Gặp lại những công nhân vụ sập hầm thủy điện - Kỳ 2: Người phụ nữ và gia đình chồng hạnh phúc
03/01/2015 05:21 GMT+7
(TNO) Trong vụ sập hầm thủy điện ở Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng), không ai quên hình ảnh chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất kẹt lại bên trong. Người nữ công nhân xinh đẹp này cùng các nạn nhân bên phía gia đình chồng là các anh Phạm Viết Nam, Phạm Viết Lành được đoàn tụ trong kịch bản không ai ngờ tời.
Tự động phát
(TNO) Trong vụ sập hầm thủy điện ở Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng), không ai quên hình ảnh chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất kẹt lại bên trong. Người nữ công nhân xinh đẹp này cùng các nạn nhân bên phía gia đình chồng là các anh Phạm Viết Nam, Phạm Viết Lành được đoàn tụ trong kịch bản không ai ngờ tời.
Những nụ cười rạng rỡ của chị Ngọc và bố mẹ chồng trong ngày đầu năm
|
Video: Ông Phạm Viết Diệm kể về giây phút con trai, con dâu được cứu thoát
|
Trong vụ sập hầm nói trên, phía chị Ngọc và gia đình bên chồng có ba người, gồm: anh Phạm Viết Nam - người được coi là thủ lĩnh của nhóm công nhân gặp nạn; chị Đặng Thị Hồng Ngọc - người phụ nữ can đảm; và anh Phạm Viết Lành (anh em họ với anh Nam).
Căn nhà ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi) và bà Hoàng Thị Bình (65 tuổi, trú tại xóm 10, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) rộn rã tiếng cười. Ba người thân của gia đình ông đã “trở về từ cõi chết”, phục hồi sức khỏe và đã đoàn tụ với gia đình. Hiện cả ba nạn nhân vụ sập hầm thủy điện đang đón một năm mới 2015 trong vui tươi, hạnh phúc với gia đình vì với họ, việc được cứu thoát khỏi đường hầm tối đen kia như là được tái sinh thêm lần nữa.
“Hạnh phúc vì được sinh ra một lần nữa”
|
|
Ông Diệm cho biết, chiều tối 25.12.2014, khi con trai Phạm Viết Nam (41 tuổi) và con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi) trở về đến quê, ông và vợ quá hạnh phúc, bà con làng xóm kéo đến chật cả căn nhà.
“Có lẽ trong cuộc đời tôi đây là niềm hạnh phúc và vui sướng nhất. Tôi sống được 68 năm, chưa bao giờ tôi lại có cảm xúc nhiều đến thế. Chúng tôi rất biết ơn các lực lượng cứu hộ và người dân cả nước đã quan tâm, cứu sống các con chúng tôi”, ông Diệm xúc động nói.
Không cầm được nước mắt vì hạnh phúc chị Ngọc nghẹn ngào kể lại, khi xe vừa về tới nhà, cháu Phạm Viết An (5 tuổi, con trai chị Ngọc) chạy ùa ra cổng ôm chầm lấy mẹ khi chị chưa kịp xuống khỏi xe. Từ ngày chị về nhà, cháu An không khi nào rời tay mẹ. Sáng nay chị phải dỗ mãi cháu An mới chịu đi học, cháu cứ sợ mẹ đi mất.
Video: Chia sẻ của chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất kẹt trong vụ sập hầm thủy điện
|
Khi hỏi về khoảnh khắc bi quan nhất trong hầm tối, chị Ngọc tâm sự: “Lúc đó chị suy nghĩ về gia đình rất nhiều, đặc biệt là cháu An. Chị nghĩ phận làm dâu còn nhiều sai sót chưa đền đáp được cho bố mẹ chồng, lại còn bắt bố mẹ già chăm sóc con mình ở quê”.
“Cũng may trong lúc tuyệt vọng có anh Nam động viên nhiều, anh Nam bảo em cứ ăn đi để có sức tiếp tục chờ người bên ngoài giải cứu mình. Bên ngoài chồng con đang đợi mình về, lúc đó em mới ăn và bình tĩnh trở lại”, chị Ngọc ứa nước mắt.
Nhớ lại giây phút được cứu ra khỏi hầm chị Ngọc nói rằng không có từ ngữ nào để diễn tả nổi giây phút hạnh phúc đó.
