FLC lỗ hơn 1.000 tỉ đồng, cổ phiếu có còn giảm nữa?

Mai Phương
Mai Phương
01/08/2022 11:48 GMT+7

Tập đoàn FLC đã công bố Báo cáo tài chính quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm nay với số lỗ tăng cao trong kỳ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Tập đoàn FLC vừa công bố cho thấy bị thua lỗ gần 636 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 47 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, FLC bị lỗ hơn 1.100 tỉ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2021 có lãi hơn 96 tỉ đồng. FLC lỗ nặng trong quý 2/2022 là do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỉ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh chỉ còn bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái với 65,6 tỉ đồng.

Tập đoàn FLC lỗ hơn 1.100 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm

FLC

Doanh thu của FLC trong 6 tháng đầu nay giảm mạnh khi chỉ đạt hơn 1.661 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, FLC cũng phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán hơn 134,4 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục đầu tư hiện tại của FLC chủ yếu gồm 3 công ty trong hệ sinh thái là AMD, HAI và KLF với giá trị gốc hơn 174 tỉ đồng nhưng giá trị hợp lý hiện chỉ ghi nhận còn 39,7 tỉ đồng do các cổ phiếu này cũng lao dốc không phanh.

Tính đến hết ngày 30.6, FLC còn có tổng nợ phải trả 27.570 tỉ đồng, tăng khoảng 3.500 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Vốn chủ sở hữu giảm khoảng 1.000 tỉ đồng do kết quả kinh doanh thua lỗ trong kỳ. Khối nợ lớn hơn trước trong khi vốn chủ sở hữu giảm xuống dẫn tới tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn tăng lên mức 76%, còn tỷ lệ vốn chủ/tổng tài sản giảm còn 24%.

Hiện tại, chủ nợ của FLC ngoài các ngân hàng quen thuộc như Sacombank, BIDV, OCB… còn có một cái tên mới là ông Lê Thái Sâm, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2.7 vừa qua. Trong các tháng 4, 5 và 6, ông Sâm đã ký 4 hợp đồng cho Tập đoàn FLC vay tín chấp (không tài sản bảo đảm) tổng cộng 870 tỉ đồng với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7%/năm.

Kể từ cuối tháng 3 đến nay sau khi ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC bị bắt vì tội làm giá chứng khoán, cổ phiếu FLC liên tục đi xuống và hiện chỉ còn 5.430 đồng/cổ phiếu, giảm gần 80% so với giá cao gần 24.000 đồng vào đầu năm nay. Thậm chí vào giữa tháng 6, cổ phiếu FLC đã giảm mạnh dưới 4.000 đồng. Nhưng sau đó nhiều nhà đầu tư lao vào bắt đáy khiến cổ phiếu này hồi phục. Nhưng với việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và hạn chế giao dịch từ đầu tháng 7 và cộng thêm khoản lỗ lớn hiện nay thì giá cổ phiếu FLC được nhiều nhà đầu tư cho rằng sẽ tiếp tục lình xình ở mức thấp như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.