Gần tết làng rèn trăm tuổi như 'hồi sinh', đơn hàng làm không kịp giao

Phạm Đức
Phạm Đức
05/01/2023 13:50 GMT+7

Cứ đến gần Tết Nguyên đán là làng rèn truyền thống Trung Lương (P.Trung Lương, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh ) lại đỏ lửa cả ngày lẫn đêm để làm hàng phục vụ thị trường tết.

Những ngày cuối năm Nhâm Dần, nếu ai có dịp ghé qua làng rèn Trung Lương, sẽ nghe thấy tiếng búa, tiếng đe văng vẳng dồn dập bên tai. Làng quê có truyền thống biến các thanh sắt thép vô tri trở thành vật dụng có ích cho các gia đình này hiện đã trải qua hàng trăm năm tuổi.

Làng rèn Trung Lương

Phạm đỨC

Càng gần đến Tết Nguyên đán 2023, không khí ở làng rèn Trung Lương lại trở nên nhộn nhịp. Dù cho nghề truyền thống này mỗi ngày một mai một, không còn đông số hộ dân theo nghiệp như ngày xưa, nhưng vẫn còn nhiều gia đình đang cố bám trụ để giữ được ngọn “lửa nghề”.

Cận tết, có nhiều đơn đặt hàng nên tiếng búa, tiếng đe mới “thức giấc” sau nhiều ngày tháng nằm im lìm cạnh bên lò nung lạnh tanh.

Vẫn còn nhiều gia đình ở làng rèn Trung Lương bám trụ với nghề

Phạm đức

Nhiều thợ rèn ở đây cho hay, việc làm ra các con dao và các vật dụng khác bây giờ không còn là nghề tạo ra thu nhập chính của các hộ gia đình vì do không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp đa dạng về mẫu mã và giá rẻ hơn. Chính vì nguyên nhân này mà nhiều hộ dân đành phải bỏ nghề, các hộ còn lại cũng tranh thủ thời gian nông nhàn rảnh rỗi sau các vụ lúa. Cũng vì cái nghề nặng nhọc, thu nhập không đáng kể nên thế hệ trẻ sau này cũng chẳng mấy ai mặn mà.

Đã gắn bó với nghề suốt 30 năm qua, ông Trương Hữu Bình (54 tuổi) nói rằng làng rèn dù trải qua bao thăng trầm nhưng đến nay vẫn chưa hết tắt lửa, còn đó những người lớn tuổi như ông luôn miệt mài mưu sinh bên lò nung rực cháy.

“Nghề này bây giờ chủ yếu làm thời vụ, không còn xuyên suốt từng ngày như lúc xưa. Nhưng cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán thì đơn đặt hàng nhiều hơn, vì vậy mà các thợ rèn cũng đỏ lửa trở lại để kiếm thêm thu nhập. Như gia đình tôi dịp tết năm nay, khách hàng đặt cả ngàn con dao nhưng hai vợ chồng vẫn làm không kịp. Trung bình ngày làm từ sáng sớm đến tối cũng chỉ làm ra được khoảng 15 con dao, thu nhập chỉ khoảng 300.000 đồng”, ông Bình tâm sự.

Một góc làm việc của thợ rèn

PHẠM ĐỨC

Cạnh đó, vợ chồng ông Nguyễn Quỳnh Vinh (51 tuổi) cũng đang chăm chú hoàn thành công đoạn cuối cùng là gọt dũa các lưỡi dao để kịp bàn giao hàng cho khách đã đặt từ trước.

Ông Vinh cho biết việc tạo ra một con dao bằng thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn. Do vậy, người thợ thường phải thức dậy từ sáng sớm để bắt đầu công việc và thường kết thúc muộn hơn so với các nghề tay chân khác. Sắt thép sau khi được cắt thành các mảng miếng thì sẽ được cho vào lò tôi đốt, sau đó mới đưa vào máy đập dập để tạo phôi.

“Muốn tạo ra các con dao tốt thì những công đoạn phía sau phụ thuộc vào tay nghề của người thợ. Mỗi gia đình cũng đều có bí kíp riêng nhưng cơ bản các sản phẩm làm ra chất lượng cũng tương tự như nhau. Dịp gần Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây đều có nhiều hơn các đơn đặt hàng so ngày thường. Đây cũng là dịp mà người dân có thêm thu nhập, dù chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra”, ông Vinh nói.

Sắt thép sau khi được cắt thành từng đoạn ngắn thì được đưa vào đốt trong lò than

PHẠM ĐỨC

Những đoạn sắt thép bị nướng đỏ hồng được thợ rèn đưa vào máy đập dập để tạo phôi dao

PHẠM ĐỨC

Sau rất nhiều công đoạn, người thợ cũng đã tạo ra được hình dáng lưỡi dao

PHẠM ĐỨC

Rất nhiều lần, các lưỡi dao được đưa vào tôi luyện trong lò than để tạo độ cứng

PHẠM ĐỨC

Mài lưỡi dao là công đoạn cuối cùng

PHẠM ĐỨC

Gần đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, làng rèn Trung Lương có nhiều khách hàng đến đặt mua dao

PHẠM ĐỨC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.