Gen Z không ngại… nhảy việc

18/10/2022 06:00 GMT+7

“Nhảy việc” để thử sức mình, “nhảy” để tìm cơ hội tốt hơn hay thậm chí là để chứng tỏ mình đa năng, có thể làm được nhiều nơi, nhiều việc… Nhiều bạn trẻ gen Z hiện nay không ngại nhảy việc, một năm có thể nhảy 2 - 3 công ty.

Học việc mới đến ngất xỉu nhưng vẫn đam mê… nhảy việc

Xót vì em gái “nhảy việc” quá nhiều, đỉnh điểm là năm 2021 “nhảy” đến 3 lần và đến giờ vẫn chưa tìm được công việc đúng ý muốn, P.H.D (29 tuổi, ngụ tại Hương Phong, TP.Huế) vừa lo, vừa kể: “Em mình từ đứa học chuyên về ngôn ngữ, rồi ra trường làm đủ các nghề, từ lễ tân, đến tuyển dụng, bảo hiểm rồi xuất nhập khẩu… Mình cũng chỉ mong em gái nhanh chóng tìm được việc. Nhưng lúc đầu vì dịch, phải nhảy việc về quê, các công việc ở quê thì lương mặt bằng chung thấp nên 1 năm nhảy việc 3 lần. Đa phần công việc là trái ngành và chưa có kinh nghiệm gì, mà chưa biết thì phải học, bằng chứng là em mình nhảy đến đâu học thêm ở đó, học đến cả chảy máu cam, ngất xỉu mà vẫn đam mê tìm việc, nhảy việc”.

Gen Z tham gia các ngày hội tuyển dụng để tìm thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp

Lê Thanh

Chia sẻ với người viết, P.T (em gái của D.) cho biết sở dĩ nhảy việc nhiều là vì môi trường cũ làm lâu nhưng không có biến động gì mới, mặc dù được tăng lương nhưng vẫn chưa được xét duyệt chuyển đổi vị trí thì khó mà trụ lâu, thêm vào đó, làm ngành dịch vụ thường phải thay đổi ca để làm việc, yếu tố giờ giấc sẽ bị thay đổi liên tục.

“Đến lúc dịch ở Khánh Hòa, vì phải giảm ngày làm việc nên mình “nhảy việc” ra Quảng Nam. Ở đây thì môi trường làm việc với chủ nước ngoài, nhưng công việc quá áp lực, thời gian đó trong đầu chỉ có việc và báo cáo mỗi ngày, đến cuối tuần còn báo cáo. Thêm vào đó là cách làm việc áp đặt nên cũng không mong muốn làm lâu dài”, T. kể.

Sau đó cô nàng “nhảy việc” vào lại Khánh Hòa, nhưng nghe nhiều người bảo nên ổn định công việc thay vì phải nhảy qua làm dịch vụ, thế là T. về Huế và ứng tuyển vào vị trí tuyển dụng nhân sự cho công ty may mặc.

“Do ngành này cũng khá mới mẻ với mình nên mất thời gian khá nhiều để học việc. Rồi đặc điểm ở đây là công ty lớn, với hơn 7.000 người nên khối lượng việc chồng việc và chạy KPI mỗi ngày. Cảm thấy không hợp cho việc chạy định mức nên mình quyết định dừng lại và chuyển sang làm việc ở một công ty mới về xuất nhập khẩu. Nhưng rồi công việc ở đây nhiều đến mức làm quên thời gian là có thật, một người có thể làm 3 - 4 đầu việc cùng một lúc. Nhưng may sao có dính dáng đến biên phiên dịch tiếng Trung (đúng chuyên ngành) nên cũng gắng ở lại làm thời gian nữa rồi tính tiếp”, T. chia sẻ và khẳng định công việc hiện tại cũng chưa phải là ổn định. Và sắp tới chắc chắn cô nàng sẽ lại tiếp tục nghĩ đến chuyện tìm một công việc khác tốt hơn, phù hợp hơn.

