Tình hình Covid-19 hôm nay 3.3: Tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, người dân tự mua Molnupiravir

03/03/2022 18:57 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu; Bộ Y tế đề xuất phương án người dân tự mua thuốc Molnupiravir .

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 118.780 ca mắc Covid-19 trong nước; Hà Nội hơn 18.600 ca. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 2.3 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 118.790 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 118.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.500 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 18.661 ca, Nghệ An 6.152 ca, Bắc Ninh 5.648 ca, Quảng Ninh 3.956 ca, Nam Định 3.801 ca, Sơn La 3.751 ca, Hưng Yên 3.497 ca, Lạng Sơn 3.250 ca, Phú Thọ 3.168 ca, TP.HCM 3.126 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lai Châu giảm 1.151 ca, Bắc Kạn giảm 687 ca, Đắk Nông giảm 555 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội tăng 3.547, Nghệ An tăng 1.823 ca, Bình Dương tăng 1.249 ca. Theo công bố của các sở Y tế, hôm nay có thêm 33.740 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 95 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 20 ca, Hải Dương 7 ca trong 2 ngày, Thanh Hóa 6 ca trong 2 ngày, Đắk Lắk và Đồng Nai mỗi nơi ghi nhận 5 ca, Hà Giang 5 ca trong 2 ngày, Đà Nẵng và Lâm Đồng mỗi nơi ghi nhận 4 ca, Bình Định, Kiên Giang và Quảng Ninh mỗi nơi ghi nhận 3 ca.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM

khả hòa

Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra hôm nay 3.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022 - 2023) bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này. Dự thảo đặt mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thứ hai, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Bộ Y tế đề xuất phương án người dân được tự mua thuốc điều trị Covid-19. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, theo quy định hiện hành tại luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A như Covid-19, sẽ được cấp phát miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng F0 không triệu chứng và nhẹ đang gia tăng, người dân tự xét nghiệm và được cách ly theo dõi tại nhà. Do đó, cần có thêm kênh tiếp cận thuốc kháng virus bên cạnh cấp miễn phí theo luật.

Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir, gồm: cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua. Trước đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về phương án người dân tự chi trả thuốc Molnupiravir và được Bộ Chính trị cho phép. Bộ Y tế đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc người dân tự mua thuốc. Khi được Thủ tướng cho ý kiến, Bộ Y tế sẽ triển khai cụ thể.

TP.HCM sẽ cố gắng vượt qua đỉnh dịch Covid-19 trong 2 tuần tới. Tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 3.3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế TP.HCM đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng quyết liệt đưa ra chỉ tiêu, trong đó, phấn đấu trong 2 tuần tới sẽ vượt qua đỉnh dịch Covid-19.

Với chỉ tiêu này, các UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức; các xã, phường, thị trấn phải thực hiện nghiêm đánh giá cấp độ dịch tại địa phương và khắc phục ngay điểm yếu trong các hoạt động phòng chống dịch. Đồng thời, các địa phương phải thực hiện đúng các quy định về đóng, mở các hoạt động theo hướng dẫn, để có thể kiểm soát và phấn đấu từ vùng vàng, vùng cam thành vùng xanh.

Số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM ngày một gia tăng

TP.HCM khan hiếm kit test nhanh Covid-19, có hiện tượng ghim hàng, tăng giá. Ngày 3.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn khẩn báo cáo về tình hình cung ứng và sử dụng kit test nhanh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, hiện nay hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Sở Y tế nhận được một số thông tin từ các đơn vị y tế trên địa bàn với nội dung báo cáo về việc giá kit test nhanh Covid-19 liên tục tăng cao, không ổn định. Việc cung ứng của các công ty cung ứng cho các cơ sở y tế không đảm bảo nhu cầu sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch, có hiện tượng ghim hàng, tăng giá bán.

Việc tăng giá bán của các công ty cung cấp, nguồn cung kit test nhanh không đáp ứng, các cơ sở y tế gặp khó khăn, không đảm bảo công tác phục vụ phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Sở Y tế kiến nghị các cơ quan Quản lý thị trường, phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm kit test nhanh Covid-19 trên thị trường để đầu cơ, ghim hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán kit test nhanh Covid-19 bất hợp lý.

Karaoke, quán bar, vũ trường ở Ninh Thuận được hoạt động trở lại từ 5.3. Ngày 3.3, ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ký văn bản gửi các ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố về việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí như karaoke, quán bar, vũ trường, hát cho nhau nghe, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, khu vui chơi, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn khu vực thuộc xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 (theo kết quả đánh giá cấp độ dịch của UBND các huyện, thành phố) được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 5.3.2022.

Đồng Tháp mua kit test của Công ty Việt Á gần 203 tỉ đồng, kiểm toán vào cuộc. Tại buổi họp giao ban báo chí của tỉnh Đồng Tháp ngày 2.3, ông Nguyễn Văn Phú, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết UBND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 2 tổ kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, do Sở Tài chính và Sở Y tế Đồng Tháp làm Tổ trưởng, để rà soát và đến cuối tháng 3.2022 sẽ có kết quả kiểm tra. Theo ông Phú, liên quan đến các đơn vị của tỉnh mua kit test của Công ty Việt Á, giá cao nhất được mua là 509.250 đồng/kit test.

Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết, sau khi báo chí thông tin về các đơn vị của tỉnh có mua kit test của Công ty Việt Á với số tiền hơn 200 tỉ đồng, Công an tỉnh Đồng Tháp đề xuất tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra để tổng kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid -19, trong đó có việc mua sắm kit test của Công ty Việt Á. “Công an tỉnh đã tiếp cận hồ sơ và nắm được từng hợp đồng mua sắm thiết bị của các đơn vị trong tỉnh với Công ty Việt Á với số tiền trên 200 tỉ đồng. Còn việc trả lời có nhận hoa hồng hay không và nhận cỡ nào, sai hay không, sai mức độ nào thì phải chờ kết luận của đoàn thanh tra và kết hợp với việc Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an sẽ thông tin cho Công an tỉnh Đồng Tháp khi đó sẽ thông tin lại cho báo chí nắm”, thượng tá Quốc khẳng định.

Tăng thời hạn sử dụng của vắc xin Moderna lên 9 tháng. Chiều nay, 3.3, Bộ Y tế cho biết, căn cứ kết luận của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã đồng ý cập nhật hạn dùng vắc xin Spikevax (tên khác của vắc xin Moderna) từ 7 tháng lên 9 tháng (kể từ ngày sản xuất) ở điều kiện bảo quản âm 25 độ C đến âm 15 độ C, áp dụng đối với các cơ sở sản xuất vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc cập nhật hạn dùng này được áp dụng đối với các lô vắc xin Spikevax được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 2.3.2022.

Trước đó, việc cập nhật hạn dùng vắc xin Spikevax đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào ngày 9.2.2022; Cơ quan Quản lý dược của châu Âu (EMA) phê duyệt ngày 8.12.2021; Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (US FDA) phê duyệt ngày 31.1.2022; các cơ quan quản lý dược của Anh, Úc, Canada, Thụy Sĩ... cũng đã phê duyệt. Vắc xin Spikevax do hãng dược Moderna (Mỹ) nghiên cứu và sản xuất, được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 28.6.2021. Bộ Y tế khẳng định việc tăng hạn dùng các vắc xin không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

Ca bệnh tăng nhanh, phần lớn xã phường ở Bắc Ninh chuyển vùng cam. Theo đánh giá về cấp độ dịch, hiện tỉnh này có 14 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 8 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 95 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 và 9 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 4. Theo quy mô cấp huyện, cả 8/8 huyện, thành phố ở cấp độ 3. Theo thống kê từ 6 giờ ngày 2.3 đến 6 giờ ngày 3.3, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 5.648 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 4.310 ca mắc có nguy cơ cộng đồng; 1.338 ca trong khu cách ly y tế vùng, cách ly tập trung, cách ly tại nhà.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 93.667 ca mắc Covid-19. Cụ thể, TP.Bắc Ninh có 1.272 ca, H.Tiên Du 871 ca, TP.Từ Sơn 306 ca, H.Lương Tài 277 ca, H.Quế Võ 950 ca, H.Gia Bình 217 ca, H.Thuận Thành 521 ca, H.Yên Phong 1.234 ca. Có 50.112 F0 đã được điều trị khỏi ra viện, hết thời gian quản lý tại nhà. Toàn tỉnh có 41.465 F0 đang điều trị, quản lý, trong đó 75 ca nặng.

Thanh Hóa lấy mẫu tầm soát biến thể Omicron tại nhiều địa bàn. Ngày 3.3, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết đơn vị này vừa có văn bản yêu cầu 4 địa phương, đơn vị tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên của những người nhiễm Covid-19 để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm giải trình tự gen, nhằm kiểm tra tỷ lệ người nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn Thanh Hóa.

Bốn địa phương, đơn vị được chọn lấy mẫu ngẫu nhiên gồm: TP.Thanh Hóa, TX.Nghi Sơn, H.Hoằng Hóa, Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 Thanh Hóa. Mỗi nơi được lựa chọn sẽ lấy khoảng 30 mẫu bệnh phẩm của bất kỳ người mắc Covid-19 nào, nhằm đánh giá mức độ lây nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cũng theo ông Trương, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 7 bệnh nhân mắc biến thể Omicron ở TX.Nghi Sơn (2 bệnh nhân), Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa (5 bệnh nhân).

Covid-19 sáng 3.3: Cả nước 3.709.481 ca | Hà Nội vẫn nối dài “kỷ lục”

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Cà Mau điều chỉnh thời gian kết thúc năm học. Ngày 3.3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh này vừa có quyết định điều chỉnh thời gian học kỳ 2 năm học 2021 - 2022 của tỉnh. Cụ thể, học kỳ 2 ở bậc giáo dục mầm non sẽ kéo dài đến 30.7.2022 (trước đó quy định đến ngày 20.5.2022); giáo dục phổ thông: học kỳ 2 của lớp 1, 2 kết thúc trước ngày 30.7.2022; lớp 3, 4 và 5 kết thúc học kỳ 2 trước ngày 15.7.2022 (trước đó quy định đến 21.5.2022); cấp THCS và THPT kết thúc học kỳ 2 trước ngày 15.6.2022 (trước đó quy định đến ngày 21.5.2022); giáo dục thường xuyên kết thúc trước 31.5.2022 (trước đó quy định đến 7.5.2022). Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau cũng nêu rõ các cấp học kết thúc và tổ chức tổng kết năm học 2021 - 2022 trước ngày quy định kéo dài thời gian nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.