Gạo, đường, rau, thịt… cùng tăng
Hiện nay đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu ở các tỉnh ĐBSCL nên nguồn cung dồi dào và giá xuất khẩu cũng giảm nhẹ. Thế nhưng giá gạo tại thị trường nội địa thì ngược lại. Chị Nguyễn Ngọc Thùy, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), mới mua gạo tuần rồi cho biết gạo Đài thơm, giá tăng 1.500 đồng/kg. "Mỗi lần tôi đều mua 10 kg để ăn trong 2 tuần. Tính ra mỗi tháng cũng tốn thêm đến 30.000 đồng tiền mua gạo. Bên cạnh đó, giá đường cát hiện từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với khoảng 2 tháng trước. Do gia đình tôi ít sử dụng đường nên thỉnh thoảng mới mua và phát hiện tăng giá khá mạnh", chị Thùy kể.
Ông Trần Văn Lộc, chủ một vựa gạo trên đường Trần Chánh Chiếu (Q.5, TP.HCM), giải thích: Hồi đầu tháng 6 này, giá gạo có một đợt tăng mạnh, đặc biệt là gạo ST25. Lúc đó thương lái ở miền Tây chào giá lên tới 25.800 đồng/kg so với thời điểm đầu năm, tăng tới khoảng 3.000 đồng/kg. "Sức mua yếu, gạo bán ra chậm lắm, hàng dự trữ còn nhiều nên thấy giá cao quá tôi không dám nhập thêm. Không chỉ gạo ST25 mà các loại khác cũng tăng. Nguyên nhân là do vụ đông xuân kết thúc, lượng hàng xuất khẩu rất lớn khiến nguồn cung gạo đông xuân khan hiếm. Trong khi đó, vụ hè thu chất lượng gạo không tốt bằng nên bán nội địa rất khó. Có một số nơi, họ phối trộn gạo hè thu vào đông xuân với tỷ lệ nhất định để lấy hương thơm và hạ giá bán để giữ khách chứ thật sự gạo hè thu rất khó bán", ông Lộc phân trần.
Góp vào câu chuyện vật giá leo thang, chị Bùi Ngọc An (TP.HCM) thừa nhận thời gian gần đây có cảm giác "tiền trong túi rất mau hết". Cứ loay hoay đi chợ chừng 2 ngày là "bay" tờ 500.000 đồng. Thường đi chợ truyền thống ở những chỗ quen, chị An cứ gom hết mọi thứ lại tính tiền một lần nên cũng không để ý giá. Đến khi thấy có vẻ tốn tiền nhiều hơn chị mới nhìn lại thì nhận ra một số mặt hàng đã âm thầm tăng giá lúc nào không biết.
"Tôi chỉ lấy 2 cây xà lách loại thường cũng đã 20.000 đồng, hỏi ra mới biết giá một ký đến 70.000 đồng; 2 trái dưa leo nho nhỏ cũng có giá 20.000 đồng (60.000 đồng/kg) và 1 trái bí đao cũng 15.000 đồng (35.000 đồng/kg)… Ngay cả món cà tím nướng sẵn, trước có giá 20.000 đồng nay cũng tăng thêm 5.000 đồng/phần. Nhưng tăng mạnh nhất phải kể đến giá thịt heo; nếu so với thời điểm trước tết giá thịt heo tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể như thịt ba rọi khoảng 140.000 đồng/kg, sườn non 175.000 đồng/kg, nạc đùi khoảng 110.000 đồng/kg… Để giảm áp lực kinh tế tôi thường chọn các loại cá, trứng hay đậu hũ", chị An nói rõ.
Dịch vụ ăn uống vừa tăng giá vừa giảm lượng
Chi phí cho bữa cơm gia đình còn tăng nên giá các dịch vụ ăn uống càng tăng mạnh. Nhân dịp cuối tuần thay vì phải nấu nướng, gia đình anh Lê Văn Sơn, ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM), chọn ra ngoài ăn tối ở quán quen. Sau hơn một tháng trở lại, nhìn thực đơn mới, anh khá bất ngờ vì món nào cũng tăng 20.000 - 30.000 đồng, thậm chí một số món đặc biệt tăng tới 50.000 đồng. Càng bất ngờ hơn khi món lưỡi vịt sapo mà gia đình anh ưa thích thì không những tăng 20.000 lên 170.000 đồng/phần mà số lượng cũng giảm. Thay vì tiếp tục gọi những món khoái khẩu, gia đình anh đành chuyển hướng chọn một vài món ăn "chắc bụng" như cơm chiên, mì xào để không chịu cảnh bội chi cho một bữa ăn tối.
"Nhiều quán bún, phở, hủ tiếu… thời gian gần đây cũng âm thầm tăng giá. Trước đây khi đi ăn, tôi thường phải yêu cầu ít bánh phở, ít bún còn gần đây thì nhiều nơi dù không yêu cầu nhưng ăn xong vẫn không thấy đủ no vì số lượng đã giảm đáng kể, nhất là thịt đi kèm. Vậy nên tôi thường chọn bánh mì nhưng một ổ bánh mì thịt giá bình dân cũng 25.000 - 30.000 đồng, rất ít chỗ bán 20.000 đồng như trước. Lương chưa kịp tăng mà giá cả nhiều thứ đã tăng đón đầu", anh Sơn than thở.
Chung cảm nhận, anh Lý Nghĩa Hiếu (cũng ở TP.HCM) bổ sung: Thời gian qua kinh tế khó khăn nên làm không ra tiền mà chi tiêu lại tăng. Mấy tháng vừa qua do nắng nóng nên tiền điện tăng gấp đôi, gần đây mưa nhiều, bớt nóng nhưng tiền điện vẫn chưa "hạ nhiệt". "Mấy năm trước còn cố gắng sắp xếp để tranh thủ đưa 2 đứa con đi du lịch hè. Năm nay, vợ chồng tôi đã tính phải ở lại cày, gửi mấy đứa nhỏ về quê với ông bà chơi một vài tuần thay vì đi du lịch để đỡ tốn kém. Năm học mới sắp đến, lại phải tốn một khoản lớn cho tiền quần áo, sách vở, học phí… trong thời bão giá này nên lo từ bây giờ là vừa", anh Hiếu nói.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2024 tăng 0,05%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá. Các nhóm hàng tăng giá là dịch vụ ăn uống; thực phẩm cụ thể là các loại rau tươi và đặc biệt là thịt heo tăng 1,94% so với tháng trước… Ngoài ra giá nhiều nhóm mặt hàng như nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành giá
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61 gửi lãnh đạo bộ ngành, địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Công điện nêu rõ thời gian tới, áp lực từ chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.
Trước tình hình trên, để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, không để bị động trong mọi tình huống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư: Giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá. Đề xuất cụ thể lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, điện, giáo dục... Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)