Luôn có cảm giác chưa phù hợp

Hỏi T.: “Ở công ty cũ đã quá áp lực sao lại chọn công việc mới cũng nhiều như vậy, thậm chí còn áp lực hơn?”. T. thở dài nói: “Thực ra khi quyết định nhảy việc, mình chỉ nghĩ làm sao thoát khỏi công việc hiện tại quá áp lực này cái đã, rồi chuyện khác tính sau. Rồi tiện đổi môi trường làm việc xem dịch vụ có gì khác nhau, cách làm việc của tập đoàn sẽ khác cách làm việc của chủ trong nước như thế nào. Mà lúc đầu khi chọn công việc mới, khi phỏng vấn và ứng tuyển vào cũng không biết được là một người phải làm 3 - 4 đầu việc cùng 1 lúc”.

Cũng cùng suy nghĩ và cách lựa chọn, T.T.M.N (25 tuổi, ngụ trên đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức, TP.HCM) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh nhưng ra trường chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành nên N. ứng tuyển đi làm lễ tân cho một khách sạn lớn. Làm được 4 tháng thì N. “nhảy” sang làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một chuỗi cửa hàng bán lẻ. Tại đây, N. gắn bó được hơn 7 tháng, và đó cũng là thời gian N. gắn bó lâu nhất với một công việc. Từ lúc dịch đến nay N. cho biết đã nhảy thêm 3 công việc khác.

“Lúc sau này thì do công việc không ổn định, làm chỗ này thì lại vướng dịch bị cắt giờ làm rồi lương cũng ảnh hưởng, chuyển qua công ty khác thì phải làm thời gian rất nhiều, dù là công việc đúng chuyên ngành nhưng lại làm việc như giờ hành chính, chưa kể có thời gian nguyên

1 tháng phải chạy nước rút rất nhiều dự án nên phải làm cả ban đêm. Thấy áp lực quá, mình lại chuyển, và hiện tại thì mình đang làm quản lý cho một cửa tiệm thời trang của một chị quen”, N. kể lại lịch sử nhảy việc liên tục trong 3 năm đi làm của mình.

Hỏi N.: “Công việc hiện tại có muốn gắn bó lâu dài không, hay đang có ý định tìm việc mới?”, thì N. nói: “Nếu có công việc nào mà có thu nhập tốt hơn, môi trường làm việc không gò bó thì có lẽ mình sẽ nghĩ đến chuyện gắn bó lâu dài. Chứ giờ, mình nghĩ cũng còn trẻ, còn nhiều cơ hội để thử thách bản thân nên cứ thử đã, chưa thử thì làm sao biết mình thật sự phù hợp với môi trường nào, công việc ra sao”.

N. cũng cho biết đa phần các bạn trẻ cùng trang lứa với N. nếu có nhảy việc thì thường sẽ vì môi trường không phù hợp, thời gian làm việc bị gò bó và mức lương ở chỗ khác hấp dẫn hơn.

“Mình cũng có đứa bạn, nó nhảy việc ít hơn mình, nhưng đến nay đi làm 3 năm thì nó cũng nhảy 3 việc rồi, trung bình mỗi năm một việc. Đứa bạn mình có một suy nghĩ nhảy việc rất lạ đời, đó là nhảy việc để cái CV sau này ấn tượng hơn khi có thể làm được nhiều ngành, nhiều nghề, kiểu là người đa năng trong công việc. Mình thì không có suy nghĩ đó, nhưng nói chung mình nghĩ người trẻ bây giờ quá nhiều cơ hội, nên cứ trải nghiệm, vì qua một công việc sẽ học thêm được nhiều kinh nghiệm quý báu”. (còn tiếp)

Vì sao “nhảy việc”?

N.D.H (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: “Mình nhảy việc 2 lần do lúc đầu ra trường chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành, làm thời gian thấy nản nên nghỉ. Giờ mình làm cho công ty về công nghệ, thời gian đầu phải đào tạo rất bài bản, nhưng không biết có gắn bó được lâu hay không”.

T.T.T.D (27 tuổi), ngụ tại hẻm 96 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM, đã từng nhảy 2 công việc 1 năm, và sau 5 năm đi làm thì T.D đã làm ở 3 công ty khác nhau: “Mỗi môi trường mình sẽ học được nhiều thứ, mà nếu chỉ làm ở một chỗ thì mãi mãi cũng không biết được hết khả năng của bản thân. Và tiêu chí mình đặt ra là tuổi trẻ để trải nghiệm, nhưng sự trải nghiệm có trách nhiệm, tức là mỗi nơi mình nhảy việc phải cho mình được nhiều điều mới, kiến thức mới, cũng như là mức lương phải tốt hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.