EU đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã trở lại từ ngày 13.8 và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
“Điều quan trọng là tất cả các bên trong khu vực tự kiềm chế, có những bước đi vững chắc hướng tới quay lại hiện trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS)”, một phát ngôn viên của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) kêu gọi trong thông cáo đăng trên website của cơ quan này ngày 28.8.
“Các bên liên quan cũng có thể nhờ bên thứ 3 hỗ trợ theo hình thức làm trung gian hoặc phân xử để hỗ trợ giải quyết các tuyên bố của họ, nếu điều đó hữu ích”, EEAS gợi ý.
“EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn đầu để thúc đẩy trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp, đẩy mạnh hợp tác đa phương cũng như thắt chặt hợp tác gần gũi hơn với các bên thứ 3. Chúng tôi mong muốn có một kết luận nhanh chóng, minh bạch về cuộc đàm phán cho ra Bộ Quy tắc ứng xử [ở Biển Đông] mang tính ràng buộc pháp lý, bền vững và có hiệu quả”, người phát ngôn viên nhấn mạnh trong thông cáo.
Trong thông cáo, EEAS còn cho hay EU quyết tâm duy trì trật tự hợp pháp đối với các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do đi lại vì lợi ích của tất cả quốc gia.
Bình luận (0)