Doanh nghiệp Việt chi 2 tỉ USD cho ‘outsource’: Cơ hội nào cho lao động trẻ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/08/2022 12:04 GMT+7

Outsource hay outsourcing là thuật ngữ ngày càng quen thuộc khi nói về thuê ngoài. Trong năm 2021, doanh nghiệp Việt đã chi đến 2 tỉ USD cho các dịch vụ thuê ngoài quy trình doanh nghiệp. Cơ hội nào cho lao động trẻ trong bức tranh này?

Ông John Antos phát biểu

K.KhAnh

Nhân sự thuê ngoài (HR Outsourcing) đang trở thành xu hướng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chiều 25.8, công ty chuyên về nhân sự Talentnet tổ chức hội thảo “Vietnam HR Outsourcing Conference 2022 về chiến lược nhân sự thuê ngoài với góc nhìn, bài học từ những chuyên gia, lãnh đạo nhân sự trong nước và khu vực.

Việt Nam chi cho outsource cao hơn Malaysia

Trao đổi tại hội thảo, ông John Antos (Phó Chủ tịch chiến lược, Dịch vụ tính lương toàn cầu và châu Á Thái Bình Dương-ADP) cho hay tại Việt Nam, nhân sự thuê ngoài đang được doanh nghiệp ưa chuộng khi mà trong năm 2021, doanh nghiệp Việt đã chi đến 2 tỉ USD cho các dịch vụ BPO (business process outsourcing-thuê ngoài quy trình doanh nghiệp). So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ BPO cao hơn Malaysia (1,6 tỉ USD) và gần bằng Indonesia (2,2 tỉ USD).

Đâu là những lợi ích của nhân sự thuê ngoài? Theo ông John Antos, doanh nghiệp được tiết kiệm chi phí vận hành; cải thiện các quy trình quản trị nhân sự; gia tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu kỹ thuật số; gia tăng hiệu suất công việc.

Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp được tăng sự nhanh nhạy khi thay đổi về quy định hoặc cấu trúc doanh nghiệp. Được cải thiện tốc độ và chuyên môn khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; cải thiện khả năng phục hồi và mở rộng giữa các biến động như Covid-19

“Theo khảo sát từ ADP, 73% giám đốc điều hành và 70% người lao động quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng. Với sự hỗ trợ từ mô hình nhân sự thuê ngoài, nhà quản trị nhân sự có thể tập trung thời gian phát triển các kỹ năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của thị trường lao động”, ông John Antos nói.

Bạn trẻ tìm việc tại một ngày hội việc làm

Lê Thanh

Câu chuyện của Microsoft

Kinh nghiệm thuê ngoài nhân sự trong ngành công nghệ cao như thế nào? Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Trâm (Tổng Giám đốc, Microsoft Việt Nam) cho biết để duy trì hệ sinh thái 150.000 nhân viên, 75 triệu tổ chức, 17 triệu đối tác và hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu, Microsoft chú trọng yếu tố “văn hóa” với sự dung hòa giữa 4 yếu tố: sự đóng góp của văn hóa vào sự phát triển doanh nghiệp; giá trị của doanh nghiệp; kỳ vọng của quản lý và các nguyên tắc lãnh đạo.

Bên cạnh đó, tập đoàn này tập trung vào nguyên tắc “tối ưu hóa khả năng của mỗi nhân sự để họ làm điều họ giỏi nhất”. Để làm được những điều trên, Microsoft chọn sử dụng thuê ngoài cho rất nhiều phòng ban như sales và marketing, kế toán, quản lý văn phòng, hỗ trợ công nghệ thông tin nội bộ, dịch vụ khách hàng, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác…

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm trình bày trong sự kiện

K.kHANH

“Chúng tôi xây dựng một chính sách cho đối tượng nhân sự thuê ngoài, bao gồm hệ thống định nghĩa-quy trình-trách nhiệm chặt chẽ, được áp dụng xuyên suốt. Đồng thời ứng dụng công nghệ vào quá trình sử dụng dịch vụ nhân sự thuê ngoài”, bà Nguyễn Quỳnh Trâm nói.

Nhân sự thuê ngoài Gen Z có ‘nhảy việc xoành xoạch’?

