“Bảo Đại nhị niên, ngũ nguyệt, kiết nhật tường
Phong cửu phẩm Đội trưởng Dương Ngọc Thuyên
Làng Phước Kiều, An Nhơn tổng, Diên Phước huyện, Quảng Nam tỉnh”
Đó là nội dung trên bức trướng mừng Thọ quan của vua Bảo Đại tặng cho cụ đội trưởng Dương Ngọc Thuyên, nhân dịp cụ thượng thọ 100 tuổi, được treo tại nhà thờ phái 3 tộc Dương Ngọc tại làng đúc đồng Phước Kiều…
Từ bức trướng có giá trị lịch sử còn được lưu giữ này, chúng tôi thoáng nghĩ: Còn có thể biết được thêm bao điều cũ và mới của làng nghề có hơn 400 năm tuổi này, trong đó có những chi tiết liên quan đến dòng họ Dương và cồng chiêng Tây nguyên, mà nay được công nhận là một di sản văn hóa mang tên “Không gian văn hóa cồng chiêng”, còn có một hướng đi khác đang mang đến những giá trị khác cùng Phước Kiều…
Từ cái “duyên” với cồng chiêng…
“Cụ Dương Ngọc Thuyên là đời thứ 9, thuộc phái 3 của tộc Dương Ngọc làng Phước Kiều. Với tay nghề đúc đồng điêu luyện, cụ được mời ra kinh đô chỉ huy đúc các loại khí cụ và vật dụng cho triều đình…”, nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, gọi cụ bằng cố nội, kể. Từ truyền thống đúc đồng nhiều đời từ thời các chúa Nguyễn lập ra dinh trấn Thanh Chiêm, cụ cố Thuyên đã có cơ hội ra “Ái Tử chánh dinh” và giao tiếp với người Vân Kiều, Pa Kô ở Cam Lộ. Ngoài công việc của nhà Chúa giao, cụ đã nhận đúc các loại chiêng, giống thanh la của người Kinh, cho đồng bào các dân tộc thiểu số phía tây Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Đến đời ông nội của Tiển là Dương Ngọc Tiếp, và cha là Dương Ngọc Thám tiếp tục phát triển nghề này với các kỹ thuật đúc các bộ chiêng ba, chiêng túc cho người dân tộc H’Rê. Chiêng túc có âm vang xa là chiêng chính mà không phải ai cũng lấy được âm. “Mười người làm loại chiêng này ở Phước Kiều có thể đã thất bại đến 9 chỉ vì thiếu khả năng lấy âm, chỉnh âm”, Tiển nói. Từ chiêng túc, cụ Thám đã đến với các làng dân tộc Raglei, M’Nông, K’Hor ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây nguyên với các bộ vỗ nổi tiếng trước những năm 60 của thế kỷ trước…
Cái “duyên” và những bí quyết với cồng chiêng được Dương Ngọc Tiển kế nghiệp. Từ những năm 1982, Tiển mang chiêng truyền thống của gia đình đến các buôn làng Tây nguyên để đổi “bạc bà đầm”, loại tiền có trữ lượng bạc trên 90% cần thiết cho kỹ thuật đúc chiêng và sau đó thực hiện nhiều hợp đồng sản xuất. Từ khi chuyên sâu vào công việc đúc cồng chiêng, Tiển và các đồng sự trong cơ sở của anh đã chế tác trên 300 bộ (khoảng 2.000 cái) cồng chiêng cho Tây nguyên. Các bộ cồng chiêng mẫu của đồng bào Raglei trưng bày tại Khu di tích và danh thắng tỉnh Ninh Thuận, Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Đô tỉnh Bắc Ninh, các mẫu cồng chiêng sử dụng cho giảng dạy tại Trung tâm văn hóa - thông tin các huyện thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Đắk Nông, và bộ cồng chiêng M’Nông được lưu trữ tại Phòng trưng bày di sản phi vật thể của Viện Văn hóa - nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL).
Trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên”, Dương Ngọc Tiển cho biết 2/3 khí cụ đều được sản xuất tại làng đúc Phước Kiều. Anh cũng soạn tài liệu Quy trình chế tác cồng chiêng nhằm góp phần bảo tồn nghề đúc cồng chiêng cho làng nghề và từ sau năm 2005 đến nay, làng Phước Kiều đã có các hợp đồng chế tác cồng chiêng cho các “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cồng chiêng Tây nguyên”…
Công đoạn nấu và rót đồng |
Đến chuông, tượng...
