Giá xăng dầu ngày 4.7.2020: Lặng sóng sau dự báo đến 2022 phục hồi

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/07/2020 11:04 GMT+7

Thị trường dầu thô ngày cuối tuần lặng sóng khi Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 3.7 để kỷ niệm Quốc khánh 4.7, dầu Brent trên sàn London sụt 2 cent đầu giờ sáng nay.

Đầu giờ sáng nay (4.7, giờ Việt Nam), dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 dừng ở mức 40,32 USD/thùng sau khi sụt 33 cent từ ngày hôm qua. Dầu Brent hợp đồng giao tháng 9 mất 2 cent, về 42,78 USD/thùng.

Bao giờ quay lại mức trước dịch Covid-19?

Cả hai hợp đồng dầu thô giảm nhẹ sau khi kết thúc phiên cuối tuần, nhưng vẫn ở mức cao trên 40 USD/thùng. Trước đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8% trong năm nay, tăng trở lại 6% vào năm 2021 và hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch vào năm 2022.
Chuyên gia phân tích, xăng sẽ phục hồi nhu cầu nhanh nhất trong số các sản phẩm nhiên liệu do hoạt động đi lại gia tăng. Người dân sẽ chuyển từ giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. Cùng với đó, thay vì du lịch bằng hàng không, họ dùng ô tô nhiều hơn để du lịch nội địa, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Còn nhu cầu dầu diesel sẽ phục hồi như thời điểm năm 2019 khi chi tiêu của các chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng tăng trở lại. Theo AFP, Goldman Sachs cũng cảnh báo nhu cầu nhiên liệu máy bay là ảm đạm nhất, nếu không có vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Phân tích của Goldman Sachs cho thấy, nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ quay trở lại mức trước Covid-19 sớm nhất là trước năm 2023.
Cả hai hợp đồng giá dầu Brent và WTI tăng vọt lần lượt hơn 80% và 91% trong quý 2 năm nay, tuy nhiên, cả hai vẫn nằm trong vùng giá giảm, với mức giảm hơn 1/3 so với giá dầu đầu năm.

Nhiều ông lớn dầu mỏ thế giới lao đao, phá sản

Đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát đợt thứ hai. Tính đến cuối tháng 6, hầu hết các công ty, tập đoàn dầu khí trên toàn thế giới đều rơi vào tình trạng khốn đốn, thậm chí phá sản. Mới đây, công ty năng lượng đa quốc gia Petrobras của Brazil thông báo sẽ bán đấu thầu nhà máy lọc dầu thứ 2 của tập đoàn trong tháng 8 tới. Tập đoàn này dự kiến bán 8 nhà máy lọc dầu từ nay đến năm 2024 với tổng giá trị 20 - 30 tỉ USD.

Tập đoàn khai thác dầu khí lớn Chesapeake Energy của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản

Cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn dầu khí đá phiến lớn nhất nước Mỹ là Chesapeake Energy đã nộp đơn xin phá sản do nợ nần và do tác động của virus corona đối với ngành năng lượng. Sau đó 1 ngày, ngày 29.6, ông lớn trong ngành dầu khí thế giới BP cũng công bố việc bán các hoạt động hóa dầu của tập đoàn cho tập đoàn Ineos của Anh với giá 5 tỉ USD. Ngoài BP, các công ty dầu khí khác của Anh như IGas Energy của Anh tuyên bố tạm thời đóng cửa một số mỏ dầu khí để giảm sản lượng do giá dầu và khí tự nhiên lao dốc vào đầu tháng 5. Trước đó, cuối tháng 4, Tập đoàn khoan dầu Diamond Offshore, Tập đoàn dầu khí đá phiến Whites của Mỹ cũng đã nộp đơn xin phá sản dưới áp lực kép đại dịch và cuộc chiến giá dầu. Bên cạnh đó, theo các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ, số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ đang giảm thê thảm, các hoạt động dịch vụ dầu khí tại Mỹ và Canada dự kiến giảm 2/3 số giàn khoan trong quý 4 năm nay.
Ngay tại trung tâm các nhà sản xuất dầu mỏ lớn là vùng Trung Đông, nơi có nhiều quốc gia nguồn thu thụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều ông lớn lao đao. Tập đoàn dầu mỏ Aramco (Ả Rập Xê Út) trong quý 1 lợi nhuận giảm 25%. Tại Nga, vào giữa tháng 5, người đứng đầu Tập đoàn dầu mỏ Rosneft tuyên bố sẽ cắt giảm đầu tư hơn 20% trong năm nay do giá dầu giảm mạnh vì virus corona. Tập đoàn khí đốt Novatek thông tin doanh thu của tập đoàn giảm hơn 21%.
Tương tự, cũng trong tháng 5, tập đoàn dầu khí Total của Pháp cho biết lợi nhuận ròng đã giảm 99% trong quý 1/2020, từ 3,1 tỉ USD xuống còn 34 triệu USD. Tập đoàn dịch vụ dầu khí CGG của Pháp, chuyên về khoa học địa chất tìm kiếm dầu khí, cũng cho biết khoản lỗ ròng trong quý 1 là 98,4 triệu USD. Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol trong tháng 5 công bố khoản lỗ ròng quý 1 lên đến 487 triệu euro. Trong năm nay, Repsol có kế hoạch giảm 26% các khoản đầu tư dự kiến ban đầu và giảm chi phí hoạt động hơn 350 triệu euro. Còn Tập đoàn Shell (liên doanh Anh - Hà Lan) cũng đàm phán bán cụm mỏ khí đá phiến Appalachia cho National Fuel Gas Company (NFG) niêm yết tại Mỹ với giá 541 triệu USD. Cũng trong khu vực châu Âu, công ty năng lượng Equinor của Na Uy có báo cáo khoản lỗ ròng 708 triệu USD trong quý 1. Equinor dự kiến giảm 20% đầu tư và giảm 700 triệu USD chi phí vận hành trong năm nay.
Tại Việt Nam, liên doanh Vietsovpetro cũng có báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận bán dầu khí tại lô 09-1 giảm 15% so với kế hoạch. Còn theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước lỗ 572 tỉ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng. Doanh thu quý đầu năm cũng ước đạt gần 28.500 tỉ đồng, giảm hơn 1.700 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.