Thời bánh tráng trộn... chuyển khoản

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/08/2022 06:03 GMT+7

Không phải chỉ mua sắm, thanh toán những món hàng giá trị lớn người ta mới dùng tới chuyển khoản. Ở TP.HCM, người trẻ đi mua bánh tráng trộn, xoài lắc cho tới làm móng, gội đầu trong hẻm đều… chuyển khoản .

“Hợp tác xã bánh tráng trộn” cùng chuyển khoản

Chiều tà, khu vực hồ Con Rùa tấp nập hơn bình thường. Quanh những xe xoài lắc, cóc lắc, bánh tráng trộn, hồ lô nướng…, bạn trẻ tíu tít chọn những món ăn vặt khoái khẩu rồi ngồi bên hồ tán gẫu. Một nhóm 3 cô gái đi một vòng khắp các xe bán đồ ăn để hỏi một câu giống nhau “có chuyển khoản không chị ơi” rồi dừng lại trước một cái xe đủ món. Trên xe có số điện thoại của ví điện tử cho thanh toán, giao dịch trên điện thoại thông minh.

Bạn trẻ mua bánh tráng trộn “có chuyển khoản”

Trịnh Ngọc Minh Hoàn (26 tuổi, làm việc tại Công ty Chainvalue Vietnam, Q.1, TP.HCM) cho biết rất ngại rút tiền nên khi mua sắm gì, đi đâu với bạn bè cũng chọn nơi bán hàng cho phép chuyển khoản ngân hàng, hay ví điện tử. “Mang tiền mặt trong người nhiều cũng nguy hiểm, lỡ bị giật đồ hay rớt. Em chuyển khoản khi đi siêu thị, mua đồ trong các cửa hàng tiện lợi, mua cà phê và bây giờ là mua bánh tráng trộn rồi các món lặt vặt như xúc xích nướng, nước mơ, trà đá”, Hoàn vui vẻ kể.

Đi cùng Hoàn, Lê Thảo Nguyên (25 tuổi, làm chung công ty) cười: “Giờ chỉ còn đi gửi xe là em chưa quét mã QR hay chuyển khoản, sợ bị ký đầu. Chứ nếu chỗ giữ xe cũng có ví điện tử thì tiện”.

Tới hồ Con Rùa, tìm xe bánh tráng trộn các loại của anh Hoàng, 27 tuổi, quê Tiền Giang không khó. Xe bài trí món ăn bắt mắt và trên tấm biển gắn đèn điện sáng trưng có dòng ghi số điện thoại cũng là tài khoản ví điện tử, còn kế bên là dãy số tài khoản một ngân hàng. Hai vợ chồng anh Hoàng bán bánh tráng trộn đã 6 - 7 năm và áp dụng cho khách chuyển khoản đã vài tháng trở lại đây.

“Nhiều khách hỏi dữ quá. Hỏi có chuyển khoản thì họ mới mua. Khách tầm tuổi trẻ, như sinh viên, các bạn nhân viên văn phòng, họ đa số thích chuyển khoản”, anh Hoàng nói.

Kế bên anh Hoàng, chị Yến Nhi bán các loại đồ nướng như hồ lô, xúc xích, mực khô… không có tài khoản cho chuyển tiền nhưng nếu khách có nhu cầu, cứ chuyển cho anh Hoàng, hết buổi, anh sẽ tổng kết, đưa lại tiền mặt cho chị. “Ở đây toàn bà con không hà. Tui là dì thằng Hoàng, bán đồ nướng, nó bán bánh tráng trộn. Phía kia là ông dượng chuyên bán các loại nước giải khát, một bà mợ chuyên món khác. Mỗi người mỗi món cho khỏi đụng nhau, rồi giúp nhau khi cần”, chị Yến Nhi khoe.

Ai hay di chuyển qua hồ Con Rùa, khúc rẽ từ Phạm Ngọc Thạch về Nguyễn Đình Chiểu, buổi chiều nào cũng thấy xe bánh tráng trộn của mấy mẹ con chị Lê Thị Tố Nga, 40 tuổi. Xe đặc biệt, bởi được treo tấm biển in rõ to “Gấu Nhỏ - có chuyển khoản”. Mấy tháng trước, thấy khách nào cũng hỏi “có chuyển khoản không”, nói “không” là họ đi luôn, chị nhờ chồng ra ngân hàng mở tài khoản và tập dùng. “Ban đầu chỉ biết nhận tiền, không biết chuyển đi kiểu gì. Dần dần thì xài được hết”, chị Tố Nga nói.