Chị nói: “Lúc đó tôi cố gắng dồn hết sức lực cuối cùng để bò ra ngoài, tôi không nghĩ mình vượt qua được. Đây đúng là một phép mầu, tôi quá hạnh phúc vì được sống lại một lần nữa”.
Mặc dù sức khỏe chưa hồi phục được hoàn toàn, những ngày này chị Ngọc vẫn tranh thủ giúp bố mẹ những công việc trong gia đình. Hiện tại anh Phạm Viết Bắc (chồng chị) vẫn chưa về nhà được vì phải ở lại bàn giao công việc.
Gia đình cũng đang chờ anh Bắc về cho đông đủ để mở tiệc ăn mừng với xóm làng, chị Ngọc cho biết thêm.
Bốn ngày trong hầm như 4 thế kỷ
|
Anh Nam nói: “Từ ngày được về nhà lúc nào gia đình cũng đông đúc bà con tới hỏi thăm, người thì vô nhà, người gọi điện thoại tới liên tục. Hôm nay rảnh rỗi nên tôi ra bổ ít củi cho vợ nấu cơm, vì từ lúc về tới giờ chưa giúp được vợ con việc gì cả”.
Anh Nam làm công nhân thủy điện 7 năm nay, vì thế có kinh nghiệm nhất trong nhóm. Theo anh, ngày đầu tiên và ngày cuối cùng ở trong hầm là hai ngày anh em tuyệt vọng nhất.
“Ngày đầu tiên sập hầm mọi người đều nghĩ sẽ không sống nổi, nhưng sau khi bên ngoài khoan được mũi khoan và bơm ô xi vào thì anh em mới có tia hy vọng. Ngày thứ tư nước dâng lên tới ngực lúc ở trong hầm mọi người đều tuyệt vọng, không thèm ăn uống gì nữa”, anh Nam nói.
“Bên ngoài họ nói 8 tiếng nữa sẽ khoan thủng, cũng may họ cứu chúng tôi sớm hơn so với dự kiến không thì chắc chúng tôi sẽ chết vì ngập nước. Bốn ngày trong hầm mà như 4 thế kỷ, giây phút được cứu ra ngoài không có hạnh phúc nào hơn”, anh Nam cho biết thêm.
Anh Nam cho biết, sau khi ăn Tết Nguyên đán Ất Mùi xong, anh sẽ quay trở lại công ty làm việc nhưng với điều kiện công ty phải cho gia cố lại hầm chu đáo. Nhà thầu và chủ đầu tư phải sắp đầy đủ các trang thiết bị, bố trí công việc phù hợp thì anh và chị Ngọc, anh Lành sẽ trở lại làm việc.
Ông Phạm Viết Khang (62 tuổi, bố anh Lành) thì nói: “Hạnh phúc quá chú ơi, cháu Lành đã về đây rồi. Từ ngày cháu Lành về nhà bà con hàng xóm cứ mang gà qua cho cháu tẩm bổ, khiến chúng tôi cảm động hết sức”.
Bà Phạm Thị Mai (58 tuổi, mẹ anh Lành) không giấu nổi niềm vui sướng, bà lại khóc vì hạnh phúc: “Lúc cháu Lành được cứu ra thì gia đình mới cho tôi biết, tôi bị yếu tim nên chồng và con tôi giấu kín. Nó bình an vô sự trở về nhà thật không có niềm vui nào bằng chú ạ”.
Anh Lành tâm sự: “Em mới vào làm đúng một tháng thì xảy ra chuyện, có lẽ đây là kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời em. Được gặp lại bố mẹ em mừng khôn xiết, em hứa sẽ sống thật tốt để không phụ lòng bố mẹ và mọi người đã sinh em ra lần thứ hai”.
|
Chị Ngọc giúp đỡ bố mẹ những công việc trong gia đình sau vụ hoạn nạn
|
Chị Ngọc hạnh phúc chờ chồng về đoàn tụ cùng
|
Anh Nam tranh thủ giúp đỡ vợ con sau khi sức khỏe đã dần bình phục
|
Bữa cơm trưa ấm cúng tại gia đình anh Phạm Viết Lành (trái) ngày đầu năm 2015
|
Anh Phạm Viết Lành tranh thủ giúp đỡ bố mẹ già sau ngày trở về đoàn tụ
|
Bình luận (0)