Giá gạo biến động khó lường

Chí Nhân
Chí Nhân
01/09/2023 06:32 GMT+7

Mức độ khó lường trên thị trường gạo thế giới tiếp tục gia tăng sau hàng loạt động thái trái chiều từ các nguồn xuất khẩu chính như: Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và cả Myanmar...

Ấn Độ và Myanmar đang toan tính gì?

Ấn Độ liên tục điều chỉnh các chính sách liên quan tới gạo trong những ngày cuối tháng 8. Tối ngày 25.8, nước này tuyên bố áp 20% thuế lên mặt hàng gạo đồ (loại làm bún, bánh…), mặt hàng chiếm 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của nước này. Đến ngày 29.8, Ấn Độ tiếp tục áp giá sàn 1.200 USD/tấn lên sản phẩm gạo đặc sản Basmati để tránh tình trạng các thương nhân phối trộn các loại gạo trắng thường vào gạo Basmati.

Giá gạo biến động khó lường - Ảnh 1.

Tính đến ngày 15.8, VN đã xuất hơn 5,35 triệu tấn gạo

Công Hân

Cùng với Ấn Độ, Myanmar cũng để lộ thông tin cho giới kinh doanh và truyền thông quốc tế về việc đang xem xét tạm dừng xuất khẩu gạo từ 1.9 - 15.10.2023. Lý do được đưa ra là chờ kết thúc vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm và bình ổn thị trường nội địa đang tăng nhanh theo giá gạo xuất khẩu.

Phản ứng trước những diễn biến trên, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN điều chỉnh tăng 5 USD lên 643 USD/tấn, tương tự gạo 25% tấm cũng tăng thêm 5 USD lên 628 USD/tấn. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đến 30.8 mới cập nhật giá mới với gạo 5% tấm tăng 34 USD lên 646 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng 25 USD lên mức 607 USD/tấn. Các loại gạo thơm, chất lượng cao cũng tăng bình quân khoảng 10 -15 USD/tấn; cụ thể gạo Jasmine là 804 USD/tấn, gạo Hom Mali (cũ) giá 1.053 USD/tấn. Đáng chú ý, ngoài VN và Thái Lan thị trường còn chứng kiến sự quay trở lại từ nguồn cung quan trọng là Pakistan và giá gạo 5% tấm ở mức 608 USD/tấn; còn gạo 25% tấm là 533 USD/tấn.

Trong khi thị trường gạo thế giới đang lên cơn sốt vì những chính sách mới ban hành của Ấn Độ thì nước này lại có động thái hạ nhiệt thị trường. Ngày 30.8, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ công bố 2 quyết định quan trọng. Quyết định thứ nhất, cho phép các lô hàng gạo trắng (trừ gạo Basmati) bị kẹt ở cảng được phép xuất khẩu. Các lô hàng này vẫn phải chịu mức thuế 20% theo quy định trước đó. Theo Liên đoàn Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, khoảng 150.000 tấn gạo trắng thuộc dạng này đang bị kẹt ở nhiều cảng khác nhau. Các lô hàng sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu và cả các nhà nhập khẩu, chủ yếu là những quốc gia đông và tây Phi vốn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Một quyết định khác là phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo Basmati) đến 3 nước là Bhutan, Singapore và Mauritius. Theo đó, lượng gạo mà Ấn Độ đồng ý xuất cho Bhutan là 79.000 tấn, Singapore 50.000 tấn và Mauritius là 14.000 tấn.

Giới kinh doanh chú ý nhiều đến các hợp đồng cấp chính phủ mà Ấn Độ vừa cấp phép xuất khẩu. Đây là điều mà Ấn Độ vẫn để ngỏ trong suốt một năm qua kể từ khi cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với các loại gạo trắng ngày 9.9.2022. Một nguồn tin của Thanh Niên cho biết: Ngay trong ngày 30.8, Ấn Độ gấp rút thành lập một tổ chức gọi là Cơ quan Lương thực quốc gia với nhiệm vụ xem xét cấp hạn ngạch xuất khẩu cho các hợp đồng cấp chính phủ. Nếu điều này được thực hiện có thể làm hạ nhiệt nhanh cơn sốt giá gạo hiện nay. Tuy nhiên, các nước xuất khẩu khác cũng không cần quá lo vì vấn đề cơ bản của thị trường gạo hiện nay là cung gạo thấp hơn cầu rất nhiều. El Nino vẫn đang diễn ra và có thể kéo dài đến tháng 4.2024, đe dọa nguồn cung gạo cũng như lương thực nói chung ở nhiều nước trên thế giới.

Đối với trường hợp của Myanmar, nước này không thiếu gạo ăn và mỗi năm có dư để xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn. Việc xem xét tạm dừng xuất khẩu trong thời gian 45 ngày nhiều khả năng là cách để nâng giá trị gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, Myanmar trước nay chưa có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng lớn. Theo một số chuyên gia và doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại thị trường vẫn còn nhiều ẩn số khiến giá gạo cũng ẩn chứa nhiều bất thường. Tuy nhiên, nếu có hạ nhiệt thì giá gạo vẫn sẽ xoay quanh mốc 600 USD/tấn trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 1.9: Việt Nam đang số 1 về sầu riêng tươi | Ấn Độ thay đổi chính sách gạo

Cần có cơ chế giá sàn xuất khẩu gạo

Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo cập nhật tình hình thị trường gạo nội địa và thế giới. Theo VFA, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của VN gặp một số khó khăn. Chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy. Nguyên nhân là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Giá lúa gạo nội địa tăng, doanh nghiệp thiếu hẳn nguồn vốn mua lúa gạo dự trữ, gối đầu làm giảm hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn nhất là vốn lưu động và hạn mức tín dụng thấp.

Giá gạo biến động khó lường - Ảnh 2.

Đối với thương mại gạo sắp tới, VFA nhận định: Tình hình sản xuất và thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu. Để ứng phó với những diễn biến khó lường của thị trường, VFA đề xuất bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một số cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, lúa hàng hóa tồn kho của các thương nhân theo Nghị định 107. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và 107.

VFA cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho các thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, khuyến nghị: Để góp phần đảm bảo chất lượng lúa gạo đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo VN trên thị trường gạo thế giới, qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu "nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững".

VN đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo

Từ ngày 1 - 15.8.2023, xuất khẩu gạo đạt 456.768 tấn, trị giá 155 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.8, đạt sản lượng 5,35 triệu tấn và trị giá gần 2,9 tỉ USD; tăng 22% về số lượng và 35% về giá trị.

Tính đến ngày 18.8, vụ hè thu ở ĐBSCL đã thu hoạch được 926.000/1,482 triệu ha diện tích gieo sạ. Năng suất bình quân 59,33 tạ/ha, ước sản lượng 5,5 triệu tấn lúa. Vụ thu đông đã gieo sạ 420.000/700.000 ha diện tích (kế hoạch) và thu hoạch được 11.000 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.