So sánh năm 2015 và 2016, trong 6 vùng trên cả nước, có 1 vùng giữ nguyên; 2 vùng tăng (tăng nhiều, 0,4 và 0,6 điểm phần trăm) và 3 vùng giảm (giảm ít, 2 vùng giảm 0,2 và 1 vùng giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhưng 2 năm 2016 - 2017, xu thế sinh con thứ ba lại tăng rõ rệt. Trong 6 vùng, chỉ có 1 vùng giữ nguyên (bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung); 5 vùng còn lại đều tăng, và tăng rất nhiều, trong đó trung du và miền núi phía bắc tăng 2,7 điểm phần trăm; vùng Tây nguyên tăng mạnh nhất với 3,2 điểm phần trăm.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê đã ước tính tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của năm 2018 là 20,9%, tương đương với mức cao nhất (20,8%) xảy ra năm 2005. Mức tăng 3,6% so với năm 2017 cũng là mức tăng cao kỷ lục, cao hơn với mức tăng của cả thời kỳ 5 năm trước (3,1% trong giai đoạn 2012 - 2017). Đáng chú ý, biến động về sinh con thứ ba trở lên lại thường xảy ra ở nhóm dân cư có trình độ văn hóa cao và ở cả cán bộ, đảng viên. Điều này dễ tạo hiệu ứng trong xã hội về sinh con thứ ba trở lên.
Đại diện của Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định quy mô dân số. Do vậy, trong những năm tới, cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu mức sinh, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ ba, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời.
Ngày 28.8.2018, Ban Chấp hành T.Ư cũng đã ban hành quy định về việc kết nạp đảng viên, trong đó có tiêu chí về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Trong đó, có quy định về các trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng, cụ thể như: đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; quần chúng đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ trong trường hợp sinh con thứ 5 trở lên…
Bình luận (0)