Sống đẹp lần 4: San sẻ yêu thương

Gánh hát Bậu Ba - Truyện ngắn của Lê Mỹ Thạnh

Lê Mỹ Thạnh
(Phú Yên)
22/09/2024 09:00 GMT+7

Gánh hát Bậu Ba - Truyện ngắn của Lê Mỹ Thạnh- Ảnh 1.

MINH HỌA: Văn Nguyễn

1999.

- Thảo, mầy ngó gì mà trật ót, coi dấp té phù mỏ bây giờ?

Thảo giật mình, cười, dòm xuống bàn chân.

… Ánh điện đủ màu chớp nháy trên cao vô cùng bắt mắt… Thảo không ngờ Sài Gòn "đẹp bá cháy" như vậy, nhà thì cao tầng, chót vót, ai cũng ăn mặc đẹp, kiểu cách. Họ đi giày, thứ giày da bóng lộn mà Thảo từng nhìn trộm cái vèo khi chỉ có con Hương mỗi khi về quê nó mới mang với bộ đi õng ẹo.

Dạo vòng vòng đã đời rồi ghé xe hủ tiếu đầu hẻm ăn mỗi đứa một tô không giò, anh Dinh - người dẫn Thảo vào Sài Gòn, phán:

- Đêm nay con Thảo lên gác ngủ với mấy chị lớn, ở đây có bà vú là người coi ngó bao quát, kiểm tra "tiểu sử và dung nhan", chút về bà chưa xét đâu, ngủ cho đầy vào mai diện kiến lão bà bà.

- Dạ, anh Dinh.

Sáng sớm, vùng ven thành phố có vẻ lặng hơn, chỉ có tiếng xe chở rau củ từ Bình Dương lên, nghe xạc xạc trong gió.

Thảo đứng, hai tay vò nhẹ vạt áo.

- Căn cước?

- Dạ vú - Thảo đã chuẩn bị sẵn cái chứng minh thư trong túi, run run đẩy nhẹ về phía bà.

- Lần sau đưa hai tay nhé - bà không cười, lời nói cũng không gắt lắm.

- … Dạ.

- Ngày mai ra đầu hẻm sửa lại đuôi tóc, ở đây con gái cơ bản là tóc dài.

- Dạ.

- Khoan, lên một câu Bạch Thu Hà khóc Võ Đông Sơ cho ta nghe xem - vừa nói bà vú lấy từ cái rương gỗ ra một cuốn sổ dày có đủ bộ cải lương tên tuổi, ghi chép bằng tay.

Thảo lẹ làng cất giọng, không cần nhìn vào trang sách, đôi mắt nó như sắp rơi lệ, một màn tiễn biệt kinh điển qua giọng ca vừa thắm vừa trong veo làm bà gật gù.

- Thôi được, ăn sáng đi rồi khâu lại mấy cái áo rớt hạt kim sa.

- Dạ vú.

Gánh hát Bậu Ba xuôi về Đức Hòa trên một chiếc xe tải tấn rưỡi.

Thảo ngồi nhìn bâng quơ hai bên đường, nó được ngồi trước cabin cùng bà vú.

Có lẽ nó nhỏ tuổi nhất đoàn.

Đoàn đi đến đâu cũng được lòng bà con chiếu cố, họ đem tới khoai củ đã nấu sẵn, có khi cả buồng chuối chín bói, mấy chú thì phụ dọn dẹp nơi gò đất cao trong một khuôn viên rào chắn bỏ hoang làm sân khấu, hên thì có nơi được sẵn một nền sân gạch cũ... khi hát đỡ bị dơ lai quần hoặc đến màn đấu kiếm lăn lộn cũng đỡ lấm.

