Giấc mơ Nhật hóa của Sài Gòn FC đang tan biến?

11/09/2021 15:04 GMT+7

Sài Gòn FC được xem là CLB đầu tiên của Việt Nam sớm công bố bước đột phá khi xây dựng quy trình “Nhật hoá” đội bóng này. Tuy nhiên, đến giờ mọi thứ đang im hơi lặng tiếng khiến nhiều người cho rằng phải chăng đội bóng được xem là thiếu gia này gặp khó khi không thể triển khai được kế hoạch. Hay nói cách khác chỉ là câu chuyện đánh trống bỏ dùi.

Khát khao xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp, học theo những cái tinh túy từ sự thành công của các CLB nước ngoài, mở rộng công tác đào tạo trẻ với mô hình khoa học, hiện đại và mong muốn trao đổi cầu thủ, đưa các tài năng của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Đó là điều mà bất cứ CLB nào của Việt Nam cũng nhắm đến để nâng cao trình độ quản lý, điều hành, hoạt động cho đội bóng của chính mình cũng như góp phần cải thiện chất lượng của làng bóng. Sài Gòn FC từ khi nổi lên sau mùa bóng năm rồi khi về thứ 3 V-League chính là CLB đi tiên phong khi quyết định “Nhật hóa” nhằm cách tân đội .
Từ năm rồi, ban lãnh đạo Sài Gòn FC đã đưa ra kế hoạch này, nào là việc ký hợp đồng hợp tác với FC Tokyo, thuê HLV chuyên gia Nhật Bản về giúp xây dựng quản trị đội bóng, làm trẻ, phát triển bóng đá cộng đồng, nào là tuyển cầu thủ Nhật có tên tuổi về để chơi V-League hay lên một chương trinh cụ thể đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản mà cụ thể là Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sẽ đi Nhật trong tháng 7. Hoặc lâu dài hơn là triển khai một cách hệ thống việc tạo cơ hội đưa nhiều cầu thủ Việt Nam hơn sang chơi ở J League 2 hoặc 3 mà trong năm 2022 dự kiến có 6 cầu thủ.
Thời điểm đầu năm 2021 trong cuộc gặp báo chí, ông Trần Hòa Bình, Chủ tịch CLB khẳng định trình độ cầu thủ Việt Nam có khả năng cạnh tranh ở J League 2 nhưng nếu muốn cọ xát, đá ngay thì phải bắt đầu từ giải hạng Ba của nước bạn. Ông Bình còn khẳng định Sài Gòn FC sẵn sàng hy sinh lợi ích, thành tích của CLB để xây dựng kế hoạch dài 10, 20 năm của mình cho bóng đá Việt Nam nhằm để giúp cầu thủ Việt Nam có cơ hội cọ xát ở Nhật Bản và khi họ quay về sẽ đóng góp tốt cho đội tuyển quốc gia.

Cao Văn Triền trong trận gặp HAGL tại trận mở màn V-League 2021

Khả Hòa

Kế hoạch này rất đáng trân trọng, ý tưởng cũng rất hoan nghênh dù có nhiều chỗ người hâm mộ cũng như giới chuyên môn ngờ ngợ cách nói, cách làm của ông bầu này có phần hơi duy ý chí. Nhưng hầu hết đều ủng hộ bởi cái gì có lợi cho bóng đá Việt Nam thì đều cần phải khuyến khích, nhất là khi những ông chủ của đội Sài Gòn thể hiện tốt cái tâm xác định người Nhật vốn đã thành công với cách làm bóng đá bài bản, nên đây là nền bóng đá phù hợp với các cầu thủ Việt Nam. Cũng bằng chiến lược rõ ràng và tham vọng như thế chỉ một thời gian ngắn, ông Bình đã đưa về nhiều nhân vật mà họ cho rằng có vị trí của bóng đá Nhật Bản sang làm việc cho CLB Sài Gòn. Đó là ông Masahiro Shimoda, cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, đó là cựu tuyển thủ Nhật Bản Daisuke Matsui, hoặc hai chuyên gia là Kenzo (Giám đốc kinh doanh toàn cầu) và ông Oshida (được chọn là Giám đốc học viện Sài Gòn FC) mà theo quảng bá là đến từ FC Tokyo.
Dự án này thực sự gây choáng ngợp vì chắc chắn sẽ tiêu tốn số tiền không nhỏ từ các chủ đầu tư. Trong cuộc họp báo ra mắt các đối tác, còn nhớ ông Trần Hòa Bình cam đoan CLB không chỉ có nội lực mà họ có nguồn vốn ngoại lực đến từ các nhà tài trợ. Khi đó hàng chục doanh nghiệp đã có bảng tên trong văn phòng CLB Sài Gòn và bảng quảng cáo trên sân Thống Nhất mỗi khi đội thi đấu trên sân nhà. Không dừng lại ở đó, CLB còn làm cầu nối, đưa doanh nghiệp Việt Nam đến Nhật Bản. Ngay cả một ngân hàng Việt Nam, nhà tài trợ chính của CLB Sài Gòn đã có bốn biển quảng cáo trên sân nhà của CLB Ryukyu từ mùa giải 2021.
Thế nhưng sau khởi đầu ổn ào tại V-League 2021, đến giờ gần 6 tháng trôi qua Sài Gòn FC vẫn đang án binh bất động mọi kế hoạch của mình. Có thể hiểu dịch bệnh covid gây ảnh hướng lớn đến đời sống xã hội nên đã và đang làm trì hoãn tất cả, nhưng có vẻ như điều này chỉ đúng một phần. Cái chính là nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh bản kế hoạch to tát của bầu Bình và lãnh đạo Sài Gòn FC là họ đã rút ra bài học nào từ việc "Nhật hóa" giai đoạn đầu và liệu có còn tâm huyết để tiếp tục triển khai khi cuộc sống trở lại bình thường trong thời gian tới hay không?

