, tôi mới lại thấy có một cái giếng sâu như thế này. Ước tính giếng này sâu hơn độ sâu trung bình của sông Hồng”, PGS-TS Tín nói.
Kỹ thuật làm giếng là cách xây dựng của các di tích thời Trần, thế kỷ 13 - 14. “Chúng tôi phỏng đoán giếng nước này được xây dựng để phục vụ điện Cần Chánh, nơi vua thiết triều hằng ngày”, ông Tống Trung Tín nói. Tiến hành rửa đãi hiện vật đáy giếng đã phát hiện 2 mảnh kim loại màu vàng. Thêm vào đó, trong lòng giếng cũng tìm thấy tiền đồng Cảnh Thịnh thông bảo. Sự xuất hiện này cho thấy cho tới thời 1783 - 1802 giếng chưa bị lấp.
Cũng trong đợt khai quật năm 2020, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu tích kiến trúc hình tròn này nằm hoàn toàn trong lớp văn hóa thời Trần. Gần đó còn có một chiếc chậu lớn, đường kính 1,2 m, cao 55 cm, miệng trang trí hoa mai, hoa sen và liên châu. Đây có thể là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thuộc thời Trần. “Có nhiều giả thuyết về kiến trúc hình tròn và chậu đất nung này. Có thể đó là một nơi tiến hành nghi lễ và nơi để nước thiêng. Nhưng cũng có thể đó là nơi có những chậu cảnh”, ông Tín nói.
Đường phục dựng điện Kính Thiên gần hơn1

Giếng cổ

ẢNH: TRINH NGUYỄN

Hai mộ gạch cùng đồ tùy táng cũng được tìm thấy. Các nhà khoa học phỏng đoán đó là mộ thời kỳ tiền Thăng Long.
Tuy nhiên, phát hiện khảo cổ khiến các nhà khoa học trầm trồ nhất là mảnh mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng thời Lê sơ. Mô hình này còn một phần. Các dấu tích còn lại cho thấy đây có thể là mô hình một kiến trúc có nhiều tầng mái. PGS Tín cho biết mô hình cung cấp nhiều chi tiết quan trọng của một kiến trúc thời Lê sơ như cấu trúc một phần mái ngói, các cấu kiện đấu củng, độ cong của góc đao và lá mái, cấu kiện gỗ đỡ diềm mái, đầu dư chạm rồng. “Các kiến trúc Lê sơ trên mặt đất đã không còn. Do đó, hình thái kiến trúc Lê sơ là một dấu hỏi rất lớn. Do vậy, có thể nói mô hình này lần đầu tiên cung cấp một số chi tiết quan trọng của kiến trúc cung đình thời Lê sơ”, ông Tín đánh giá.

Phục dựng Kính Thiên

PGS-TS Tống Trung Tín phân tích rất kỹ mảnh mô hình kiến trúc thời Lê sơ này. Mô hình có đầu dư hình rồng sắc nét, phần đầu rồng còn nguyên vẹn. Đầu rồng này giống hệt đầu rồng ở thềm điện Kính Thiên vừa được phong bảo vật quốc gia. Trong lộ trình tiến tới phục dựng điện Kính Thiên, đã có một bước tiến. “Năm nay có cái mô hình quý quá rồi. Còn nhớ năm ngoái ta khai quật được cái đầu xà góc, rất đẹp, thân đều thếp vàng và là vàng thật”, ông Tín nói.
Ông Tín cũng nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh tiếp nghiên cứu so sánh với kinh thành Huế. Hiện tại, dù chưa khai quật hết song các nhà khảo cổ đã tìm thấy có 3 bậc sân đại triều. Họ cũng đã có giả định mặt bằng tổng thể khu vực chính điện Kính Thiên. “Phải so sánh kỹ với Huế, vì Huế xây sau đó không lâu. Có vẻ như các kiến trúc ta đang đào có theo quy luật ở Huế”, ông Tín nói.
Đường phục dựng điện Kính Thiên gần hơn2

Một số hiện vật tìm thấy tại khu vực điện Kính Thiên

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội, cho biết đã khai quật được 6% diện tích của Hoàng thành Thăng Long. “Chúng ta phải đặt mục đích nghiên cứu là gì, sau khi đã khai quật được như vậy. Nếu đặt số lượng đấy vào cấm thành Thăng Long thì tỷ lệ sẽ khác. Nhiều năm nay, Hà Nội muốn nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, thì cách làm phải như thế nào. Nếu không, 30 năm nữa ta có hiểu hết chính điện này không. Hôm nay, chúng ta bàn để tư vấn cho TP về xác định chương trình mục tiêu thế nào”, ông Sơn nói.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng bên cạnh phục dựng điện Kính Thiên, cần nghiên cứu song song giá trị văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long. Điều đó có thể giúp khai thác du lịch tốt hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn là để giới trẻ yêu thích di sản.
TS Phạm Lê Huy, Khoa Đông phương (Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết phục dựng điện Kính Thiên là mong ước rất lâu của đông đảo nhà khoa học. Tuy nhiên, để phục dựng được, cần giải quyết một số vấn đề. Chẳng hạn, nếu dựng sẽ dựng điện Kính Thiên thời điểm nào, thời Lê sơ hay Lê Trung hưng. Nếu làm thời Lê sơ thì các nghiên cứu kiến trúc cổ chưa đủ dữ liệu đáp ứng... Tuy nhiên, trong 2 - 3 năm trở lại đây, các nhận thức về điện Kính Thiên đã rõ ràng hơn. Chẳng hạn, mô hình men vàng, men xanh cho thấy niên đại thời Lê sơ rất rõ. Nó cũng cho thấy có tàu mái hay không... “Nếu muốn phục dựng điện Kính Thiên thời Lê sơ thì phải đẩy mạnh hơn nghiên cứu”, ông Huy nói.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho rằng khai quật lần này cung cấp nhiều nhận thức, xuất lộ nhiều hiện vật để hiểu về sinh hoạt cung đình. Đặc biệt, hiện vật men lục là hiện vật rất đặc biệt. “Ta thấy không gian điện Kính Thiên dần dần lộ ra. Nhưng định hướng cho phục hồi điện Kính Thiên không chỉ là chuyện kiến trúc mà còn nhiều chuyện liên quan. Do đó, tôi mong có định hướng rõ rệt. Chẳng hạn, nội thất của điện Kính Thiên ra làm sao, chúng ta chưa đặt ra. Khi xây dựng được Kính Thiên rồi mà nội thất không có thì cũng là một việc. Các việc này phải đồng bộ”, ông Quân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.