Giá USD rớt mạnh, tiết kiệm lên ngôi

Thanh Xuân
Thanh Xuân
14/01/2023 07:09 GMT+7

Tăng phi mã vào tháng 10.2022 nhưng giá USD giảm mạnh trước sự ngỡ ngàng của thị trường. Nhiều người nắm giữ USD thua lỗ nặng chỉ trong vài tháng qua.

Đầu tư tỷ giá méo mặt

Ngày 13.1, giá USD giao dịch giữa các ngân hàng (NH) vẫn quanh mức 23.450 đồng/USD. Đây là mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thu mua lại ngoại tệ dư thừa trên thị trường. Thực tế, giá USD của các NH đã sụt giảm không phanh sau khi đạt mức kỷ lục, gần 24.900 đồng/USD hồi tháng 10.2022. Tính đến thời điểm hiện tại, Vietcombank đã giảm giá đồng bạc xanh gần 1.300 đồng so với cuối tháng 10.2022, tương ứng mức giảm 5,1%. Nhà băng này mua USD vào với giá còn 23.260 - 23.290 đồng, trong khi bán ra 23.610 đồng.

Lãi suất tiết kiệm cao góp phần giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ

Nhật Thịnh

Rớt mạnh hơn là USD trên thị trường tự do. Chiều 13.1, giá mua USD tự do còn 23.395 đồng, bán ra 23.455 đồng. So với cách đây 3 tháng, giá USD tự do giảm hơn 2.000 đồng, tương ứng mất 8,2%. Tốc độ giảm giá USD tự do nhanh hơn trong NH và về xấp xỉ mức giá mua vào của nhà nước.

Sự đi xuống của giá USD những tháng gần đây khiến nhiều người bị bất ngờ. Chị Hoàng Anh (Q.7, TP.HCM) cho biết hồi tháng 10.2022 khi thấy giá USD tăng liên tục tiến sát mức 25.600 đồng/USD chị cũng định bán ra hơn 150.000 USD đang nắm giữ. Thế nhưng ai cũng can vì tin rằng USD sẽ còn tiếp tục tăng. Bản thân chị cũng tin như vậy nên lại để đó. Nay cần tiền xử lý công việc thì giá đã xuống 23.390 đồng/USD. “Tính ra mất đi khoảng 287 triệu đồng chênh lệch tỷ giá nếu tôi bán cách đây chưa đầy 3 tháng”, chị Hoàng Anh tiếc rẻ. Chưa kể, theo chị Hoàng Anh, chị mua số ngoại tệ này từ đầu năm 2022 với giá 23.500 đồng nên phần lỗ về giá là 110 đồng/USD, mất khoảng 16,5 triệu đồng. Nếu gửi tiết kiệm tiền đồng với lãi suất khoảng

7%/năm thì cùng số tiền này, chị còn có thêm khoản lãi tiết kiệm hơn 265 triệu đồng. “Từ trước đến nay, giá USD thường hay tăng và ít khi nào có xu hướng giảm mạnh trong thời gian ngắn như vậy. Nay lãi suất tiền đồng ở mức cao 9,5%/năm nên tôi phải xem lại việc nắm giữ USD hay chuyển sang tiền đồng, chứ giá USD khó có thể tăng được như mức lãi suất này”, chị Hoàng Anh cho hay.

Tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng biến mất khi USD xuống giá. Chị Anh Thư, Công ty xuất khẩu thủy sản Thành Nhơn, thú nhận cách đây mấy tháng, khi ngoại tệ thanh toán tiền tôm, cua xuất đi nước ngoài về, chị còn hóng xem tỷ giá biến động như thế nào rồi mới quyết định thời điểm bán. Thế nhưng gần đây, khi tỷ giá có xu hướng đi xuống nhanh, công ty quyết định bán ngoại tệ lấy tiền đồng về. Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, tỷ giá càng cao thì doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ ngoại tệ. Ngược lại, giá USD giảm thì doanh nghiệp xử lý bán USD lấy tiền đồng gửi NH có mức sinh lợi tốt hơn.

Chị Anh Thư cho hay bù lại tỷ giá không tăng nhưng giá hải sản xuất đi tăng 100.000 - 150.000 đồng/kg, giá tôm lên 700.000 - 850.000 đồng/kg. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng vừa ký được một đơn hàng cung cấp cho đối tác nước ngoài 3.000 tấn tôm hùm/năm, tính ra mỗi ngày xuất khoảng 2 - 3 tấn, riêng cua Cà Mau là 100 tấn. “Bây giờ chỉ lo nguồn hàng trong nước không đủ bán cho nước ngoài để thu ngoại tệ về”, chị Anh Thư cho hay.

Cung ngoại tệ dồi dào

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), giá USD giảm do nhu cầu thanh toán giảm, bên cạnh đó nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tăng lên. Quan trọng là tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn nữa khi giá cứ đi xuống cũng làm cho nguồn cung trên thị trường lại càng dồi dào hơn. Ngoài ra, tác động thị trường vàng lên tỷ giá cũng không còn như những năm trước đây… khiến giá USD có thêm một lý do đi xuống. Theo phân tích của vị tổng giám đốc này, giá USD tăng chỉ có lợi cho giới đầu cơ chứ phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng không hưởng gì nhiều. Bởi các doanh nghiệp này thường vay tiền NH để làm hàng xuất khẩu, khi ngoại tệ về thì bán lại cho NH để trả nợ. Ngược lại, tỷ giá tăng sẽ tác động đến lạm phát trong nước bởi giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, nhất là giá xăng dầu tăng sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp khác. “Tỷ giá cân bằng, đảm bảo hài hòa, linh hoạt là tín hiệu tích cực cho thị trường”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền

Liên tục từ đầu tháng 1 đến nay, NHNN hút ròng lượng tiền trên thị trường mở lên đến 125.657 tỉ đồng. Điều này cho thấy thanh khoản của các NH đã tốt hơn trước. Ngày 13.1, NHNN hút về 20.500 tỉ đồng, trong khi bơm ra chưa đến 15.500 tỉ đồng. Nâng lượng tiền hút về lên 187.300 tỉ đồng kể từ đầu tháng 1 đến nay, trong khi bơm ra 61.643 tỉ đồng. Lượng tiền hút về cao gấp 3 lần bơm ra.

Trong những ngày đầu tháng 1, Công ty CP chứng khoán SSI nhận định NHNN đã phát đi tín hiệu sẵn sàng mua USD khi niêm yết trở lại giá mua USD trên Sở Giao dịch NHNN ở mức 23.450 đồng/USD. Tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động tiền đồng và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài gia tăng, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỉ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỉ USD). Như vậy, cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gấp hơn 3 lần năm trước.

Với giá USD trên thị trường liên NH xuống thấp hơn giá mua của Sở Giao dịch NHNN những ngày gần đây, một số thành viên trên thị trường liên NH cho hay NHNN đã thực hiện mua vào lượng ngoại tệ lớn, khoảng 2 tỉ USD. Điều này đã chặn đà rơi của tỷ giá có thể xuống sâu hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.