Khó kích động thành làn sóng tăng giá đột ngột
Cho đến 16 giờ hôm qua (11.10), giá xăng dầu thế giới trên trang MarketWatch giữ nhịp giảm nhẹ. Theo đó, so với mức giá chốt phiên lúc rạng sáng 11.10 (giờ VN), giá dầu thô WTI lùi tiếp 22 cent, giao dịch ngưỡng 85,75 USD/thùng, dầu thô Brent chuẩn toàn cầu lùi mức tương đương, giao dịch ngưỡng 87,42 USD/thùng. Như vậy, sau khi tăng vọt hơn 4%, giá dầu thô thế giới có chiều hướng giảm nhẹ.
Trên Đài CNBC, Tổng giám đốc Vandara Hari của Công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights cho hay giá dầu đã tăng vọt khi các thị trường mở cửa trở lại vào thứ hai hồi đầu tuần. Tuy vậy, theo ông, sự kiện này "không mở màn cho một phản ứng dây chuyền và nguồn cung dầu khí ở Trung Đông không bị ảnh hưởng".
Tương tự, ông Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai thác mỏ của Commonwealth Bank, cho biết để xung đột Hamas - Israel tác động mạnh và lâu dài đến thị trường thì nguồn cung hoặc vận chuyển dầu phải giảm liên tục. Nếu không, lịch sử cho thấy "phản ứng tích cực của giá dầu chỉ là tạm thời và dễ dàng bị ảnh hưởng với các yếu tố thị trường khác". Vị này nhấn mạnh: "Cuộc xung đột không trực tiếp gây nguy hiểm cho bất kỳ nguồn cung dầu mỏ chính nào".
Trong nước, chiều qua, liên bộ Công thương - Tài chính cho điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu theo xu hướng giảm của giá thế giới. Theo đó, giá xăng giảm từ 1.600 - 1.800 đồng/lít, giá dầu giảm gần 1.200 - 1.350 đồng/lít (lấy tròn số). Tại kỳ điều hành này, cơ quan quản lý cũng không trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy cho điều chỉnh giảm giá mạnh, song theo Bộ Công thương, giá xăng dầu trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, việc giảm kỳ vọng đối với các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện của Ả Rập Xê Út khiến giá xăng dầu trong chu kỳ 10 ngày qua có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.
Lý do Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/lần
Tuy vậy, theo một số chuyên gia, việc giảm mạnh giá xăng dầu tại kỳ này là "chưa nên mừng vội" trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông vẫn đang tiếp diễn. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: Phải theo dõi giá cả từ nay đến trước và sau Tết âm lịch, thậm chí sang năm 2024. Lý do giá thế giới có tần suất biến động khá cao, giá trong nước lại phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới.
Trong khi đó, nguồn dự trữ xăng dầu trong nước vẫn chưa được bảo đảm. Yêu cầu nguồn dự trữ tối thiểu từ 3 - 6 tháng sử dụng, nhưng đến nay, nguồn cung vẫn còn "ăn đong". Điều đáng lo ngại với thị trường là nếu căng thẳng leo thang, nguồn cung dầu thô vốn đã bị siết bởi chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện của Ả Rập Xê Út và Nga trước đó (khoảng 1,3 triệu thùng/ngày), sẽ đối diện rủi ro biến động mạnh hơn. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính cứ 0,1 triệu thùng dầu bị cắt giảm mỗi ngày, giá dầu sẽ tăng thêm 1 USD/thùng.
Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng xung đột tại Trung Đông có thể tạo ra thách thức mới với kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng của thế giới vốn đang chậm sẽ chững lại lâu hơn. Song, sự kiện này khó kích động thành làn sóng tăng giá đột ngột…
Ngày 11.10, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành vượt tiến độ 7 ngày so với kế hoạch. Từ hôm nay 12.10, nhà máy sẽ xuất bán sản phẩm xăng dầu ra thị trường trở lại. Trong bối cảnh thiếu hụt dầu thô toàn cầu, nhà máy cho biết đang phối hợp với Công ty dầu khí Kuwait để đảm bảo đủ nguồn cung dầu thô cho kế hoạch vận hành và sản xuất trở lại. Việc hoàn thành sớm đợt bảo dưỡng tổng thể lần này là tiền đề giúp nhà máy tái khởi động và vận hành trở lại, đồng thời giúp tăng nhanh công suất trong thời gian tới.
