'Giải mã' về người Thượng trong Vũ man tạp lục thư

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/08/2019 06:33 GMT+7

Với bìa sách là hình người Thượng mổ trâu ( ảnh ) của Baudesson chụp lấy từ tạp chí Le Tour du Monde năm 1909, cuốn sách Vũ man tạp lục thư do Ôn Khê Nguyễn Tấn (1822 - 1871) viết vào những năm ông giữ chức vụ Tĩnh Man tiễu phủ sứ lo việc bình định ở Quảng Ngãi.

Từ đó không chỉ nhiều góc khuất về người Thượng ở vùng Quảng Ngãi đã được giải mã, mà sách còn in kèm phần chữ Hán ở phần cuối để người đọc tiện đối chiếu, có thể xem là tài liệu đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống.
Tác phẩm được in và phát hành vào năm Thành Thái thứ 10 (1898), do người con của ông là Diên Lộc Quận công Nguyễn Thân (1853 - 1914), Phụ chánh đại thần, hiệu đính lại và giao cho Quốc sử quán triều Nguyễn phụ trách việc in và phát hành. Đến năm 1998, cuốn sách Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư của Nguyễn Đức Cung được nhà xuất bản Nhật - Lệ tại Mỹ ấn hành để đánh dấu 100 năm bản in bằng chữ Hán của Nguyễn Tấn. Bản mới này, do Omega Plus và NXB Hà Nội tái bản dựa trên bản dịch của Nguyễn Đức Cung in năm 1998 với tựa Vũ man tạp lục thư, cấu trúc lại hệ thống cước chú và bố trí một cách khoa học hơn cho dễ đọc.
Nếu vùng đất đèo Ngang (ranh giới Hà Tĩnh - Quảng Bình) vào tới núi Thạch Bi (Phú Yên) trong bốn thế kỷ, tính từ năm 1774 trở về trước, có lẽ hãy còn mờ nhạt nếu không có sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, thì sự có mặt thêm của Vũ man tạp lục thư cũng đã hóa giải nhiều về lịch sử vùng núi non phía tây Quảng Ngãi, về sắc dân gợi hứng cho viên tuần phủ Nguyễn Cư Trinh viết tác phẩm Sãi vãi, trở thành kiệt tác văn Nôm trong văn học sử VN.
Bằng sự quan sát tỉ mỉ, Nguyễn Tấn đã chịu khó ghi chép rất cẩn thận về vùng thượng du các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với đầy đủ tên các núi non, sông suối, khe nguồn, những tục lệ của người miền thượng, những ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác xa người Việt. Cùng với đó, phương cách phòng ngự, sự xây dựng và cải tổ dần qua các triều đại, sự tích đánh dẹp của các vị danh tướng đã từng trấn giữ vùng đất này… cũng được tác giả ghi chép chi tiết để làm tài liệu tham khảo cho hậu thế. Cuốn sách đã từng làm say mê giới nghiên cứu sử học người Pháp và châu Âu trước đây hơn một thế kỷ.
Sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tôn (1471) làm Chiêm Thành bị mất dần hết đất đai thì vùng rừng núi cao nguyên vẫn còn sự hiện diện người Thượng. Đặc biệt, người Thượng ở Quảng Ngãi từng có lúc sống an phận thủ thường nhưng cũng có khi vùng dậy chống đối tràn xuống miền xuôi trong nhiều triều đại lịch sử. Vì vậy, đọc để hiểu thêm về công cuộc bình định vùng thượng du này của người xưa từ sơ thủy cho đến năm 1871, thời điểm cuốn sách Vũ man tạp lục thư hoàn thành, thiết nghĩ là điều cần thiết và bổ ích để hiểu thêm về văn hóa, con người trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.