Thảo nhớ nhà, nhớ khúc miền Trung nắng gió… Có người bảo dân miền ngoài giọng đâu có ngọt mà theo cải lương? Đôi khi nó cũng bàn dùn nửa ở nửa đi nhưng thật trong lòng nó có những điều rất đơn sơ đun đẩy, như chiếc trâm cài có đính mấy cái hoa kia là một ước mơ mà nó từng mơ mình được cài lên mái tóc, từ nhỏ nó đã được nghe cải lương ké nhà ông Chín Cửu đến thuộc lòng…

Nó hát say sưa, đổi giọng nhân vật tài tình, nó mê cái tựa đã ngất ngư rồi chưa nói đến nội dung thấm đẫm, có lẽ cải lương đã ăn vào máu thịt nó.

Đoàn cơ bản là nghèo, rày đây mai đó. Nghe kể có anh Tèo mê hát xin vú cho theo nhưng có cái tật, ở nhà ăn vặt quen rồi, theo đoàn lúc rảnh đâu có gì bỏ vào mồm ngoài bữa chính (cũng tùy theo cái cùi vé) nên Tèo ra ngoài thì bẻ mía, khều xoài, hát gần soi thì hái dưa, chọt dái mít... đến khi gặp chủ khó họ la lối, họ ghét cái thứ "xướng ca vô loài" đói khát, giật gấu vá vai nên xông xả tới đoàn chửi đổng làm bà vú giận tím ruột. Khuyên nhủ đã bao lần, rồi Tèo ta cũng phải đành trở về nguyên quán.

Vú bảo:

- Khi nào con tâm phục thì hãy đến tìm ta.

Vú luôn bảo: "Không phải làm mặt làm mày nhưng phàm làm người phải giữ cốt cách, dù có nghèo cũng phải cho sạch". Vú chi tiết từng chuyện nhỏ như hết dầu dừa thì xin vỏ bưởi về nấu nước lên mà gội tóc. Cứ thuận theo lẽ phải, tự nhiên mà sống.

Một năm theo đoàn, Thảo phổng phao ra, ánh nhìn cũng trưởng thành hơn, nói như chú Tùng:

- Cho nó vào vai Phàn Lê Huê lúc nó quỳ nó khóc với vuông lụa trắng chắc cũng nét lắm đây!

Thảo chặc lưỡi:

- Thảm dữ!

Nhưng trong lòng nó mừng vì chết cũng phải đẹp. Vai đó tóc đẹp lắm, giắt nhiều trâm, có trâm lông vịt trắng bay bay trước trán, quần áo một màu trắng tinh khôi… Ôi, nếu mà giao vai đó thật sự thì chắc nó sẽ tập quỳ chạy đến rách đầu gối cũng cam.

***

Hôm nay trời nắng, Thảo phụ đem quần áo diễn ra phơi trên sợi dây anh Dinh đã cột sẵn, đêm mai đoàn sẽ diễn Người phu khiêng kiệu cưới, Thảo được phân vai quân sĩ. Nó nhớ lại hồi nó xin đi, cậu bảo: Tướng này nhỏ con chỉ làm được quân sĩ thôi, chớ hòng gì!

Ứng thiệt, vai đầu tiên là thế.

Nhưng Thảo vui ra mặt khi khoác lên người bộ đồ vải xoa bóng loáng, đỏ chót có viền tay, cổ màu vàng lè.

Chị Hoa nhìn Thảo nói:

- Tóc con Thảo đẹp quá, ráng đi mai mốt làm đào chánh, đánh rối lên rồi giắt trâm thì khỏi nói.

Thảo nghe sướng rơn trong bụng, sao chị lại nói đúng điều mình thích? Lật đật ngồi im đưa đầu cho chị Hoa bới vô một cục.

Quẹn, quẹn... tiếng chiếc xe bốn bánh kiểu xe lam đang nhấn chân côn phụt lại đám khói đàng sau khét lẹt.

Đoàn lại đi về miệt tây, chấp nối tuồng đời bằng những đoạn dừng chân có tính toán.

Vú bảo:

- Muốn về Mỹ Tho phải dừng chân Long An, cứ vậy ta đi đến cùng trời cuối đất!

Đêm.

