Gã thợ may - kịch kinh dị hài cần hơn sự ước lệ

Hoàng Kim
Hoàng Kim
29/05/2024 07:28 GMT+7

Gã thợ may (tác giả và đạo diễn Đinh Mạnh Phúc) là vở kịch kinh dị hài vừa được bà bầu Hồng Vân dựng mới, diễn cùng hàng loạt vở kịch kinh dị ăn khách trước kia như Người vợ ma, Quả tim máu, Ngôi nhà hoang… Phong cách kinh dị pha hài đem lại nhiều tiếng cười, tuy nhiên vẫn còn những chi tiết gây băn khoăn.

Vở Gã thợ may nêu lên chủ đề về luật nhân quả, khuyên con người đừng chạy theo lòng tham mà gây tội ác vì trước sau cũng phải đền trả. Điểm cộng của vở diễn thuộc về dàn diễn viên, ngoài Hoàng Sơn là cây hài lão thành, còn lại đều là những gương mặt trẻ như Hoàng Hải, Lê Nam, Võ Đăng Khoa, Thái Sơn đã gây được rất nhiều tiếng cười cho vở diễn. Họ tương tác với nhau trong những lớp hài đúng như chủ trương của sân khấu. Ngoài ra, những diễn viên khác như Hoàng Mèo, Hoàng Yến, Đinh Mạnh Phúc, Hồng Nhung, Khôi Nguyên cũng đảm nhận tròn trịa nhân vật của mình trong những tình huống rùng rợn, đau đớn. Một điểm cũng cần ghi nhận là về trang phục, vì lấy bối cảnh làng người Chăm nên các nhân vật xuất hiện với những bộ trang phục dân tộc rất đẹp, khiến khán giả trầm trồ.

Gã thợ may - kịch kinh dị hài cần hơn sự ước lệ- Ảnh 1.

Hoàng Sơn vai ông Bảy, Hoàng Yến vai Trinh trong vở Gã thợ may

H.K

Tuy nhiên, điểm trừ của kịch bản đầu tiên phải kể đến cảnh bạo lực, liệu có cần thiết phải dàn dựng cụ thể đến đáng sợ mới ra chất kinh dị? Những cảnh máu me, ám ảnh hay hàng loạt mũi chông sắt nhọn đưa lên khiến người xem trực quan không khỏi rùng mình. Mục đích để diễn tả tội ác nhưng sân khấu có thể làm ước lệ thay vì tả thực. Ngoài ra vẫn có những chi tiết bị "hở", như chi tiết chiếc khăn - cũng chính là 3 mảnh bản đồ chôn giấu kho báu của bọn đào mồ trộm mộ, tại sao phải đem tới thợ may mới được? Đã là bản đồ kho báu thì người ta phải giấu rất kỹ, và nếu muốn xem cứ trải ra ráp lại mà xem, không cần thiết phải có thợ may, dễ lộ bí mật. Và khi nhân vật Nhung ăn cắp chiếc khăn đó, bọn cướp bắt cô đã dám giết vợ chồng gã thợ may nhưng vẫn để cô sống, còn chia của cho cô…

Gã thợ may - kịch kinh dị hài cần hơn sự ước lệ- Ảnh 2.

Lê Nam vai Nhị ca gây cười rất duyên, và Hồng Nhung vai Nhung

H.K

Nhìn chung, kịch kinh dị vẫn là mảng hấp dẫn những khán giả thích cảm giác mạnh, tuy nhiên tính logic và tính bạo lực cần được lưu ý để thực sự chinh phục người xem.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.