Nguy cơ mai một của làng đúc đồng Phước Kiều đã hiển hiện do đầu ra ngày mỗi ít. Cả làng chỉ còn năm bảy hộ giữ được lò và sản xuất cầm chừng. Các nghệ nhân lớn tuổi sức khỏe kém dần, thợ trẻ chưa dám nhận những hợp đồng phức tạp. Làng nghề có các điểm bán hàng, nhưng đa số là sản phẩm của nơi khác đưa về. Ngay đến truyền thống đúc cồng chiêng, cả làng chỉ còn 4 nghệ nhân có năng lực, nhưng đã có 2 người trên 75 tuổi và lớp kế thừa lại rất mỏng! “Để tìm sự công bằng cho làng đúc Phước Kiều”, thế hệ các nghệ nhân trung niên đã mạnh dạn nghiên cứu và nhận thực hiện nhiều hợp đồng thi công một quả chuông 300 kg cho Tu viện Vĩnh Minh (Đức Trọng, Lâm Đồng), chuông 500 kg cho chùa Long Tuyền - Hội An, qua đó đã mở ra cho tuổi trẻ Phước Kiều nghề đúc đại hồng chung, đúc trống đồng Đông Sơn nhân Hội nghị APEC vào năm 2007, đại hồng chung nặng 1 tấn mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...
Từ đại hồng chung, nhiều lò đúc Phước Kiều lại tiếp tục đỏ lửa nhờ vào tâm huyết dám nghĩ dám làm của lớp nghệ nhân sống chết với nghề và một lòng gìn giữ cái danh của làng... Và cơ hội lại đến với hàng loạt tượng nghệ thuật, tượng danh nhân ra đời ở Phước Kiều với độ phức tạp ngày càng cao về tạo hình và ý nghĩa xã hội... Các hậu duệ của tộc Dương Ngọc lại lao vào cuộc với các tượng nghệ thuật Đôi mắt (cao 1,6 m, Giải thưởng mỹ thuật toàn quốc), tượng các danh nhân, các nhà cách mạng Lê Cơ, Hồ Nghinh, Võ Chí Công, Trần Cao Vân, Văn Thị Thừa, Lê Quang Sung... và sắp tới là tượng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Riêng tác phẩm nghệ thuật Hiệu ứng cúi của nhà điêu khắc trẻ Quảng Nam Nguyễn Văn Huy vừa giành giải thưởng nghệ thuật toàn quốc.
Hiệu ứng cúi - HCV toàn quốc của Nguyễn Văn Huy, đúc tại Phước Kiều |
Trương Điện Thắng |
“Đúc các tượng nghệ thuật, danh nhân là rất khó, nhưng đó cũng là hướng đi mới để vực dậy làng nghề vào lúc này. Với tay nghề, kiến thức và nhiệt tâm của nghệ nhân ở Phước Kiều, tôi tin là sự hợp tác của chúng tôi sẽ rất có ý nghĩa...”, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy khẳng định với chúng tôi hôm khánh thành tượng chí sĩ Lê Cơ...
Từ “Thọ quan” Dương Ngọc Thuyên đến các hậu duệ của ông là cả một quãng dài của tìm tòi lẫn cái duyên của làng nghề !
“Bảo Đại nhị niên”, Bảo Đại lên ngôi năm 1925, vậy nhị niên tức năm 1927, Lúc ấy “Thọ quan” đội trưởng Dương Ngọc Thuyên đã được phong cửu phẩm là một hàm đáng hãnh diện của làng nghề Phước Kiều. Tuy là phẩm hàm cuối cùng trong hệ thống quan lại nhưng là đội trưởng từ làng đúc đồng và được vua mừng là Thọ quan, chắc hẳn cụ Dương Ngọc Thuyên phải là một “chuyên gia” giỏi của làng nghề và ít nhất lúc đó, theo nghệ nhân làng nghề Dương Ngọc Tiển, đã 100 tuổi. Con cháu làng Phước Kiều ngày nay đã kế nghiệp danh tiếng của cụ bằng cách luôn canh tân nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển…
Bình luận (0)