Duyên nợ hai 'ông lớn' Mỹ - Nga ở Afghanistan

16/08/2021 19:59 GMT+7

Suốt 50 năm trở lại đây, Afghanistan liên tục chứng kiến những cuộc đảo chính và xung đột vũ trang, với sự góp mặt của hai thế lực chính là Mỹ và Liên Xô trước khi tan rã, sau đó là Nga.

Kể từ thời đế quốc Afghan vào năm 1747, Afghanistan, quốc gia miền núi và không giáp biển ở Nam Á, được định hình bởi chiến tranh và ngoại giao.
Trong nửa thế gần đây, sự tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Nga (trước kia là Liên Xô) góp phần nhen nhóm cho sự khai sinh và trỗi dậy của Taliban. Đây là lực lượng vừa kiểm soát thủ đô Kabul và chính thức quay lại trung tâm quyền lực ở Afghanistan.

Sự can thiệp của Liên Xô

Nga có bề dày can thiệp quân sự ở Afghanistan, kéo dài từ thế kỷ 19 dưới thời Sa hoàng. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười ở Nga năm 1919, chính phủ Liên Xô bắt đầu cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho Afghanistan để hỗ trợ cuộc kháng chiến của nước này chống Anh.

Xe tăng Liên Xô trên đường phố Kabul năm 1986

Bộ Quốc phòng Mỹ

Nhờ sự trợ giúp của Liên Xô, Afghanistan giành được độc lập và thành lập chế độ quân chủ dưới thời quốc vương Amanullah Khan. Trong những năm sau đó, Liên Xô chịu trách nhiệm đào tạo sĩ quan tham mưu cho Afghanistan. Tuy nhiên, chế độ quân chủ bị lật đổ vào năm 1973 và thay thế bằng nước cộng hòa trước khi chuyển sang chế độ chủ nghĩa xã hội, theo trang Britannica.
Năm 1978, nội chiến bùng nổ ở Afghanistan. Tháng 12 cùng năm, Afghanistan và Liên Xô ký kết hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương, theo đó bật đèn xanh cho Liên Xô triển khai quân đội trong trường hợp nhận được đề nghị của đối tác.
Khi Afghanistan rơi vào bất ổn và đối mặt những vụ tấn công của lực lượng nổi dậy Hồi giáo Mujahideen do Mỹ bảo trợ, quân đội Liên Xô dưới sự chỉ huy của nguyên soái Sergei Leonidovich Sokolov đã thực hiện chiến dịch quân sự tại Afghanistan vào tháng 12.1979. Phía Liên Xô thành công kiểm soát Afghanistan vào ngày 28.12.1979, cho phép nước này thành lập chính phủ lâm thời.

Bàn tay của Mỹ

Theo ghi chép chính thức, CIA chỉ bắt đầu hỗ trợ phe đối lập tại Afghanistan sau khi Liên Xô can thiệp quân sự ở nước này. Tuy nhiên, hồi ký From the Shadows (Từ bóng tối) của ông Robert Gates, cựu Giám đốc CIA và cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tiết lộ giới chức tình báo Mỹ từ giữa năm 1979 đã nhúng tay vào tình hình Afghanistan, tức 6 tháng trước khi quân đội Liên Xô kéo quân vào nước này.

Taliban là ai và vì sao muốn chiếm chính quyền Afghanistan?

Từ năm 1979-1989, CIA triển khai Chiến dịch Lốc xoáy, theo đó rót hàng tỉ USD thông qua Pakistan để huấn luyện và trang bị vũ khí cho các tay súng Mujahideen ở Afghanistan. Đây là một trong những chiến dịch dài nhất và đắt đỏ nhất mà CIA từng triển khai trong lịch sử, bắt đầu bằng khoản tiền 695.000 USD trong năm 1979, tăng lên 20-30 triệu USD vào năm 1980 và 630 triệu USD trong năm 1987.
Sau khi Liên Xô tan rã, các thế lực ở Afghanistan không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực, và Taliban trỗi dậy, thành công nắm quyền vào năm 1996.

Trực thăng Nga ở Afghanistan

AFP/Getty

Ngày 11.9.2001, Mỹ bị tấn công khủng bố. Chính quyền Washington cáo buộc Taliban chứa chấp tổ chức Al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden. Đến tháng 10.2001, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đánh bật Taliban khỏi Afghanistan, mở màn cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm. Trong thời gian này, Mỹ tiếp tục chi nhiều tỉ USD để huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân chính phủ chống trả Taliban.

Cuộc chiến Afghanistan qua những con số tổn thất

Hãng tin AP dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho hay quân đội Mỹ trước đây thường mua vũ khí, khí tài do Nga sản xuất cho quân đội Afghanistan, chẳng hạn như trực thăng Mi-7. Một phần lý do là phía Afghanistan quen thuộc với vũ khí Nga hơn. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân, Taliban một lần nữa triển khai chiến dịch quân sự và chỉ mất một tháng để tiến vào thủ đô Kabul.
Dù ai nắm quyền, sự can dự của Mỹ và Nga tại Afghanistan sẽ không vì thế mà gián đoạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.