Cựu tuyển thủ Nhật Bản Matsui và ông Trần Hòa Bình

Sài Gòn FC

Bài học mà Sài Gòn FC sớm trả giá chính là việc chọn sai người lên làm HLV trưởng CLB khi ông Masahiro Shimoda, thời gian nắm bắt bóng đá Việt Nam không nhiều, phương pháp huấn luyện cũng chưa phù hợp nên liên tục chọn sai đội hình và đấu pháp, không truyền được cảm hứng trong lối chơi dẫn đến việc thành tích CLB sa sút. Khi ông Vũ Tiến Thành còn nắm đội thì có 2 trận thắng, 1 trận hòa, nằm tốp đầu, nhưng ông Shimoda lên thay thì thua liền 3 trận và để lại "di chứng" khiến Sài Gòn FC tuột không phanh một loạt trận sau đó. Thế nên dù HLV Phùng Thanh Phương có cố cứu vãn thì đến vòng 12, đội bóng cũng chỉ xếp áp chót bảng xếp hạng V-League 2021.
Việc mua cầu thủ Nhật Bản cũng vậy. Sài Gòn FC từng nói không tiếc tiền mua cầu thủ chất lượng nhưng 4 cầu thủ Nhật lấy về chẳng ai đóng góp được hiệu quả. Người có tiếng nhất là Matsui thì thời đỉnh cao không còn nữa nên chơi với phong độ thấp và cũng không có sức để chạy tốt trên sân. Sài Gòn FC chắc là biết sai lầm nên lẳng lặng thanh lý hợp đồng mà thông tin mới nhất Matsui đã quay về Nhật Bản để chơi futsal!
Còn việc hợp tác toàn diện với FC Tokyo công bố hồi tháng 4.2020, xây dựng CLB một cách chuyên nghiệp với các lứa U, xây dựng học viện bóng đá cộng đồng đến giờ sau hơn 1 năm vẫn chưa thấy thành hình. Trước đó CLB có đưa một HLV người Nhật phụ trách chính cho việc làm trẻ và hoạt động bóng đá cộng đồng này sau khi mua Trung tâm TDTT Thành Long, nhưng mọi thứ đến giờ vẫn đang im lìm. Riêng việc đưa 2 cầu thủ Văn Triền và Danh Trung sang Nhật Bản không thể đổ lỗi hoàn toàn do covid. Nếu thực sự muốn đưa 2 cầu thủ này đi thì sau khi mọi hoạt động của bóng đá Nhật trở lại từ hồi tháng 6 và khi đó Nhật Bản đã cho phép nhập cảnh để chơi bóng cũng như CLB không thể đá AFC Cup thì Sài Gòn FC hoàn toàn có thế thực hiện ngay nếu đã có sự chuẩn bị đầy đủ về y tế và sức khỏe. Nhưng đến giờ cả 2 vẫn đang âm thầm tập luyện ở Thành Long, chưa biết khi nào mới được "chắp cánh" bay sang Nhật.

Trần Danh Trung chăm chỉ học tập và rèn luyện tiếng Nhật, viết thư pháp cùng cô giáo người Nhật Bản của CLB Sài Gòn. Nhưng đến giờ anh vẫn phải chờ

Sài Gòn FC

Tóm lại, những gì mà dự án của Sài Gòn FC đã đưa ra rất chỉn chu, rất hấp dẫn và đáng được chờ đợi. Chính kế hoạch Nhật hóa được quan tâm này nên báo chí cũng đã rất nhiều lần liên lạc để tìm hiểu thêm những động thái tiếp theo của CLB Sài Gòn, nhưng hầu hết đều không được nghe trả lời thỏa đáng. Vậy liệu sau khi dịch bệnh được kiểm soát mà mọi thứ vẫn không thể tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả nhất thì liệu người hâm mộ có còn tin vào những gì mà lãnh đạo CLB đã đưa ra? Nói cách khác cần có lời giải thích rõ ràng từ lãnh đạo CLB rằng giấc mơ Nhật hóa có còn là hiện thực hay đã sớm tan biến?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.