Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố thông tin về cha mẹ của Nam Phương hoàng hậu, đó là ông bà Marie Lê Thị Bình và Pierre Nguyễn Hữu Hào. Năm 1913, ông bà sinh ra Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào - sau này trở thành Nam Phương hoàng hậu. Bà Nam Phương còn có tên VN Nguyễn Hữu Thị Lan và tên thánh là Marie Thérèse. Chi tiết này đã lý giải cho việc dưới các thư viết cho Bảo Đại, bà chỉ ký Mariette hoặc Thérèse.
CHUYỆN CHỒNG VÀ "MẸ CHỒNG, NÀNG DÂU"
Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương Pasquier và vợ chồng Khâm sứ Trung kỳ Jean FranVois Charles dàn xếp cho vua Bảo Đại gặp Jeanne Mariette xinh đẹp trong một bữa tiệc tại khách sạn Langbian (Đà Lạt). Sau này Bảo Đại từng kể lại giây phút "định mệnh" ấy như sau: "Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy tôi đã chọn một từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng" (hồi ký Le Dragon d'Annam, NXB Plon, Pháp, 1980, bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân).
Thư viết ngày 15.8.1951, bà kể lại chuyện không vui với mẹ chồng Từ Cung: "Mẫu hậu vừa viết thư gửi cho em một lá thư dài, trách móc về tội em đã công bố trích ngang tờ giấy chứng nhận kết hôn và những tờ khai sinh của các con và nói em phải hiểu rằng "cuộc hôn nhân của vua chúa không phải như của thường dân, chỉ cần khai báo trong hoàng tộc là đủ rồi". Và rằng em là một hoàng hậu và đã sinh ra một thái tử nối dõi tông đường. Mẫu hậu nói như vậy là không hợp thời".
Chi tiết này phần nào cho thấy quan niệm về công nhận kết hôn của vua chúa dưới triều Nguyễn. Vốn là người Tây học, bà Nam Phương không thuận tình bởi sự thừa nhận ấy có tính chất nội bộ hơn là về pháp lý được nhà nước công nhận, bà trình bày thẳng thắn với cựu hoàng Bảo Đại: "Em thấy cần phải nói thẳng với Mình là, em muốn có một bản trích lục từ sổ sách của Tôn Nhơn phủ xác nhận ngày chúng ta kết hôn, trên văn bản đặc biệt này có chữ ký và dấu đóng của Chủ tịch Hội đồng Tôn Nhơn phủ và của Khâm sứ Trung kỳ".
Ngày Bảo Đại về nước tham gia chính trị, thư khác bà viết: "Các con rất buồn vì không được báo trước khi nào máy bay của Mình ngang qua bầu trời trên mái nhà của bọn mình. Nhưng khi Bambinette (tức công chúa Phương Liên) tình cờ nhìn qua cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay. Em thấy con vừa khóc vừa quay mặt vào nhà. Cả hai mẹ con đều chung nỗi buồn nặng trĩu… Em hôn Mình với tất cả trái tim và giây phút nào cũng cầu nguyện cho Mình bằng tất cả tình cảm mặn nồng của em… Em chỉ sống vì Mình và các con mà thôi" (thư ngày 26.4.1949). "Về phía Mình thì đã có trọn vẹn tình yêu nồng thắm của em, do vậy em nghĩ không cần phải hứa hẹn với Mình điều gì cả. Tất cả cuộc đời em thuộc về Mình…" (thư ngày 3.5.1949).
Những gì diễn ra trong thời gian xa cách, bà đều kể lại chi tiết bằng ngữ điệu tâm tình nhẹ nhàng: "Hôm Mình ra đi, một tờ báo ở Paris có đăng bài nói về em, nói em đã thật sự là một trong những "Hoàng hậu xứ Cannes"… Bài báo này còn viết: "Hoàng hậu thích mặc đồ màu trắng và màu xanh nước biển, chồng của hoàng hậu là ông vua hộp đêm. Hoàng hậu rất mê đồ nữ trang và các công trình nghệ thuật…". Thật là đáng buồn về những câu chuyện kiểu ngồi lê đôi mách ấy" (thư ngày 13.5.1949).
Trong công việc của Bảo Đại, bà đều tỏ ra có sự quan tâm và tin cậy: "Em mong bên đó không quá nóng và Mình có thể chịu đựng được. Bao giờ Mình xuống Sài Gòn? Khi nào rời Đà Lạt, xin Mình hãy vì em mà đặt bông hoa lên mộ ba em và cho người tổ chức một lễ cầu nguyện cho vong linh của ba em. Em ở xa quá không lo liệu được việc này" (thư ngày 30.5.1949).
"Em nghĩ mình đang trải qua một chặng đường dài vô tận. Biết đến bao giờ em mới thấy được cảnh lưu đày này và sự xa cách của chúng ta chấm dứt?" (thư ngày 19.10.1951).
Được biết, bố vợ của Bảo Đại là Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, mất ngày 13.9.1937 được an táng gần thác Cam Ly. Lăng của ông nay hầu như còn nguyên vẹn và đang trở thành điểm "check in" lý tưởng của khách du lịch khi lên Đà Lạt.
(còn tiếp)
Bình luận (0)