Chiều 21.3, Ban công tác phía Nam - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân trong quý I, những vấn đề nổi bật trong công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, của chính quyền địa phương trong phòng chống dịch Covid-19, trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại TP.HCM và các khu vực phía Nam. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết người dân hoan nghênh chính phủ trong thời gian qua đã tìm được nguồn và tiêm chủng vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ rất cao.
Tuy nhiên, ông Khoa lưu ý phải xem việc sản xuất vắc xin trong nước là cực kỳ quan trọng. "Dịch bệnh rồi sẽ trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta không thể nào đi xin hay mua mãi vắc xin", ông Khoa nói.
Các đại biểu tham dự góp ý về những vấn đề nổi bật trong công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, của chính quyền địa phương về kinh tế, xã hội |
phạm thu ngân |
Theo ông Khoa, người dân hiện nay cũng rất băn khoăn về việc giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng rất nhanh, chính vì vậy, nhà nước cần có sự điều hành mạnh mẽ hơn đối với mặt hàng thiết yếu như xăng nhưng lại đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Người dân băn khoăn mong đợi nhà nước xem xét trong bối cảnh lạm phát gia tăng thì mức lương tối thiểu hiện nay không còn phù hợp", ông Khoa nói thêm.
Vấn đề giá xăng dầu tăng cũng được ông Trần Việt Anh, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM góp ý tại hội nghị.
Ông Trần Việt Anh cho hay, Việt Nam đang khai thác dầu và xuất đi, nhưng lại nhập dầu. Năm vừa rồi, xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn dầu nhưng nhập 6,9 triệu tấn xăng dầu.
Ông Trần Việt Anh, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
phạm thu ngân |
"Chúng ta có dầu, nhưng phải nhập dầu thô để lọc dầu, sản xuất xăng dầu. Đó là vấn đề bất cập cần phải thay đổi. Chúng ta nên đầu tư nhiều hơn cho lọc hóa dầu, có chính sách cụ thể và đặc biệt cho những ngành cơ bản như nhựa, cao su, tổng hợp... mà hiện chúng ta phụ thuộc 90% vào những nước dầu mỏ như Ả Rập Xê Út, ở các nước Trung Đông...", ông Trần Việt Anh nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết: "Giá xăng dầu tác động rất kinh khủng tới người lao động. Với giá xăng dầu 30.000 đồng/lít thì hàng ngàn lao động đi xe máy phải đi làm xa, trong khi thu nhập của họ không đủ trả tiền xăng. Quan trọng là chúng ta nhập những nguyên liệu từ dầu mỏ trong khi chúng ta có dầu mỏ. Vấn đề giá dầu, giá nguyên liệu ảnh hưởng rất nhiều trong việc đầu tư sản xuất trong nước".
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, thảo luận về vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, công tác kiều bào, đối ngoại nhân dân...
Chọn lọc đầu tư FDI
Ông Trần Việt Anh cũng tham luận tại hội nghị về việc chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của hơn 25.100 doanh nghiệp FDI đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thì ghi nhận hơn 14.100 doanh nghiệp FDI khai báo lỗ với số tiền 151.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp khai báo lỗ này vẫn tăng.
Ông Trần Việt Anh đã dẫn chứng nhiều hạn chế thực tế của doanh nghiệp FDI như về hiệu quả sử dụng đất, công nghệ mức trung bình, và đặc biệt là bối cảnh nguồn cung ứng lao động.
"Lao động hiện nay rất thiếu. Chúng tôi đi tìm lao động hằng ngày chứ không phải như trước dù chúng tôi đưa ra nhiều chính sách như đưa rước, nhà trọ, hỗ trợ con cái công nhân... nhưng vẫn thiếu lao động. Lao động bây giờ như là vàng nhưng chúng ta vẫn đón nhận doanh nghiệp đầu tư FDI về da giày, dệt may sử dụng hàng chục đến trăm ngàn lao động. Chính vì vậy nên phải chọn lựa", ông Anh nói.
Giá xăng dầu chạm “đỉnh” đã trải qua 7 lần tăng giá như thế nào? |
Bình luận (0)