E ngại nảy sinh mua bán chứng chỉ lao động qua đào tạo

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
27/07/2020 08:33 GMT+7

Dự thảo thông tư danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo của Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lộ trình về nhóm ngành nghề bắt buộc phải qua đào tạo mới được tuyển dụng , đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

 

Mất 15 - 20 năm mới đào tạo hết

“Nếu người lao động không được đào tạo bài bản đã đưa vào làm việc ngay sẽ có trình độ kỹ năng nghề rất hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) nói riêng, của cả nền kinh tế nói chung còn chưa cao, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, người lao động không được bảo vệ thỏa đáng do không có chứng nhận, công nhận về trình độ và những rủi ro về an toàn lao động, bị trả lương thấp, bị sa thải bất cứ lúc nào khi DN thay đổi công nghệ... Vì vậy việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo có lợi cho cả DN và người lao động”, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhìn nhận.
Nhiều ý kiến đồng ý đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo, thị trường lao động Việt Nam thừa lao động không có kỹ năng nhưng lại thiếu lao động kỹ năng, nhiều DN nhỏ và vừa, ngay cả nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuyển lao động phổ thông về đào tạo trong thời gian ngắn cho các công việc giản đơn và trả lương rẻ mạt.
“Nhưng vì chưa có chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật nên dù có việc làm thì năng suất lao động thấp, điều kiện làm việc nặng nhọc, rủi ro cao khi công nghệ thay đổi và làm sức cạnh tranh của DN yếu”, tiến sĩ Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, quy định này là một thách thức lớn đối với hệ thống các trường nghề cũng như cho chính DN. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh phân tích: “Hiện nước ta có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có đến 76% chưa qua đào tạo. Trong khi đó, về mặt số lượng, mỗi năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp đào tạo các hệ sơ cấp, trung cấp và CĐ là trên 2 triệu người, chưa kể số lượng lao động do DN đào tạo. Với quy mô như hiện tại, để đào tạo hết số chưa có chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật vào khoảng trên 40 triệu lao động, thì phải mất khoảng 15 - 20 năm. Đó là chưa kể về mặt chất lượng, để đạt được tiêu chuẩn kỹ năng nghề thì thách thức còn lớn hơn nữa”.
Tiến sĩ Vinh cho rằng phải tính toán khả năng chung về chất lượng lẫn số lượng chứ không thể ép DN, chưa kể nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở trong việc mua bán chứng chỉ.

Chỉ nên bắt buộc ở một số ngành nghề ?

Ông Ngô Vũ Tấn Khanh, Tổng giám đốc Công ty Kaspersky Lav Việt Nam, cho rằng quy định này hướng DN vào một hướng đi đúng đắn, có lợi cho sự phát triển lâu dài của DN, nghĩa là phải sử dụng lao động có đào tạo bài bản để tăng hiệu quả cũng như năng lực cạnh tranh, nhưng việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Khanh lý giải: “Mỗi DN có yêu cầu khác nhau, quy trình tuyển dụng cũng khác nhau, nên DN cũng nên được tự chủ trong việc tuyển dụng theo đúng vị trí việc làm và yêu cầu của công việc. Nhất là những DN lớn, có nhiều bộ phận ngành nghề, có nhiều vị trí công việc khác nhau. Nhà trường đào tạo phải đáp ứng được yêu cầu thì chúng tôi mới nhận, chứ không phải cứ có chứng chỉ hay bằng tốt nghiệp rồi là DN có thể sử dụng. Rõ ràng lâu nay vẫn có độ vênh giữa đào tạo tại các trường ĐH, trường nghề với thực tế DN”.
Ông Ngô Vũ Tấn Khanh cho rằng để giải quyết khó khăn này, không còn cách nào khác là DN với các đơn vị đào tạo phải tăng cường hợp tác với nhau. “DN phải đặt hàng nhà trường đào tạođúng với cái DN cần, tuy nhiên các trường cũng phải đào tạo có chất lượng, ra làm việc được ngay mà không phải mất nhiều thời gian đào tạo bổ sung”, ông Tấn Khanh nêu quan điểm.

Lộ trình thực hiện

Dự thảo thông tư này đưa ra lộ trình cho 3 danh mục nghề nghiệp mà người lao động bắt buộc phải qua đào tạo mới được DN tuyển dụng. Theo đó, 68 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2022; 90 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được áp dụng từ ngày 1.1.2023. Đối với những ngành nghề còn lại sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1.1.2024.
 
Đại diện một DN có mặt tại buổi hội thảo về kết nối trường nghề - DN mới đây tại TP.HCM còn đặt vấn đề: “Tôi lại cho rằng chỉ nên quy định một số ngành nghề cần thiết để tránh trói buộc DN, vì có những công việc mà DN vẫn muốn chính mình tuyển dụng và đào tạo theo nhu cầu của mình. Tránh trường hợp lao động qua đào tạo thì không được tuyển dụng, hoặc tuyển dụng thì không dùng được phải đào tạo lại”.
Theo vị giám đốc này, nếu có luật quy định thì DN bắt buộc phải làm theo, nhưng lúc đó phải quy định cụ thể quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên. Ví dụ trường ĐH, trường nghề đào tạo không đáp ứng nhu cầu của DN mà để người học bị thất nghiệp, hoặc DN không tuyển dụng được người đáp ứng nhu cầu thì phía các trường có chịu trách nhiệm hay không, có đền bù chi phí, cơ hội, tuổi xuân của người lao động, có đền bù thiệt hại sản xuất của DN do không tuyển dụng được hay không?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất chỉ nên bắt buộc ở các ngành nghề nặng nhọc cần an toàn lao động như xây dựng, làm việc trong hầm mỏ… hay một số lĩnh vực dịch vụ liên quan đến sức khỏe, an toàn vệ sinh như y tế, du lịch, thực phẩm…; còn những công việc đơn giản, cần số lượng lớn thì nên để DN chủ động. “Hơn nữa, cần có sự đồng thuận của người sử dụng lao động và không trái với các luật khác mới có thể đảm bảo tính khả thi”, tiến sĩ Vinh nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.