Rõ ràng trong bức tranh nhân sự thuê ngoài đang là xu hướng ở Việt Nam và trên thế giới, người lao động trẻ có cơ hội nhiều hơn về việc làm. Đặc biệt, sau biến động về dịch Covid-19, công việc linh hoạt là lựa chọn của nhiều người trẻ hơn, như linh hoạt về địa điểm làm việc, linh hoạt về thời gian làm việc, một lúc có thể làm việc cho nhiều công ty. Họ có thể ngồi ở Hà Nội nhưng làm việc tại doanh nghiệp TP.HCM, hay trước một chiếc máy tính tại TP.HCM, bạn trẻ đó có thể là nhân sự thuê ngoài của một tập đoàn ở Singapore...

Nhân sự thuê ngoài thế hệ Gen Z (sinh từ cuối thập niên 90 tới năm 2010) đã gia nhập thị trường lao động, họ có đặc điểm gì? Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài Talentnet, cho hay nhóm nhân sự thuê ngoài thuộc thế hệ Gen Z ngoài việc đòi hỏi nhiều hơn ở mức lương cạnh tranh, còn mong muốn duy trì tính độc lập trong công việc và những trải nghiệm “đa nhiệm” hơn về công nghệ.

"Các doanh nghiệp khi quản trị nhóm nhân viên này cần có định hướng rõ ràng về định hướng nghề nghiệp, thể hiện sự quan tâm gắn kết nhiều hơn nhằm giữ chân tốt hơn những bạn có tiềm năng. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm lý tuyển mới liên tục vì các khảo sát và thực tế cho thấy hơn 60% lao động thuộc nhóm thế hệ này cảm thấy rất thoải mái và có nhu cầu cao trong việc thay đổi công việc thường xuyên", chị Lý Ngọc Trân chia sẻ.

Sự kiện thu hút đông đảo người quan tâm

thúy hằng

Không chỉ nói riêng nhóm lao động trẻ trong độ tuổi Gen Z, tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Hương (Giám đốc Nhân sự, AkzoNobel Việt Nam) cho hay có một số điểm hạn chế của mô hình nhân sự thuê ngoài mà doanh nghiệp phải đối diện như tỷ lệ nghỉ việc của nhóm nhân sự thuê ngoài cao hơn gấp đôi so với nhân sự nội bộ. Khi gặp sự cố với dịch vụ thuê ngoài, doanh nghiệp vừa phải giải quyết song song với người lao động và đơn vị cung cấp dịch vụ. Đồng thời, họ cũng có thể gặp rủi ro khi năng lực của nhóm nhân sự thuê ngoài không đủ chất lượng.

Người lao động thuộc nhóm nhân sự thuê ngoài mong muốn điều gì? Điều gì khiến “giữ chân” họ được lâu hơn? Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương, các công ty cần ưu tiên trao vị trí chính thức cho nhân viên thuê ngoài (có trao đổi và thống nhất với đơn vị cung cấp) nếu đạt được những tiêu chí cụ thể. Doanh nghiệp cũng cần cộng tác với công đoàn để cung cấp nhiều quyền lợi hơn cho đội ngũ thuê ngoài, từ đó cân bằng phúc lợi với nhóm nhân viên nội bộ.

“Đồng thời, doanh nghiệp cần thống nhất rõ ràng KPI khi ký hợp đồng lao động và trả lương theo hiệu suất; theo dõi sát sao hệ thống chỉ tiêu để trao đổi và tìm kiếm giải pháp với nhà cung cấp khi có những tín hiệu không khả quan. Người lao động thuê ngoài cũng rất cần được cung cấp cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng”, bà Hương nói.

Thuê ngoài trên thế giới tăng 5-7%

Theo ông John Antos, Phó Chủ tịch chiến lược, Dịch vụ tính lương toàn cầu và châu Á Thái Bình Dương-ADP, trên thế giới, mô hình nhân sự thuê ngoài đã tăng trưởng 5-7% trong thời gian vừa qua, tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực cơ khí, tài chính, công nghệ và dịch vụ bán lẻ.

Ông cho rằng cần xác định thuê ngoài nhân sự (outsource) là một chiến lược toàn diện, thay vì một mô hình tạm thời. Bởi sau 1-2 năm áp dụng nhân sự thuê ngoài, doanh nghiệp có thể đạt mức tăng trưởng gấp nhiều lần. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, hãy xem khoản chi phí cho nhân sự thuê ngoài là một lợi ích “phụ", thay vì một khoản chi lớn. Thuê ngoài là phương thức quản lý chi phí khi không cần phải tăng số lượng nhân viên nội bộ, nhưng vẫn có thể tối ưu hoá nhân sự bằng cách trau dồi kỹ năng cho nhân viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.