Làng đúc đồng trăm năm tuổi hối hả vào mùa tết, lò đỏ lửa xuyên đêm

26/12/2022 11:15 GMT+7

Mỗi dịp cận kề tết, làng đúc đồng Phú Lộc (H.Diên Khánh, Khánh Hòa ) lại hối hả, rộn ràng, khắp nơi lò nấu đồng đều đỏ lửa.

Làng nghề trăm tuổi vẫn "sống được" với nghề

Nằm nép mình bên dòng sông Cái hiền hòa, bên những lũy tre, hàng dừa soi bóng, làng nghề đúc đồng Phú Lộc (H.Diên Khánh, Khánh Hòa) hiện lên như một câu chuyện cổ tích giữa cuộc sống hiện đại ngày nay. Nơi đây không chỉ là một điểm du lịch khám phá mà còn lưu giữ nhiều giá trị về văn hoá truyền thống qua bao thăng trầm của thời gian.

Người thợ đốt lò

T.V

Không ai còn nhớ rõ làng nghề đúc đồng Phú Lộc ra đời chính xác năm nào, nhưng theo các cụ lớn tuổi thì đây là làng nghề đã có từ hơn 100 năm nay. Toàn bộ các công đoạn sản xuất như đúc khuôn, nấu đồng, đổ đồng và hoàn thiện được thực hiện thủ công qua những bàn tay khéo léo của người thợ.

Nghệ nhân Biện Cư (73 tuổi) cho biết để có một sản phẩm hoàn thiện, người thợ đúc đồng phải thực hiện các công đoạn gồm: làm khuôn đúc, nấu đồng và rót đồng vào khuôn. Nguyên liệu làm khuôn là đất sét, giấy bản, vôi... có khi trộn thêm gạch chịu lửa đã được nghiền kỹ.

Nấu đồng cũng là việc rất cần sự kỹ lưỡng, phải xem nước đồng đã chảy đều chưa, vừa độ chưa và tính toán sao cho nấu vừa đủ để đúc sản phẩm, không thừa không thiếu.

Khi rót đồng vào khuôn, người thợ phải chú ý rót liên tục, không ngừng tay, không cho mồ hôi hay bất cứ thứ gì rơi vào, có như thế, sản phẩm làm ra mới có độ bóng, không có tì vết hoặc những đường chắp nối. "Để có một nghệ nhân làm khuôn và nấu đồng lành nghề phải mất từ 4-6 năm đào tạo", ông Cư nói.

Công đoạn nặn khuôn

T.V

Thời hoàng kim, làng nghề đúc đồng Phú Lộc có hàng trăm hộ làm nghề, xe chở hàng ra vào tấp nập, âm thanh phát ra từ tiếng vỡ của đất nung rất nhộn nhịp. Hoàng kim là thế, nhưng sau đó do chiến tranh và nơi tiêu thụ hạn hẹp nên một số gia đình sống bằng nghề chuyên đúc đồng phải chuyển sang nghề khác.

Thời gian gần đây, nghề đúc đồng đã phát triển trở lại. Hiện nay, ngoài các sản phẩm như chân đèn, lư hương... làng nghề Phú Lộc đã sản xuất rất nhiều sản phẩm mang tính nghệ thuật cao để phục vụ khách du lịch.

"Cả năm làm lai rai, còn vụ chính vẫn là dịp tết. Bình thường chỉ làm 7-8 tiếng còn những vào mùa tết thì làm xuyên đêm để kịp cung cấp cho khách hàng. Tuy vất vả nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình", anh Trần Ngọc Lân (38 tuổi) nói.

Nghề đúc đồng Phú Lộc bận rộn nhất là những tháng gần Tết Nguyên đán

T.V

Phải đổi mới sản phẩm để hội nhập

Trước đây, làng nghề đúc đồng Phú Lộc hoạt động theo từng hộ nhỏ lẻ, nhưng theo xu thế tất yếu của thời cuộc, làng nghề dần được mở rộng thành các hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm đúc bằng đồng như lư hương, chân đèn thờ cúng.

Hiện nay, làng nghề còn 10 lò nấu đồng cùng với hơn 40 hộ gia đình theo nghiệp đúc đồng. Sản phẩm của làng nghề này không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp các tỉnh thành như: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, TP.HCM... Giá của các sản phẩm đúc đồng cũng khác nhau. Bộ chân đèn loại lớn giá 4,5 triệu đồng, loại trung 3,5 triệu đồng và loại nhỏ 2,5 triệu đồng...

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc là một làng nghề truyền thống lâu đời với những sản phẩm chất lượng cao và là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích văn hóa xưa.

Khi đến thăm quan làng nghề, du khách được chiêm ngưỡng quá trình chế tạo một sản phẩm bằng đồng được thực hiện qua nhiều công đoạn phức tạp và cầu kỳ.

Sản phẩm sau khi hoàn thiện

T.V

Hiện nay, trên thị trường có nhiều mẫu mã đẹp và giá rẻ hơn, làng đúc đồng Phú Lộc cũng phải cạnh tranh khó khăn hơn để tiêu thụ sản phẩm. Tuy thế, những người thợ của làng vẫn giữ cho mình bản sắc riêng từ cha ông truyền lại.

Ông Nguyễn Văn Nhường, Giám đốc hợp tác xã đúc đồng Phú Lộc, cho biết để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, làng nghề phải nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. "Rất nhiều khách hàng đã tin tưởng, hài lòng với các sản phẩm của làng đúc đồng Phú Lộc. Chúng tôi còn tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, thậm chí xuất khẩu đi nước ngoài", ông Nhường nói.

Ông Nguyễn Văn Gẩm, Chủ tịch UBND H.Diên Khánh, cho biết địa phương rất tự hào vì có làng nghề đúc đồng truyền thống hàng trăm năm tuổi. Để bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá cũng như hỗ trợ về vốn để thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề, để từ đó nâng cao giá trị, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc được vua Tự Đức (nhà Nguyễn) sắc phong công nhận làng nghề. Trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, các nghệ nhân của làng nghề đã dùng đôi bàn tay tài hoa để tạo ra những đồ đồng tinh xảo như ly hương, chân đèn, các đồ thờ tự, đồ dùng sinh hoạt đời thường… Những đồ vật này đã ghi dấu ấn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân Nha Trang và vùng duyên hải miền Trung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.