Tránh bị động nguồn cung
Giá xăng dầu trong nước vừa được giảm mạnh nhưng xung đột ở Trung Đông liệu có thể kéo giá dầu tăng trở lại, lạm phát tăng, đe dọa triển vọng tăng trưởng hay không? Và liệu thị trường có sự mất cân bằng trong dài hạn hay không?
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, nhận định nếu xung đột không leo thang và lan rộng, giá dầu chỉ sẽ bị ảnh hưởng ở mức hạn chế, ngắn hạn. Xung đột Hamas - Israel chưa bộc lộ cạnh tranh chiến lược toàn cầu đầy đủ nên khó kích động thành làn sóng tăng giá dầu đột ngột. Có chăng chỉ là một số hành vi đầu cơ trục lợi ngắn hạn. Xung đột không khiến thị trường nhiên liệu bị ảnh hưởng nặng nề, tăng giá mạnh, nhanh và kéo dài như xung đột Nga - Ukraine hay chính sách hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Đó cũng là những nước có nguồn cung lớn đủ khả năng chi phối lượng cung thế giới và có thể sử dụng như công cụ chiến lược toàn cầu.
Tuy vậy, chuyên gia này lưu ý việc thích nghi của VN trước biến động của thế giới là điều cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh: "Cho dù ở kịch bản nào, biến động giá dầu dù cao hay thấp thì VN cũng phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Đó là tăng dự trữ dầu, tiết kiệm dầu trong sản xuất và tiêu dùng; chuyển đổi quyết liệt cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn cung, tăng sản lượng dầu sản xuất trong nước. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình để có giải pháp tối ưu tránh rơi vào tình trạng không kiểm soát gây bất ổn giá cả, tăng lạm phát do giá dầu tăng và giảm thiểu tác động xấu đến doanh nghiệp. Quỹ bình ổn cần phát huy sứ mệnh vào thời điểm lịch sử quan trọng này".
Về nguồn cung, theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, căn bản của điều hành là dự báo được tình hình, sẽ chủ động nguồn cung tốt. Hiện tại, nguồn cung trong nước được dự báo và dự trữ khá tốt, đặc biệt là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn từng bước hoàn thành các hạng mục duy tu sửa chữa, cung ứng nguồn hàng ra thị trường khá dồi dào, chưa thấy tình trạng đứt gãy cục bộ.
"Ngay từ đầu năm, Bộ Công thương đã có kế hoạch phân giao tổng nguồn nhập khẩu ngay để đảm bảo nguồn cung xăng dầu khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng 55 ngày vừa qua. Trong thực tế, nhà máy cũng chủ động triển khai nhiều phương án tối ưu nhằm bảo đảm nguồn cung, hoàn thành việc bảo dưỡng sớm. Trước diễn biến đột ngột tại Trung Đông, dù cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp dầu thô lớn trên thị trường, nhưng xung đột xảy ra tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu quan trọng của thế giới. Israel có 2 nhà máy lọc dầu có công suất 300.000 thùng/ngày. Thế nên, trong nước cũng cần chuẩn bị và rà soát lại dự trữ, nhập khẩu để tránh bị động, đứt gãy", ông Long nói.
Xung đột Hamas-Israel tác động giá dầu
Bộ Công thương bác đề nghị có mức chiết khấu cố định cho bán lẻ xăng dầu
Đó là một trong những nội dung mới vừa được Bộ Công thương nêu trong báo cáo tóm tắt tờ trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu. Liên quan vấn đề chiết khấu cho đại lý bán lẻ xăng dầu, Bộ Công thương cho biết theo phản ánh của một số đại lý bán lẻ xăng dầu, có một số thời điểm thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu trên thị trường biến động khó lường. Mức thù lao bán hàng (chiết khấu) từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu giao hàng cho các đại lý không đủ trang trải chi phí, thậm chí lỗ…
Từ đó, các đại lý bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá. Tuy vậy, theo Bộ Công thương, Thông tư số 104 của Bộ Tài chính quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu).
"Mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mức chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. Chiết khấu cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần của mình", Bộ Công thương cho biết và nhấn mạnh không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Bởi nếu nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn; điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng; rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày thì vấn đề chiết khấu cơ bản sẽ được giải quyết.
Bình luận (0)