Long An mùa lúa chín đưa hương thoang thoảng, Thảo nhớ ngoài buổi học thì xách thúng đi mót lúa, bạn trang lứa đem theo câu liêm, hở chủ ruộng không để ý thì dợt một nắm rồi lẩn đi, Thảo nhất quyết không làm thế, nhưng lòng lại nghe thương bạn, thương vì nghèo quá thôi mà… Thảo cứ chăm chỉ mót từng dé vàng rơi rụng, đẫy đẫy thúng thì hân hoan đội về.

Cậu cũng nghèo, nghèo từ đời nào nên không cho Thảo học tới nơi. Thảo cũng đành, buồn một thời gian rồi thôi, ai thuê nhổ cỏ, hái dưa thì cứ đi mà phụ.

Tối mai đoàn sẽ diễn Thạch Sanh Lý Thông, bận này thôn trưởng mê cải lương nên kết hợp cho làm sân khấu bằng bàn học nối lại cao ráo, hai bên hai cây phượng già thuận cho việc giăng dây cáp để diễn cái đoạn đại bàng cắp công chúa vào hang.

Thảo được đóng thế công chúa vì… nhỏ con. Ngày trước chưa có Thảo thì thằng cu Thành vào vai hơi cực vì phải đội tóc giả, đôn ngực cho ra vẻ nữ nhi. Và ngày hôm sau Thảo tập dợt vào vai chỉ diễn trong vòng mười giây, trôi chảy đến lạ kỳ.

Vú lại gật gù, hỏi:

- Cảm giác con thế nào?

- Dạ, mới đầu lo, giờ thì thích rồi ạ.

- Vậy thì tốt!

Hôm đoàn từ biệt, bà con có người réo:

- Con nhỏ gan ghê, nó bị đại bàng bắt bay lên, kìa…

Những ngày mưa sang mùa, gánh hát buồn so ngồi "xếp ấn", cả đoàn đứa vùi vào học tuồng, đứa múa may mấy thế võ, mấy chị thì khâu vá, nối lại những bộ tóc giả. Bà vú đi đâu mấy ngày nay chỉ có chú Tùng là biết, đôi khi Thảo muốn sà vào lòng bà để được vuốt sóng lưng như hồi ngoại còn sống nhưng vú cứ như không muốn, họa hoằn vú chỉ vuốt tóc Thảo rồi dạy dỗ những câu làm người.

Trời hửng nắng. Chú Tùng xách loa đi rao, giăng băng rôn ngoài chợ, vú chưa về cũng phải làm thôi chứ lương thực đã cạn, bảy đứa mà dám mua có ba cây cà rem đứa mút đầu, đứa cắn đuôi…

Chiều sập xuống đã nghe tụm người xôn xao làm anh em trong đoàn càng háo hức. Nhủ lòng tối nay diễn tuồng Mùa thu trên Bạch Mã Sơn phải thật bi tráng cho vừa đồng tiền bát gạo dân tình - nói đúng như in vì để có tiền mua vé xem hát thì phải bán ký gạo cho bà hàng xáo là có thật.

Vú về, bày ra bàn đủ thứ đồ ăn. Vú là người không gia đình nên vú đi về đâu đó chỉ để gặp mấy người bạn thân, họa hoằn là thế vì khi trở về trong đôi mắt vú ẩn chứa cái nét buồn bất lực, giống như người mẹ ngồi nhìn đàn con thơ dại thiếu ăn…

Cả đoàn thấu được điều đó.

Ba ngày rồi mà vú vẫn không nói nửa lời.

Lần này vú giận đến bầm gan tím ruột khi có người đến chất vấn vú đủ điều, vú ngớ ra, vỡ lẽ đành hạ người xin lỗi họ, cung tiễn họ về.

Vú không mắng mỏ bọn nhỏ mà tụi nó vẫn sợ nem nép.

Có chú Tùng thì không ăn uống gì, như để chuộc lỗi. Chú hay ra ngồi cuối cái mô đất, lọt thỏm xuống cái bục như thể không cho vú thấy mặt.

- Ai bày tên thằng Minh Vượng bỏ dấu nặng rồi thêm chữ em nhỏ xíu theo liền tên nó?

Đứa nào?