Nhóm của Trịnh Ngọc Minh Hoàn (phải) mua đồ ăn vặt bằng “chuyển khoản” ở hồ Con Rùa

Thúy Hằng

Làm nail, gội đầu tới mua trái thơm vỉa hè… cũng ví điện tử

Nguyễn Huyền Thương, 26 tuổi, nhân viên truyền thông, làm việc ở 150bis Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, TP.HCM, cho hay các ví điện tử có nhiều ưu đãi cho người dùng như giảm giá, hoàn tiền nên nhiều người trẻ ai cũng thích. Đồng thời, không cần tốn thời gian rút tiền nhiều lần. Thương hay gội đầu, làm móng (nail) trong hẻm, từ 40.000 tới 50.000 đồng cho mỗi dịch vụ, cứ chuyển khoản thẳng cho cô chủ, khỏi cần mang theo bóp (ví).

“Em vào cửa hàng tiện lợi, mua các món đồ từ vài ngàn đồng tới 11.000, 12.000 đồng đều quét mã QR là xong, không lo tìm tiền lẻ. Đặc biệt, “share” tiền với bạn bè khi đi ăn chung cũng dễ, chia đều và chuyển đủ cho mọi người”, Thương nói.

Nhanh nhạy với sự điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách, những người kinh doanh, dù nhỏ lẻ, ở TP.HCM đều thích ứng rất nhanh. Chị Huỳnh Thị Cẩm Tú, chủ tiệm gội đầu làm tóc ở 430 Hưng Phú, P.9, Q.8, đã dán thông tin chuyển khoản ở ngay cửa ra vào. Hay tới tiệm hủ tiếu Ý Phương trên đường Trần Bình Trọng, Q.5, số tài khoản ngân hàng treo ngay trên tường, cho ai cũng dễ dàng thấy.

Chiều tối 11.8, chúng tôi đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 và tấp vào một xe bán thơm trước số nhà 680. Em Phùng Văn Hảo, 18 tuổi, quê ở H.Hà Trung, Thanh Hóa gọt thơm cho khách đon đả: “Anh trai em có số tài khoản, ai quên mang bóp hay hết tiền mặt, cứ chuyển cho anh em. Còn nếu không cứ “bắn” tiền vào số điện thoại của em!”.

“Hợp tác xã bánh tráng trộn có chuyển khoản” ở hồ Con Rùa

Tương lai của trà đá vỉa hè quét mã QR

Thạc sĩ Trần Việt An, giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay hiện nay câu chuyện khách hàng thanh toán hóa đơn hay mua hàng mà trên tay chỉ có một chiếc điện thoại thông minh không còn quá xa lạ. Từ việc đi siêu thị, đi cà phê, ăn uống cho tới trả tiền cho ly trà đá vỉa hè. Theo thạc sĩ Trần Việt An, không phải ngẫu nhiên mà điều này lại trở nên phổ biến, thậm chí sẽ là xu hướng trong tương lai.

Việc này cho phép người dùng thanh toán nhanh chóng, chi trả được các khoản tiền có số lẻ, số tiền nhỏ, như uống một cốc trà đá, đồng thời lưu trữ được lịch sử thanh toán, lại an toàn vì không phải mang theo số tiền lớn, tránh mất mát.

Thạc sĩ Trần Việt An, giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân

“Thứ nhất, thế hệ thanh niên ngày nay sinh ra, lớn lên và sống trong thế giới công nghệ, thông thạo thiết bị thông minh. Thứ hai, nền tảng công nghệ tài chính, thể chế đã có nhiều thay đổi, cho phép các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó hình thức phổ biến hiện nay là quét mã QR. Việc này cho phép người dùng thanh toán nhanh chóng, chi trả được các khoản tiền có số lẻ, số tiền nhỏ, như uống một cốc trà đá, đồng thời lưu trữ được lịch sử thanh toán, lại an toàn vì không phải mang theo số tiền lớn, tránh mất mát”, anh Việt An nói.

Giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay chính bởi những ích lợi trên mà càng ngày càng nhiều người, đặc biệt là Gen Z, sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt. “Thói quen thanh toán những ly trà đá ở mọi nơi, bằng mã QR, chỉ là vấn đề thời gian, để người tiêu dùng thích nghi và thay đổi thói quen”, anh Việt An trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.