F0 hơn 1.000 ca/ngày: Người Sài Gòn đi cà phê gặp gỡ nhau, có sợ không?

30/11/2021 13:31 GMT+7

TP.HCM vẫn đang trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 với khoảng 1.000 ca nhiễm mỗi ngày. Hàng quán mở cửa, người dân dần quay lại thói quen đi cà phê làm việc, gặp gỡ bạn bè trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch.

Suốt nhiều ngày liền, TP.HCM ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Mỗi khi phát hiện F0, cả con hẻm hoặc tòa nhà không phải lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa nữa, mà chỉ có một sợi dây giăng trước nhà và 1 tấm bảng đỏ “Gia đình có F0 đang điều trị, cách ly tại nhà”.

Vài hôm trước, đi ngang một gia đình có tấm bảng này trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Thoạt nhìn, tôi hơi giật mình. Nhưng để ý lại, hai bên hàng xóm vẫn sinh hoạt, buôn bán bình thường, ai nấy đeo khẩu trang và cuộc sống không có gì xáo trộn. Mới đây, tôi cũng gặp một gia đình bị kẹp giữa 2 nhà có F0 đang điều trị tại nhà. Mọi người cười: “Tiêm cả rồi, giờ chỉ đeo khẩu trang chờ họ ổn thôi chứ sao”.

Số ca F0 ở TP.HCM trong 7 ngày qua. Hôm qua 29.11, có 1554 ca F0 và 51 ca tử vong. Trong vòng 7 ngày, TP.HCM có tổng cộng 13.344 F0 và 333 ca tử vong

Nguồn: PC Covid-19

Cách đây vài ngày, tôi gặp tiếp một nhà có dán bảng đỏ trên đường Nguyễn Xí, phía trước, 2 xe bánh mì vẫn bán buôn như ngày thường.

Nhiều người chọn quán cà phê là nơi làm việc, gặp gỡ bạn bè

vũ phượng

Tự thay đổi tâm lý để thoát khỏi "ám ảnh" Covid

Hơn 1 tuần sau khi hàng quán mở cửa đón khách, chị Hoàng Uyên (30 tuổi, nhân viên truyền thông) mới quay trở lại quán cà phê quen thuộc, gọi một ly nước ngồi làm việc.

Trong không gian máy lạnh rộng chừng 200m2, các bàn ghế vẫn được sắp xếp như cũ nhưng trên các bàn xen kẽ có dán chữ “Vui lòng không ngồi ở bàn này”.

Chị Uyên nhận xét: “Khu vực cửa quán để chai nước xịt khuẩn, khách trước khi vào quán có thể rửa tay hoặc không, sau đó quét mã khai báo y tế là có thể tới quầy gọi nước. Ngồi trong quán có khách đeo khẩu trang, khách không nhưng nhân viên phục vụ ai cũng đeo. Nếu nhân viên thu ngân xịt tiền trước khi nhận và thối cho khách thì sẽ yên tâm hơn nữa”.

Khách tự chủ động ngồi giãn cách trong quán cà phê

vũ phượng

Ngày chưa có dịch, những quán cà phê máy lạnh theo chuỗi là không gian làm việc, gặp mặt lý tưởng của người trẻ, các nhóm bạn sinh viên. Sau dịch, theo ghi nhận vào ngày thường các quán này không quá đông đúc. Đến giờ cao điểm trưa, nhiều bàn còn trống chỗ, một số khách cẩn thận tự xịt cồn lên tiền trước khi cất vào ví, suốt quá trình uống cà phê cũng để chai xịt khuẩn trên bàn. Ở khu vực bàn chung có để một miếng vách ngăn trong suốt cao khoảng 50cm để hạn chế tiếp xúc giữa những người không quen biết.

Thời gian đầu hàng quán vừa mở cửa, chị Uyên vẫn lo sợ, nhưng ngồi mãi trong nhà bí bách, chị muốn đổi không gian để có thêm sự sáng tạo cho công việc. “Sợ thì vẫn sợ nhưng tôi chủ động 5K, phần khác vì thấy tỷ lệ phủ vắc xin ở TP.HCM cũng rất cao rồi nên tôi yên tâm hơn, dần dà tìm cách quay trở lại với cuộc sống thường ngày”, chị chia sẻ.

Bàn ghế vẫn bày biện như cũ, nhưng có những bàn xen kẽ dán bảng "Vui lòng không ngồi ở bàn này" để bảo đảm khoảng cách

vũ phượng

Cũng chọn quán cà phê máy lạnh của một thương hiệu lớn có thể mở máy tính làm việc, anh Nguyễn Kiều Linh (22 tuổi, sinh viên) thường hẹn bạn bè đến gặp gỡ sau chuỗi ngày dài xa cách vì dịch.