-… Dạ em, ế quá em nghĩ cách nên viết đại vào băng rôn ạ - chú Tùng lí nhí.

- Tụi bay tính lừa thiên hạ thật thà kia sao? Người ta đi xem mà chờ hoài không thấy Minh Vương thì tụi bay đã thu tiền vé rồi, họ không đòi lại tiền, không đuổi tụi bay đi cho mất đất là may lắm, thiệt mất mặt quá đi!

***

Đêm lặng lẽ quá!

Thảo không ngủ được, lần ngồi dậy ra cạnh cây ngâu hít lấy mùi hương thơm nồng cho đỡ nhớ nhà.

Bất ngờ nó ngồi im re không dám đập con muỗi khi nghe giọng anh Long thì thào gần bụi ô môi:

- Em về cùng tôi nhé? Mai mốt con lớn chúng ta sẽ quay lại, vú cứu em ra khỏi nơi hôi tanh đó, ơn này anh sẽ gánh thay em… Giờ mình ở đây khó khăn quá, em cũng không hát hò được nữa, lại thêm một miệng ăn… Anh sẽ về lạy xin ba má...

Chị Tuyền là giọng đào nhì, chị đóng vai nào cũng buồn rười rượi…

Có tiếng khóc thút thít của chị rồi hai người ôm lấy nhau, thương cảm vô bờ... Thảo động lòng cũng rơm rớm. Người ta nói: làm con đào hát đụng là rơi nước mắt, thật vậy, lòng dạ họ bao điều trắc ẩn, lại có trong lời ca, điệu diễn nên họ khóc rất dễ. Lần này nó khóc vì tội tình của một đôi yêu nhau trong một gánh hát nghèo, nó khóc vì biết ra chị Tuyền trước kia làm cái nghề bán phấn buôn hương đó mà anh Long vẫn yêu chân thành. Trên đời có nhiều người tốt bụng đến vậy, khi họ phải cưu mang, nghĩ suy cho người khác!?

Thảo lết nhẹ vào trong. Coi như cuộc nói chuyện đó, cuộc đời đó chỉ có vú già, hai người và trời đất biết mà thôi.

***

Đêm đã đầy trên Gành Hào tối mịt.

Đoàn xuôi về Bạc Liêu hai tuần nay.

Thảo lại ra bờ đầm ngửi mùi sen trong gió. Gánh hát Bậu Ba - tên của vú già - đã vắng mặt hai người mấy tuần rồi, không biết một ngày nào đó họ có trở lại, tay dắt thêm một em bé như lời hứa? Nghĩ tới đây nó nhớ con Sam con của cậu, mai mốt có về phép nó sẽ mua cho con bé liền mấy cây kẹp đủ màu… Không biết đến ngày đó Thảo đã thay chị Tuyền lên "sầu nữ" chưa? Hay học được chị cách đánh tóc rối cho phồng ổ quạ!? Ôi, nhớ chị quá!

Lời của vú cũng thơm như hương sen tinh khiết, thấm vào suy nghĩ làm người của Thảo.

Thảo nhớ câu anh Dinh nói trong đêm đầu tiên về vú, đâu có đúng vậy đâu, vú đâu có xem lý lịch, dung nhan gì đâu, mà điều vú cần là tấm lòng chân thành và yêu nghề, anh Dinh chỉ hù Thảo!

Ngày mai gánh hát Bậu Ba lại xuôi về miệt Thứ.

- Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn… nên Võ Đông Sơ đành chia tay "dĩnh diễn" Bạch Thu Hà…

Anh Dinh đang ôn lại câu vọng cổ cho thật mùi và thời gian tới biết chừng Thảo sẽ vào vai nữ chánh.

Ở đầu hồi nhà một người dân cho ngụ nhờ, vú đang ngâm nga câu ca dao như một lời dặn dò đừng nản chí mỗi khi vú cạn vài chung rượu mừng cho đoàn đêm qua thắng lợi:

- Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn

Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim.

Đêm Hà Tiên say giấc.

Gánh hát Bậu Ba - Truyện ngắn của Lê Mỹ Thạnh- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.