Thu lãi gấp 3 lần, nông dân làm giàu nhờ cà phê
H.Đắk Song là một trong những vùng trồng cà phê lớn của tỉnh Đắk Nông. Vào thời điểm này, nông dân địa phương rất phấn khởi vì đang vào vụ thu hoạch cà phê; không chỉ được mùa mà giá còn cao chót vót. Trên địa bàn xã Nam Bình (H.Đắk Song), HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết là một mô hình sản xuất hiệu quả. Toàn HTX có 150 ha trồng hồ tiêu và 250 ha trồng cà phê, trong đó có trên 100 ha cà phê đạt tiêu chuẩn 4C (sản xuất bền vững, có trách nhiệm xã hội).
Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Đoàn Kết, hồ hởi nói: "Vụ cà phê năm nay mới đi được khoảng 1/3 quãng đường nhưng niềm vui của bà con thì như nhân 2, nhân 3 khi giá đang ở mức cao chót vót. Mấy hôm nay giá thế giới tăng mạnh nên giá trong nước cũng tăng dựng đứng, hiện ở mức 131.000 - 132.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá hiện tại đã cao hơn ít nhất là 2,5 lần. Đây là mức giá cao chưa từng có trong mùa thu hoạch cà phê ở địa phương".
Ông Bính cho biết thêm trong những năm gần đây, nhờ áp dụng canh tác theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tăng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học nên cây khỏe, ít bệnh, giúp giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất vẫn ổn định trên 4 tấn/ha. "Cà phê được mùa, trúng giá nhưng nhiều bà con cũng không vội bán. Do trước đó hồ tiêu cũng trúng giá nên nhiều người không bị áp lực kinh tế phải bán cà phê non như trước kia", ông Bính cho biết.
Tương tự, tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ công bằng Eatu (TP.Buôn Ma Thuột), nói: "Nông dân giờ thành đại gia hết rồi. Trên một miếng vườn mà cả hồ tiêu đến sầu riêng rồi giờ là cà phê cái nào cũng giá cao. Đặc biệt giai đoạn hiện nay đang lên cơn sốt giá cà phê, mức cao chưa từng thấy. Giá biến động mạnh quá nên đa phần bà con trữ lại không dám bán vì lo bị hố. Một số người có sản lượng nhiều sẽ bán nhỏ giọt để thăm dò thị trường xem giá thật hay ảo. Mấy năm trước còn có tình trạng nông dân bỏ cà phê chạy theo các cây trồng khác nhưng nay thì không còn phải lo nữa ai cũng ra sức chăm bón, vườn nào già cỗi thì tranh thủ tái canh".
Theo nhiều nông dân và doanh nghiệp, giá thành sản xuất 1 kg cà phê chỉ 30.000 đồng và tối đa là 40.000 đồng; trong khi giá bán bình quân hiện nay khoảng 130.000 đồng/kg. Như vậy người nông dân có lãi đến 3 - 4 lần chi phí đầu tư, đây cũng là mức lãi cao chưa từng thấy và đủ để người nông dân trồng cà phê cảm thấy hạnh phúc.
Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh là một doanh nghiệp thu mua nông sản địa phương tại H.Krông Nô (Đắk Nông). Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc công ty này, cho biết: Từ đầu tuần đến nay giá cà phê thế giới tăng mạnh và liên tục khiến thị trường nội địa loạn giá. Một số doanh nghiệp đầu mối đưa ra mức giá khoảng 130.000 đồng/kg nhưng một số doanh nghiệp địa phương, vựa thu mua không đủ hàng để giao theo hợp đồng nên phải tăng thêm từ 1.000 - 3.000 đồng để gom hàng. Tình trạng này cũng góp phần đẩy giá cà phê nội địa tăng cao.
Vì sao cơn sốt giá cà phê ngày một nóng?
Tính đến sáng 29.11, giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) tăng liên tiếp 5 phiên với tổng mức tăng đến 778 USD, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5.565 USD/tấn. Mức giá này cao hơn tới 38 USD so với kỷ lục cũ được ghi nhận vào ngày 26.9.2024. Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York (Mỹ) cũng đạt mức cao kỷ lục là 7.190 USD/tấn. Cơn sốt giá cà phê trên các sàn quốc tế đẩy giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Sự tăng giá bất ngờ này khiến nhiều người trong ngành cũng phải hỏi dò nhau "điều gì đang thực sự xảy ra?".
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đắc Đạt nói: Cơn sốt giá hiện nay thật sự là bất ngờ với hầu hết mọi người và cũng không ai biết chính xác điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên nếu phải tìm cách giải quyết thì cơ bản do nguồn cung hạn chế. Đầu năm nắng hạn gay gắt, cuối năm mưa kéo dài nên vụ thu hoạch đến muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 - 3 tuần. Vào thời điểm hiện tại, diện tích thu hoạch mới khoảng 10 - 20%. Do không lo giá giảm như những năm trước nên nhiều người cũng không vội thu hoạch sớm mà để cà phê chín đều mới hái, phơi và tích trữ. Thêm vào đó, do hiện nay cà phê có giá trị cao nên người dân không ký gửi cho các đại lý như trước mà tự cất trữ ở nhà, thậm chí những hộ có tiền còn mua thêm của các hộ xung quanh để trữ nên lượng hàng giao dịch trên thị trường rất ít. VN không có hàng giao khiến giá thế giới sốt và ngược lại.
"Giá tăng cao quá. Thật sự tôi cũng không hiểu nổi. Lịch sử chưa từng có", là lời cảm thán của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cà phê VN. Tuy nhiên, là một người nhiều năm trong ngành, ông cũng tìm cách lý giải: Có rất nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản vẫn là cung nhỏ hơn cầu. Sự thiếu hụt nguồn cung là có thật. Lượng cà phê tồn kho trên các sàn giao dịch quốc tế không nhiều. Có thể thấy bắt nguồn từ giá cà phê arabica trên sàn New York tăng liên tục. Vì thị trường này lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, do tình trạng khô hạn kéo dài ở nhiều vùng trồng. Bên cạnh đó là các chính sách vĩ mô của chính phủ mới.
Cơn sốt từ sàn New York lan sang cả sàn London. Khi giá càng tăng thì nông dân trồng cà phê lại càng hạn chế bán ra nên tình trạng thiếu hàng càng trầm trọng. "Ngoài yếu tố cung cầu thì các tình trạng thời tiết bất thường, căng thẳng chính trị, tài chính đặc biệt là USD mạnh lên, quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) cũng khiến giá cà phê biến động dữ dội", ông Nam nhận định.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao VN (VICOFA), cũng nói: "Giá cà phê hiện nay nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết mọi người trong ngành". Các lo ngại về nguồn cung hạn chế do biến đổi khí hậu, đặc biệt từ Brazil, cũng như chính sách kinh tế tài chính của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là một phần nguyên nhân. Nhưng có lẽ thị trường lo ngại nhất chính là quy định chống phá rừng của EU. Tuy mới đây Nghị viện Châu Âu đã đồng ý với đề xuất hoãn áp dụng thêm 12 tháng nhưng nó chưa phải là phán quyết cuối cùng của EU. "Phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng 12 tới; nếu EU vẫn áp dụng EUDR từ 30.12.2024 thì giá cà phê sẽ còn tăng mạnh, nếu hoãn thêm 12 tháng như đề xuất gần đây thì giá có thể hạ nhiệt. Nếu áp dụng thì VN sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất ở thị trường EU", người đứng đầu VICOFA dự đoán.
Bình luận (0)