Anh giải thích: “Ở nhà tôi thường không tập trung được, việc này việc kia chi phối nên bài vở làm hoài không xong. Khi mang máy ra quán cà phê, vừa làm vừa có bạn nói chuyện, ai cũng giải quyết được việc cần làm mà cảm giác thoải mái hơn”.

Dù vậy, anh Linh thừa nhận, anh có thể thoải mái đi cà phê cùng bạn bè như vậy vì hiểu rõ dịch tễ của nhau. Mặt khác, ở nơi công cộng phần đông cũng được tiêm vắc xin hết nên nhóm chủ động xịt khuẩn, giữ khoảng cách với khách bàn bên.

Trong quán cà phê, khách cũng chủ động đeo khẩu trang

vũ phượng

Chị Trần Hương Thanh (25 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cũng thường mang máy tính ra quán cà phê học online và đăng bài bán hàng. “Sau 4 tháng chỉ ở yên trong nhà, thời gian đầu hàng quán mở cửa tôi ngại ra ngoài. Nhưng dần dà thấy nhiều người vẫn đi, vẫn an toàn nên mình cũng phải tự thay đổi tâm lý, hòa nhập với cuộc sống trong điều kiện bình thường mới”, chị Hương nói.

Nếu không kỹ, có thể là F0 bất cứ lúc nào

Thời điểm vừa xuất hiện lác đác vài ca Covid-19 tại TP.HCM, các bản tin tìm người đến quán này, quán kia khiến anh Vũ Duy Hòa (26 tuổi, nhân viên phục vụ) thót tim lo sợ, chẳng biết khi nào gọi đến tên quán mình. Sau đó, hàng quán nghỉ bán, anh Hòa tạm thất nghiệp nhưng chọn cách ở yên tại phòng trọ, không về quê vì ngại cách ly.

Người Sài Gòn trong nhịp sống bình thường mới

vũ phượng

Ngày 28.10, hàng quán được bán tại chỗ, anh được quán gọi đi làm lại. Vừa có lương, vừa được quay trở lại với công việc yêu thích, anh mừng rỡ báo tin về cho gia đình. Anh nhớ lại: “Ngược hẳn với tâm trạng của tôi, gia đình ở quê thở dài: “Còn dịch này mà bán buôn cái gì”. Tôi phải giải thích người dân TP.HCM tiêm vắc xin gần hết rồi và những quy định trong làm việc để phòng dịch ra sao, người nhà mới dần nguôi”.

Để bảo vệ mình, suốt ca làm việc 8 tiếng, anh đeo khẩu trang liên tục, chỉ bỏ ra khi ăn trưa, uống nước và thỉnh thoảng xịt khuẩn. Anh cho rằng, đã chấp nhận công việc tiếp xúc với nhiều người này thì cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lý có thể là F0 bất kỳ lúc nào. Anh dành thời gian rảnh buổi tối tập thể thao, bổ sung vitamin C mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.

“Giờ gặp nhau người ta hỏi nhiễm chưa chứ đâu hỏi khỏe không đâu ha. Ai cũng tiêm rồi, có kinh nghiệm qua đợt giãn cách dai dẳng rồi, tự biết cách mà giữ cho mình thôi, chứ sợ thì sao bán quán, sao kiếm tiền được”.

Bà Nguyễn Thị Như

“Nếu cứ lo và ở nhà không đi làm thì tiền đâu để sống. Mà đã đi làm thì không thể để tâm lý lo sợ, hồi hộp nên tôi quyết định phải thay đổi, tìm cách thích nghi. Tinh thần tốt, sức khỏe cũng tốt hơn”, anh bộc bạch.

Cà phê vỉa hè khách cũng chủ động ngồi xa nhau. Quán không quá đông đúc như trước dịch

vũ phượng

Lâu ngày gặp lại khách cũ, bà Nguyễn Thị Như (chủ quán cà phê vỉa hè đường Bình Quới, P.27, Q.Bình Thạnh) đeo khẩu trang kín mít, hồ hởi chào: “Dịch ghê quá ha, nhưng còn khỏe còn gặp nhau là mừng rồi. Ngồi đi em”. Bàn ghế tối giản, bà Như bày các bàn cách nhau một khoảng rộng, đặt thêm chai nước xịt cồn trên ghế để khách chủ động sử dụng trước và sau khi rời quán.

Hỏi có sợ dịch không, bà chủ quán cười: “Giờ gặp nhau người ta hỏi nhiễm chưa chứ đâu hỏi khỏe không đâu ha. Ai cũng tiêm rồi, có kinh nghiệm qua đợt giãn cách dai dẳng rồi, tự biết cách mà giữ cho mình thôi, chứ sợ thì sao bán quán, sao kiếm tiền được”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.